Sự kiện hot
12 năm trước

Công ty bị săn đuổi, cổ phiếu đi về đâu?

Các thương vụ thâu tóm ồn ào thường kém hiệu quả, nhưng với các tay lướt sóng thì lại là địa hạt màu mỡ cho hoạt động đầu cơ.

Các thương vụ thâu tóm ồn ào thường kém hiệu quả, nhưng với các tay lướt sóng thì lại là địa hạt màu mỡ cho hoạt động đầu cơ.

Hoạt động thâu tóm DN không còn mới mẻ tại TTCK Việt Nam và thời gian qua xuất hiện các thương vụ có bản chất khá giống nhau theo hình thức thôn tính thù nghịch. Vậy khi một DN trở thành mục tiêu thâu tóm, điều gì chờ đợi công ty đó trong tương lai?

Áp lực phủ quyết trong ĐHCĐ

Nhằm tìm kiếm một vài ghế trong HĐQT, kịch bản quen thuộc của nhóm cổ đông lớn là tạo ra áp lực phủ quyết với các tờ trình trong ĐHCĐ. Việc các tờ trình quan trọng như kết quả kiểm toán, kế hoạch kinh doanh cho năm tài chính mới… không được thông qua khiến các lãnh đạo DN yếu bóng vía buộc phải tìm giải pháp thỏa hiệp, đáp ứng yêu sách của các nhóm cổ đông lớn.

Vào ĐHCĐ năm ngoái của Fideco (FDC), tờ trình kế hoạch kinh doanh 2011 chỉ được thông qua vào lần bỏ phiếu thứ 2 khi Ban điều hành đại hội chấp nhận bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT mới theo đề cử của các nhóm cổ đông lớn. Tương tự, vào năm 2010, Ban lãnh đạo Descon (DCC) cũng nhận được văn bản của một nhóm cổ đông tuyên bố được ủy quyền 35% số cổ phần. Nhóm cổ đông này yêu cầu phải có 3 ghế trong HĐQT, nếu không cũng sẽ phủ quyết tất cả các tờ trình. Ban lãnh đạo Descon khi đó đã buộc phải đồng ý để đánh đổi lấy sự yên ổn trong đại hội. Bước nhân nhượng này là một sai lầm khi nửa năm sau, chính các nhân tố mới “hất cẳng” các thành viên HĐQT cũ trong phiên ĐHCĐ bất thường.

Trước đề cập của ĐTCK về thực trạng này, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank đã từng khẳng định, hoạt động của Ngân hàng được điều chỉnh bởi Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán, vì thế rất minh bạch, rõ ràng. Hoạt động của Sacombank không chỉ trong phạm vi riêng lẻ, mà còn ảnh hưởng tới an toàn hệ thống tài chính quốc gia, được các cơ quan pháp luật giám sát chặt chẽ nên không thể lũng đoạn!


 Các thương vụ thâu tóm ồn ào thường là các thương vụ kém hiệu quả nhất

Những cuộc chiến pháp lý ồn ào

Ngăn chặn tham vọng của đối thủ bằng một cuộc chiến pháp lý là chiêu thức hiệu quả được Dược phẩm Hà Tây (DHT) sử dụng để đẩy lui sự “xâm lấn” của Dược phẩm Viễn Đông (DVD). Ngoài việc bị DHT buộc tội lũng đoạn giá cổ phiếu, DVD còn bị cáo buộc sở hữu trên 25% cổ phần tại DHT nhưng không thực hiện chào mua công khai. Cuộc phản công pháp lý hiệu quả đến mức không chỉ khiến một loạt nhân sự cao cấp của DVD vướng vòng lao lý, mà còn gián tiếp gây nên sự sụp đổ của DVD sau đó.

Tương tự, rất nhiều sự kiện tiêu cực xảy ra với DCC sau ĐHCĐ năm 2010. Bắt đầu từ việc cát cứ trụ sở, việc “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” giữa các thành viên HĐQT mới và cũ, đến việc gửi đơn thư tố cáo nhau gửi tới các cơ quan pháp luật. Ảnh hưởng bởi cuộc thay máu ban lãnh đạo cao cấp, nhiều hợp đồng xây lắp quan trọng của DCC đã bị hủy ngang, kéo kết quả kinh doanh đi xuống trong năm 2011…

Các hố sâu cách biệt về quan điểm giữa Sacombank và Eximbank có đủ yếu tố để biến thành một cuộc tranh cãi pháp lý ồn ào. Nhưng đây không chỉ là hai DN niêm yết có hàng chục ngàn cổ đông, mà là các ngân hàng có quy mô hàng triệu khách hàng, mọi hoạt động đều liên quan đến hệ thống tiền tệ và an ninh kinh tế. Sự liên kết, thâu tóm, hợp nhất ngân hàng không đơn giản là thay tên, đổi chủ về cổ phần dựa trên hành lang pháp lý hiện có, mà sự chuyển giao (nếu có) phải dựa trên sự tự giác, giúp ngân hàng hoạt động bình thường, thanh khoản của cả hệ thống thông suốt.

Sự minh bạch thụt lùi

Không thể phủ nhận các nhân tố mới tại DCC đã quyết tâm vực dậy Công ty bằng chiến lược nhận diện thương hiệu mới, bán một số tài sản đầu tư ngoài ngành, làm rõ các vấn đề tài chính của Công ty, nhưng không phải cổ đông nào cũng được hưởng lợi ích gián tiếp từ điều này. Đúng một năm sau khi nhóm cổ đông mới giành quyền kiểm soát Công ty, DCC bị hủy niêm yết bắt buộc do không thực hiện một loạt nghĩa vụ công bố thông tin theo yêu cầu.

Nếu mục tiêu đại chúng hóa các CTCP hướng tới sự minh bạch thì một công ty chịu sự chi phối của một nhóm cổ đông lớn tất yếu sẽ diễn ra sự thụt lùi về hoạt động quản trị. Đặc biệt, nếu đối tượng bị thâu tóm có nhiều tài sản ngầm, mục tiêu thâu tóm được dẫn dắt bởi tài sản giá rẻ hoặc động cơ khác thì các NĐT chân chính đứng trước nguy cơ bị “rút ruột” tài sản.

Giá cổ phiếu đi về đâu?

Các thương vụ thâu tóm ồn ào thường là các thương vụ kém hiệu quả nhất. Tuy nhiên, với các tay lướt sóng thì lại là địa hạt màu mỡ cho hoạt động đầu cơ. Một loạt  thương vụ thâu tóm thời gian qua đã cho thấy thực tế này: Nhựa Đà Nẵng sáp nhập hụt vào Nhựa Bình Minh; Dược phẩm Viễn Đông thâu tóm hụt Dược phẩm Hà Tây…

Trong ngắn hạn, giá cổ phiếu phụ thuộc vào quan hệ cung - cầu, nhưng về lâu dài phụ thuộc vào giá trị. Vì vậy, khi một thương vụ thâu tóm hạ màn, giá cổ phiếu thường có xu hướng đi ngang hoặc giảm.

Thực tiễn được chứng minh qua một loạt thương vụ thâu tóm thành công thời gian qua như tại Beton6, Vinafco… Thứ nhất, mục tiêu thâu tóm thành công hoặc không cũng phải mất thời gian rất lâu mới tạo ra các giá trị gia tăng thực sự. Thứ hai, các kỳ vọng nếu có phần lớn cũng đã phản ánh vào giá trước đó.

Diễn biến cổ phiếu STB có thể không là ngoại lệ trước nguồn cung lớn chực chờ: Nếu đạt được mục tiêu, nhóm cổ đông lớn sẽ chuyển hóa một phần cổ phiếu thành tiền để giải quyết vấn đề tài chính cá nhân. Nếu không sớm đạt được mục đích, liên minh có thể sẽ tự tan rã trước áp lực về chi phí vốn và lãi vay của khoản tiền khổng lồ dùng để thâu mua cổ phiếu STB thời gian qua.

Giang Thanh
Theo Dau tu chung khoan


Từ khóa: