Sự kiện hot
10 năm trước

Công trình xanh - mục tiêu phát triển đô thị bền vững

Cùng với đà tăng trưởng kinh tế thì nhu cầu tiêu thụ năng lượng và nguồn tài nguyên ngày càng nhiều, đồng thời cũng sẽ phát sinh ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Để hạn chế việc này thì cần có các giải pháp đồng bộ trong việc chỉ đạo điều hành của các cơ quan chức năng, cũng như việc khai thác sử dụng nguồn tài nguyên hợp lý có khoa học.


Công trình siêu thị Big C Dĩ An, Bình Dương – một trong những công trình đạt chứng chỉ công trình xanh Lotus.

Xây dựng công trình xanh để tiết kiệm nguyên vật liệu

Theo GS.TS Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC), Việt Nam đang trong quá trình CNH, HĐH đất nước nên nhu cầu sử dụng nguyên vật liệu và năng lượng là rất lớn. Trong đó, khu vực xây dựng và phát triển đô thị đang tiêu thụ khoảng 70% vật liệu tự nhiên, khoảng 30 - 45% nguồn năng lượng quốc gia và 30% nguồn nước sạch. Đồng thời, phát sinh khoảng 30% khí thải gây hiệu ứng nhà kính gây nên tác động biến đổi khí hậu và nước biển dâng. “Phát triển công trình xanh để thúc đẩy hoạt động thiết kế xây dựng và vận hành theo các tiêu chí xanh. Đây là một hoạt động cấp bách, cần thiết để sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, có hiệu quả và hạn chế tác động ô nhiễm tới môi trường, góp phần phát triển đô thị một cách bền vững”, ông Dũng nhấn mạnh.

Trong những năm gần đây xu hướng phát triển công trình xanh đã được thúc đẩy, Việt Nam hiện đã có 12 công trình xây dựng được cấp chứng chỉ công trình xanh. Tuy nhiên, trong tổng quan đánh giá của hệ thống mạng lưới công trình xanh Châu Á - Thái Bình Dương thì số công trình xanh đạt tiêu chí xanh của Việt Nam đang ở mức rất khiêm tốn, xu hướng phát triển xanh còn chưa được thật sự coi trọng và chậm. Xây dựng công trình xanh và phát triển đô thị vẫn còn tồn tại và tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu bền vững.

Phát biểu tại Hội nghị công trình xanh thường niên VGBC 2014, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh nhìn nhận: Sự phát triển quá nhanh của các đô thị Việt Nam trong thế kỷ XXI đã và đang đặt ra nhiều thách thức mang tính toàn cầu về kinh tế, văn hóa, dân số, năng lượng, lương thực… đặc biệt về biến đổi khí hậu và những thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu gây ra. Do đó, quan tâm đầu tư và phát triển công trình xanh sẽ góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu, về tiết kiệm năng lượng và tăng trưởng xanh của Việt Nam. Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung nghiên cứu, đề xuất những giải pháp quyết liệt nhằm nâng cao khả năng thích ứng, dự báo trước những kịch bản biến đổi khí hậu, ứng phó với những tác động cấp bách trước mắt cũng như những tác động tiềm ẩn lâu dài. Đồng thời, xây dựng và ban hành các văn bản chính sách có liên quan.

Với quan điểm, mục tiêu xuyên suốt là nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động phát triển kinh tế đến môi trường; khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả mọi nguồn lực; phòng ngừa, kiểm soát và khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường. Bộ Xây dựng đã triển khai thực hiện mộ̣t số giải pháp thúc đẩy việc xây dựng bộ công cụ đánh giá và hệ thống tiêu chuẩn hướng dẫn liên quan đến công trình xanh. Cụ thể, như Quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCVN 09:2013/BXD về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả; Thông tư 15/2013/TT-BXD ngày 26/9/2013; giao Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam nghiên cứu xây dựng dự thảo phương pháp đánh giá Công trình Xanh và đã áp dụng thí điểm việc công nhận cho thiết kế dự án khu nhà ở cao cấp Viglacera - Thăng Long 1; ký kết biên bản ghi nhớ với Hội đồng Công trình Xanh - VGBC, Tổ chức tài chính thế giới - IFC, Cơ quan hợp tác phát triển Hoa Kỳ - USAID...

Hợp tác để phát triển bền vững

Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh cho biết, Bộ Xây dựng cũng đang tích cực tìm kiếm sự hỗ trợ quốc tế nhằm xây dựng văn bản hướng dẫn đánh giá công trình xanh ở Việt Nam, bao gồm các nội dung về: rà soát, lựa chọn, ban hành tiêu chí đánh giá phù hợp với điều kiện phát triển và khí hậu - môi trường của Việt Nam; quy trình, thủ tục, hồ sơ, phương thức đánh giá và cấp chứng nhận công trình xanh… phù hợp với tình hình phát triển thực tế tại Việt Nam và từng bước đáp ứng điều kiện hội nhập quốc tế.

“Trên quan điểm, mỗi cơ quan, mỗi tổ chức có trách nhiệm khác nhau đối với quốc gia, nhưng chúng ta đã và đang chung tay chung sức vì mục tiêu phát triển bền vững và chiến lược tăng trưởng Xanh toàn cầu. Do đó, sự hợp tác là rất cần thiết nhằm tạo nên những sức mạnh của trí tuệ và năng lượng cho các hoạt động một cách có hiệu quả cao nhất. Thiết kế các công trình xây dựng sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và xây dựng các công trình xanh sẽ đóng góp một phần không nhỏ giảm tiêu thụ năng lượng hóa thạch, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Thiết kế và xây dựng công trình xanh không phải là một phong cách hình thái kiến trúc mà có ý nghĩa cụ thể thiết thực về mặt xã hội đồng thời mang lại nhiều lợi ích cho chủ đầu tư, nhà thầu và người sử dụng công trình, đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững trong tương lai”, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh nhấn mạnh.

Với mục tiêu liên kết các hoạt động phát triển hướng tới một nền kinh tế xanh nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược tăng trưởng xanh của Chính phủ, các hoạt động xây dựng theo đó cũng phải đảm bảo những yêu cầu tiêu chuẩn xanh, từng công trình lớn nhỏ đều cần phải đáp ứng theo chuẩn xanh và phát triển đô thị hướng tới mục tiêu thành phố xanh. Để đạt được mục tiêu đó, chúng ta cần phải xây dựng chiến lược và lộ trình cụ thể cho mỗi giai đoạn trước mắt cũng như liên tục lâu dài.

Cao Cường
theo Xây dựng

Từ khóa: