Sự kiện hot
7 năm trước

Có thể cấm xe máy từ năm 2030?

TPHCM dự kiến một đề án kiểm soát phương tiện giao thông, tiến tới cấm xe máy hoàn toàn ở các quận nội thành kể từ năm 2030. Khác với các đề xuất cấm xe máy trước đây bị dư luận phản ứng mạnh mẽ, đề án lần này nhận được nhiều ý kiến ủng hộ nhờ xác định rõ lộ trình thực hiện theo hai giai đoạn.

TPHCM dự kiến sẽ cấm xe máy lưu thông ở các quận nội thành kể từ năm 2030. Ảnh: internet

Giai đoạn 1 từ nay đến năm 2020: tăng phí giữ xe, hạn chế đậu xe máy trong khu vực trung tâm, mở rộng không gian đi bộ, song song đó, đẩy mạnh phát triển xe buýt, thu phí xe cơ giới vào nội đô... Giai đoạn 2 (2020-2030): tập trung phát triển các tuyến metro, các tuyến xe buýt nhanh theo quy hoạch, giới hạn đăng ký (mới) xe cá nhân, phân vùng khu vực trung tâm và những nơi thường ùn tắc để hạn chế và ngưng xe máy vào năm 2030.

Những thành phố lớn trên thế giới như Paris (Pháp), London (Anh), Madrid (Tây Ban Nha), khi cấm xe máy, người ta cũng thực hiện bài bản theo quy hoạch, có phương tiện công cộng kết nối thuận lợi. Hay như Trung Quốc, để cấm hẳn xe máy tại hai thành phố Thượng Hải và Quảng Châu, chính quyền đã lên kế hoạch và chuẩn bị trong hàng chục năm để xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, đầu tư hạ tầng giao thông, mua thêm xe buýt, khuyến khích người dân kết hợp đi bộ, xe đạp với phương tiện công cộng, không cho đăng ký xe mới và mua lại xe máy cũ để thanh lý hoặc đưa về sử dụng ở các vùng quê.

Thách thức lộ trình

Đặc điểm phát triển khu vực trung tâm TPHCM với hàng trăm ngàn ngõ ngách cùng hẻm sâu nên xe buýt không thể tới gần mà nếu đi bộ đến bến xe, có khi người dân phải đi tới mấy cây số. Phương tiện di chuyển hiện nay phần lớn là xe máy vì tiện lợi và phù hợp khả năng chi trả của số đông. Trong khi đó, hệ thống xe buýt vận chuyển hành khách chưa được kết nối đồng bộ, vẫn còn bất tiện cho người sử dụng. Theo thống kê, xe buýt hiện chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu đi lại. Như vậy, cứ dựa theo lộ trình đưa ra thì còn 13 năm nữa để phương tiện giao thông công cộng đáp ứng thêm khoảng 90% nhu cầu. Theo tôi, đây là nhiệm vụ không tưởng, kể cả khi đã hoàn thành tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).

Nói không tưởng là khi nhìn lại thực tiễn phát triển phương tiện giao thông công cộng ở TPHCM mà mục tiêu đặt ra từ năm 2002 là đến năm 2020 đáp ứng được 50% nhu cầu đi lại của người dân. Trong nhiều năm liên tục, dù chính quyền thành phố đã đầu tư hàng loạt xe buýt và chi một khoản tiền không nhỏ để trợ giá, nhưng việc người dân đến với xe buýt vẫn ít so với mục tiêu đặt ra. Còn về metro, hiện chỉ có tuyến số 1 đang được thi công và dự kiến hoàn thành vào năm 2020; tuyến số 2 vẫn còn loay hoay với các thủ tục đầu tư.

Nhưng trước sau gì thì thành phố cũng sẽ phải hạn chế và tiến tới cấm hẳn xe máy ở khu vực trung tâm để giảm kẹt xe và hướng đến đô thị văn minh, hiện đại. Lộ trình dự kiến theo đề án thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị “đi trước một bước” để tháo bỏ dần các rào cản, như chuyển đổi phương tiện hợp lý, không cho xe máy quá cũ lưu thông..., từ đó, khu vực nào đủ điều kiện, phương tiện công cộng đáp ứng được nhu cầu thì hạn chế dần và tiến tới ngưng đăng ký xe máy mới.

Phải bắt tay làm ngay

Ngay bây giờ, cần tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông tiện nghi, hiện đại, trong đó, các tuyến metro cần kịp hoàn thành và tính toán sao để khi đưa vào khai thác thì phải kết nối giao thông thuận lợi, giá rẻ, tiết kiệm thời gian. Mạng lưới xe buýt nên được rải đều, phủ rộng, sao cho hành khách đi bộ từ chỗ ở đến trạm xa nhất chỉ trong vòng 500 mét; giờ giấc xuất phát phải chính xác, hành khách không phải chờ đợi quá lâu. Việc mở rộng những con hẻm kết nối các trục đường chính của xe buýt là việc cần làm vì nhiều nhà dân ở cách xa, không thể đi bộ thường xuyên vài cây số, mặt khác, giúp tăng diện tích đường xe chạy, phục vụ giao thông trước mắt và lâu dài.

Bên cạnh đó, cần đầu tư các bãi giữ xe gần các bến đón, trạm dừng, ga metro... để hành khách gửi xe cá nhân, kết hợp đi bộ trong bán kính gần và sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Thủ đô Bangkok của Thái Lan ngưng xe máy thành công là nhờ sự đồng tình của người dân với mô hình xe đạp công cộng, kết hợp đi bộ trong phạm vi bán kính gần. Chính quyền Bangkok đã lập các trạm xe đạp công cộng có hệ thống quản lý tự động, phân làn riêng và cho đến nay đã có gần 365 ki lô mét đường dành cho xe đạp kết nối với hệ thống giao thông công cộng. Hành khách sử dụng dịch vụ chỉ cần mua thẻ và đăng ký thông tin cá nhân để kiểm soát. Việc ngưng xe máy không chỉ giúp giảm tiếng ồn, giảm ô nhiễm môi trường mà còn thu hút du khách sử dụng xe đạp tham quan mọi ngóc ngách của xứ sở Chùa Vàng.

Cấu trúc đô thị ở Bangkok cũng khá giống TPHCM với các hẻm sâu, ngõ ngách chằng chịt. Vậy cũng như Bangkok, TPHCM một khi cấm xe máy thì đường đã thông thoáng hơn nên có thể dành một phần cho xe đạp, giúp hành khách di chuyển thuận lợi vào các ngõ ngách, hẻm sâu.

Song song đó, việc cải tạo vỉa hè đủ rộng, bằng phẳng và trồng nhiều cây xanh, xây thêm nhà vệ sinh công cộng, bố trí xe chuyên dụng tẩy rửa và hút bụi thường xuyên sẽ góp phần làm đường phố sạch đẹp, tạo sự thuận lợi cho khách bộ hành trước khi lên và sau khi xuống xe buýt để đến nơi làm việc, học tập, mua sắm...

Trần Văn Tường

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Từ khóa: