Sự kiện hot
11 năm trước

Con đỗ đại học, niềm vui không quá 5 phút

Vậy là ước mơ đến với giảng đường đại học của nhiều thí sinh nghèo hiếu học trong chương trình tiếp sức mùa thi của Báo GĐ&XH đã gần trở thành sự thật. Tuy nhiên, tin đỗ đại học của các con chỉ khiến các bậc phụ huynh vui 5 phút, còn sau đó là nỗi lo vô tận...

Vậy là ước mơ đến với giảng đường đại học của nhiều thí sinh nghèo hiếu học trong chương trình tiếp sức mùa thi của Báo GĐ&XH đã gần trở thành sự thật. Tuy nhiên, tin đỗ đại học của các con chỉ khiến các bậc phụ huynh vui 5 phút, còn sau đó là nỗi lo vô tận...


Bà con lối xóm đến nhà chúc mừng cặp song sinh Quyết – Thắng vì đạt kết quả tốt trong kì thi ĐH vừa qua. Ảnh: TG

Bán lạc đi thi, bán bò đi học

Tối 28/7, ngay sau khi biết điểm thi của Học viện Quân y và ĐH Bách khoa Hà Nội, bà con lối xóm đã tụ tập đầy nhà cặp song sinh Nguyễn Anh Quyết và Nguyễn Quyết Thắng (Xóm 2, xã Sơn Tiến, Hương Sơn, Hà Tĩnh). Họ đến để chia vui cùng gia đình vì khả năng cả 2 em đều đỗ đại học là khá cao. Thi vào Học viện Quân y, Anh Quyết được 25 điểm. Tính cả 2 điểm cộng khu vực, Quyết được 27 điểm, như vậy em ở trong khoảng thứ tự 150 so với 192 chỉ tiêu vào trường. Quyết Thắng cũng đủ điểm đỗ vào ĐH Bách khoa Hà Nội (24,5 điểm). Ở Trường ĐH Y Thái Bình, Thắng cũng được 24,5 điểm. Nếu tính cả 2 điểm cộng khu vực, Thắng đã nằm trong khoảng điểm an toàn.

Hai anh em cho biết, mặc dù biết là đỗ đại học nhưng hai anh em không thấy vui. Bà nội của các em vừa bị ngã gãy chân và phải trải qua một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An. Gia đình có 3 tạ lạc mùa để dành cũng bán để cho các em đi thi nên bố mẹ các em đang phải vay mượn hàng xóm và họ hàng gần 10 triệu đồng để chi phí cho bà nội.

Quyết và Thắng là cặp song sinh đặc biệt ở Hương Sơn. Mặc dù sinh ra trong gia đình nghèo, bố mẹ làm ruộng, làm phụ hồ song hai em nổi tiếng cả huyện vì đã giành được hàng chục giải thưởng học sinh giỏi của tỉnh và quốc gia. Bán lạc được hơn 4 triệu đồng, 3 mẹ con nắm cơm ăn dọc đường để ra Hà Nội và Thái Bình thi đại học. Trước nỗ lực học tập của các em, Báo GĐ&XH đã tặng Quyết và Thắng số tiền 5 triệu đồng để giúp các em trang trải trong những ngày thi.

Quyết cho biết: “Khi chúng em chưa đi thi về, có người trong xóm đọc được bài viết trên báo điện tử Giadinh.net.vn nên đã loan tin vui cho cả xã biết. Từ làng trên xóm dưới, thậm chí ở chợ và các xã lân cận, nhiều người cũng biết chuyện nên đã đến nhà em chia vui. Tuy nhiên, chúng em vừa mừng vừa lo vì đỗ rồi, biết lấy gì đi học?”. Chị Nguyễn Thị Chi, mẹ hai em cho biết, hiện gia đình chỉ còn tài sản duy nhất là một con bò và một con bê. “Chắc tôi sẽ phải bán con bò để các con nhập học”, chị Chị lo lắng nói.

Ước mơ đã tắt?

Tối 29/7, chúng tôi nhận được cuộc điện thoại buồn từ Hưng Yên: “Cô ơi, cháu không đỗ đại học rồi”. Giọng nói nghẹn ngào cất lên và chợt rơi vào im lặng. Đó là thí sinh Tuấn Anh (ở Khoái Châu, Hưng Yên). Gia cảnh nhà Tuấn Anh rất khó khăn, bố mẹ đều làm nông, phụ hồ, quanh năm đầu tắt mặt tối. Tuấn Anh đã từng phải nghỉ học để đi làm phụ giúp kinh tế cho gia đình. Nhưng rồi ước mơ được đi học cháy bỏng của em đã thuyết phục được mẹ, để rồi 3 năm THPT Tuấn Anh đều đạt danh hiệu học sinh tiến tiến. Trong lần trao quà tiếp sức mùa thi vừa qua, mẹ con Tuấn Anh vô cùng xúc động trước tấm lòng của bạn đọc và Báo GĐ&XH đã dành cho mẹ con em.

Thế nhưng lần này, ước mơ của Tuấn Anh một lần nữa vụt tắt. Mẹ em, chị Nguyễn Thị Lan đã không đồng ý cho con trai học cao đẳng để ở nhà đi làm giúp gia đình. Chị Lan cho biết, mấy hôm nay Tuấn Anh cứ khóc xin mẹ đi học. “Nó cứ buồn rầu, không ăn, không ngủ. Thi thoảng, tôi thấy nó ngồi khóc trong bếp. Nó còn nhờ bạn đến thuyết phục bố mẹ nhưng nhà có chị nó học cao đẳng rồi. Giờ không đỗ đại học thì ở nhà đi làm phụ giúp bố mẹ để nuôi các em nữa”, chị Lan nói. 

Một trường hợp đặc biệt khác trong chương trình tiếp sức mùa thi là em Võ Văn Nhật, thí sinh khiếm thị ở Đà Nẵng. Nhật đã từ chối quyền chuyển thẳng để tự thi đại học. Kỳ thi này, em được 19 điểm. Nhật cho biết, điểm chuẩn vào trường năm ngoái  là 17 và Khoa Quản trị kinh doanh mà Nhật thi vào có điểm chuẩn 18 nên em khá kì vọng. Còn em Lưu Huệ Thương (Phú Xuyên, Hà Nội), cô bé mồ côi được ông ngoại đưa đi thi đại học năm nay đã đạt 23,5 điểm. So với điểm chuẩn năm ngoái vào hệ bác sĩ dân sự, Thương đang thừa 1,5 điểm.

“Chúng tôi sẽ nghĩ lại”

“Thực lòng, chúng tôi cũng biết thất học thì quanh năm đầu tắt mặt tối, rồi đời con đời cháu sẽ khổ. Vì gia cảnh khó khăn quá nên tôi định cho cháu Tuấn Anh ở nhà. Tuy nhiên, có lẽ vì lòng nhiệt thành của quý báo đã động viên và sự hiếu học của con, chúng tôi sẽ nghĩ lại việc cho cháu Tuấn Anh lên Hà Nội học hệ cao đẳng của ĐH Văn hóa”.

(Chị Nguyễn Thị Lan, mẹ thí sinh Tuấn Anh)

Hạnh Nguyên
theo GĐ&XH

Từ khóa: