Sự kiện hot
12 năm trước

“Cơn nghiện” đầu tư công đã có cách chữa?

Chỉ thị 1792 của Thủ tướng có thể được xem là “toa thuốc” để giải quyết căn bệnh đầu tư dàn trải hiện nay, nhưng hiệu quả điều trị còn phải chờ xem.

Chỉ thị 1792 của Thủ tướng có thể được xem là “toa thuốc” để giải quyết căn bệnh đầu tư dàn trải hiện nay, nhưng hiệu quả điều trị còn phải chờ xem.

Công nhân thi công lắp đặt lưới điện ngầm ở TPHCM. Ảnh: Kinh Luân.

“Các đồng chí nhớ một điều: nếu được thì bán luôn công trình, bán 100% công trình cho tư nhân”, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhắc đi nhắc lại điều này khi gặp lãnh đạo các địa phương tuần trước để phổ biến Chỉ thị 1792 của Thủ tướng về quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ. Đó là một yêu cầu mạnh hiếm gặp của một bộ trưởng. Song, có vẻ, ông Vinh đã đưa ra lối thoát hợp lý nhất cho những dự án đầu tư công không cân đối được vốn trong năm năm tới: những dự án đó, nếu không bán được (như ông đề nghị), hoặc không chuyển đổi được sang các hình thức đầu tư kết hợp với tư nhân chỉ còn nước duy nhất là giãn và hoãn tiến độ cho đến sau năm 2015. Bên cạnh đó, những dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ sẽ không được khởi công. Ông nói thẳng người ký quyết định phải chịu trách nhiệm với những dự án không xác định rõ nguồn vốn mà vẫn được khởi công.

Có lẽ, bộ trưởng không dọa suông. Điện Biên sẽ là địa phương đầu tiên trên cả nước phải trả giá. Lãnh đạo tỉnh này đã khởi công xây cầu Đồng Xuyên trị giá 400 tỉ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ mà chưa được Chính phủ bố trí vốn. Theo Nghị quyết 881 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định 184 của Thủ tướng, công trình này không nằm trong danh mục đầu tư đã được phê duyệt. Như vậy, dù đã được thi công gần xong, công trình này sẽ không được chính quyền trung ương bố trí vốn. Ông Vinh kể, ông đã báo cáo điều này với Thủ tướng và được Thủ tướng ủng hộ. Trong Chỉ thị 1792, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án, vượt khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ do phân cấp quá rộng. Bên cạnh đó, các dự án thi công quá dài, hiệu quả kém, phân tán nguồn lực đã không đáp ứng được yêu cầu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Tất cả những yếu kém đó, theo bộ trưởng, bắt nguồn từ sự hạn chế của cơ chế quản lý đầu tư hiện nay. Rõ ràng, những động thái như trên đã phát đi thông điệp chính: chính quyền trung ương nay đã không còn đủ nguồn lực, và sự kiên nhẫn, để tiếp sức cho những dự án đầu tư công dàn trải, manh mún và gây lãng phí.

Hiện cả nước có trên 32.000 dự án đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước đang được thực hiện, theo nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong thuộc Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội từ nguồn số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đó là một con số lớn đến khó tin, từ những đại dự án như các khu kinh tế, đường bộ cao tốc trị giá hàng tỉ đô la, cho đến những dự án rất nhỏ như lợp lại mái cho lớp học ở vùng sâu. Câu hỏi đặt ra, làm sao để tạo ra khuôn khổ pháp lý để khắc phục tình trạng trên, nhất là khi đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước được xác định là một trong ba trọng tâm phải xử lý nhằm tái cơ cấu nền kinh tế?

Đã có không ít lời khuyên từ các học giả và chuyên gia. Hầu hết đều cho rằng cơ chế phân cấp đầu tư công dễ dãi như hiện nay, như Bộ trưởng Vinh thừa nhận, cần phải được chỉnh sửa. Ông Nguyễn Quang Thái, nguyên Viện phó Viện Chiến lược phát triển, cho rằng trước hết cần sửa đổi cơ chế phân cấp ngân sách, phân cấp đầu tư và quan trọng hơn là tăng cường vai trò cân đối chung ở tầm quốc gia của Chính phủ. Đây là điều có thể làm được, nhất là khi có tới hơn 50 tỉnh đang phải nhờ trợ cấp của trung ương vì không tự cân đối được ngân sách địa phương. Nếu không có tầm nhìn thống nhất, toàn cục thì không thể khắc phục được tình trạng mở rộng hơn nữa các khu kinh tế, cảng biển, sân bay… như thời gian qua. Về điểm này, ông Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đồng tình. Ông cho rằng, việc phân cấp quản lý đầu tư hiện nay là “quá mức”, vượt tầm kiểm soát của chính các cơ quan quản lý nhà nước, gây lãng phí lớn nguồn lực, làm méo mó cơ cấu kinh tế. Ông Bá cho rằng, về phân cấp quản lý đầu tư thì các câu hỏi làm gì, bao giờ, ở đâu phải do trung ương quyết định, còn ai làm, làm thế nào có thể  phân cấp, trung ương chỉ hướng dẫn. Vì lẽ đó, phải sửa đổi Nghị quyết 08 ngày 30-6-2004 của Chính phủ. Rộng hơn nữa, ông Bá cho rằng, phải ban hành cùng lúc ba bộ luật là Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư cơ sở hạ tầng, và Luật Quy hoạch.

Tuy nhiên, việc đơn giản nhất có thể làm là giảm ngay quy mô đầu tư công. Ông Thái cho rằng, vốn đầu tư từ ngân sách phải được giảm xuống khoảng 25% tổng chi tiêu cân đối ngân sách, tránh trường hợp tăng cao lên đến gần 40% như năm 2009. Trong khi đó, ông Bá cho rằng, cần phải giảm mạnh đầu tư công xuống dưới một phần ba tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Rà soát lại các khoản đầu tư công, căn cứ vào các quy hoạch và tạo cân đối trong kế hoạch, có tính khả thi về cân đối tài chính trong trung hạn. Phải tái cấu trúc lại các công trình, dự án đã đầu tư không còn phù hợp, và ngăn ngừa việc tiếp tục sản sinh ra các danh mục đầu tư “ba không” (không rõ mục đích, không cân đối được nguồn lực và không xác định được phân kỳ đầu tư).

Ở một góc độ kiên quyết hơn, ông Bá cho rằng cần phải rà soát lại toàn bộ danh mục đầu tư đã được phê duyệt, nhưng chưa triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, ông cho rằng, cần xây dựng chương trình đầu tư công cho giai đoạn năm năm tới, thay vì hàng năm như hiện nay.

Hiện tại, những bản kiến nghị của các chuyên gia kinh tế đang được thảo luận và tập hợp để gửi lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nhưng với những gì đang diễn ra, đó có thể sẽ là quá trình dài để các cơ quan nghiên cứu và chỉnh sửa. Đã có thêm ba khu kinh tế được cấp phép sau khi Thủ tướng chính phủ “chốt” danh sách 15 khu theo quy hoạch đến năm 2010. Bên cạnh đó, đầu tư từ ngân sách tới 180.000 tỉ đồng, và trái phiếu chính phủ 45.000 tỉ đồng cho năm 2012 cho thấy đầu tư công vẫn theo đà tăng mạnh. Hiện tại, Bộ trưởng Vinh đã có Chỉ thị 1792 làm “thượng phương bảo kiếm” cho tình trạng đầu tư dàn trải hiện nay. Song, vẫn phải rút kinh nghiệm. Sau khi ông họp với lãnh đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chỉ thị này, một cấp dưới đã đưa cho ông một nghị quyết về cơ cấu đầu tư công do Quốc hội ban hành năm 2004 có nội dung tương tự như Chỉ thị 1792. Đã bảy năm trôi qua, nghị quyết đó chưa từng được tuân thủ. Kinh nghiệm đó là thách thức không hề nhỏ.

Theo Thời báo kinh tế SG

Từ khóa: