Sự kiện hot
11 năm trước

Cua đồng có đỉa nhiều bất thường: Nguồn gốc cua có đỉa vẫn là ẩn số

Dantin - Từ khi cua đồng xuất hiện bất thường một tháng trở lại đây tại các bờ ruộng trên những cánh đồng đều bị người dân đào xới bật tung, nhiều ruộng lúa mới cấy bị dẫm đạp, bới móc đến tan hoang.

Dantin - Từ khi cua đồng xuất hiện bất thường một tháng trở lại đây tại các bờ ruộng trên những cánh đồng đều bị người dân đào xới bật tung, nhiều ruộng lúa mới cấy bị dẫm đạp, bới móc đến tan hoang. Trong khi đó, chính quyền địa phương cũng “đau đầu” vì không biết rõ nguồn gốc của việc cua đồng xuất hiện nhiều bất thường.


Chủ tịch UBND xã Giao Long.

Ruộng đồng tan hoang

Theo tìm hiểu của phóng viên Đời sống & Tiêu dùng từ khi cua đồng xuất hiện đột ngột và bất thường được gần hai tháng, giờ đây cua bắt đầu ít dần, khác với việc mỗi ngày bắt được hàng yến như khi cua mới có bây giờ người nào chăm nhặt nhạnh cả ngày cũng chỉ được vài kg. Cua ít mọi người phải lội ra giữa ruộng lúa mới cấy, nơi nào có vũng nước để tìm kiếm, thậm chí người dân còn dùng cuốc thuổng đào hang để bắt.

Cua hiếm hơn khiến người dân tìm mọi cách để lùng sục bắt mà quên đi việc bảo vệ đồng ruộng mới cấy và sản xuất vụ tiếp theo. Có mặt tại một cánh đồng thuộc xã Giao Nhân, huyện Giao Thủy (Nam Định) theo quan sát của phóng viên các bờ ruộng trên đều bị người dân đào xới, móc hang lỗ chỗ khắp nơi thậm chí có bờ còn bị bật tung, nhiều ruộng lúa cấy xong được một vài tuần mới bám rễ vào bùn đã bị dẫm đạp nhiều lần dẫn đến tan hoang. Chị Nguyễn Thị Chính một người bắt cua trên ruộng lúa cho biết: “Cua thường chủ yếu ở trong lỗ, chỉ khi nắng nóng gay gắt mới bò ra ngoài muốn bắt được phải đi móc hoặc đào ở các bờ ruộng. Bờ này là ruộng nhà mình, nếu có phá thì phá của nhà mình chứ có phải của ai đâu mà sợ”.


Người dân dẫm nát lúa non, lật bờ để bắt cua.

Khắp các đồng ruộng nơi nào cũng có những dấu chân chi chít trên bùn non, nhưng thiệt hại nặng nhất vẫn là ruộng lúa của các hộ dân gần nguồn nước. Chị Lê Thị Lam, một người có ruộng gần mương cấp thoát nước bị những người đi bắt cua dẫm nát cho biết: “Mới đầu thì cua bò lổm ngổm khắp nơi, nhưng một thời gian thì tập trung ở chỗ nào có nước, ruộng tôi gần mương nên có nước quanh năm giờ thì họ dẫm nát bét thế này đây. Bây giờ, ngày nào tôi cũng phải ra đây đứng canh”.

Ngoài những ruộng mới cấy bị dẫm nát thì một số hộ dân còn ngại việc cấy lúa, bởi sau khi cấy xong sẽ không thể tiếp tục bắt cua. Nhiều người dân nơi đây tính toán rằng, một ngày đi bắt cua kiếm được bằng cả vụ lúa, thời điểm này cua đang được giá nên phần lớn người dân không còn thiết tha với đồng ruộng. “Cấy lúa xuống cua sẽ cắn hết nên thà không cấy còn hơn. Tôi có miếng ruộng gần nguồn nước nên để bắt cua bán được nhiều tiền hơn”, ông Nguyễn Văn Tình một người dân ở xã Giao Long nói.

Nguồn gốc cua có đỉa vẫn là ẩn số

Cua nhiều vô kể bắt mãi không hết nhưng khi hỏi đến nguồn gốc thì không ai biết. Có người phán đoán cua do có người thả, có người cho rằng cua ở trong hang lâu ngày do thời tiết thay đổi chui ra nên mới nhiều như thế. Mỗi người một ý kiến khác nhau nhưng nguồn gốc của cua thì vẫn mập mờ không ai biết rõ.

Khi hỏi đến nguồn gốc của cua có đỉa xuất hiện bất thường tại địa phương, ông Tình cho biết: “Ngày xưa cua nhiều như thế này là chuyện bình thường nhưng vài năm trở lại đây trên ruộng sử dụng nhiều loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, vôi với hóa chất nên chắc chắn cua không thể bỗng dưng lại có nhiều như thế được. Trước lúc cấy, người dân đi be bờ làm ruộng có thấy con nào đâu. Chắc là phải có người thả. Còn ai thả, lý do gì để thả thì tôi cũng chịu.” Ngoài ông Tình thì chị Trương Thị Liễu một người dân xã Giao Long cũng khẳng định: “Mấy tuần trước chúng tôi gặt xong, làm đất cấy vụ mới mà có thấy cua đâu. Tự nhiên sau một cơn mưa cuối tháng 6 mới có nhiều cua như thế đấy chứ”.

Ngược lại với nhiều ý kiến cho rằng cua được thả ra tự nhiên thì một số người dân lại phán đoán đây là cua có sẵn trong đồng ruộng. Chị Phạm Thị Tuyết, một người dân ở xã Giao Nhân cho biết: “Cua nhiều thế này chắc là do thời tiết thay đổi, nắng nóng nên mới bò ra ngoài vì cách đây khoảng năm bảy năm cua cũng nhiều thế này. Mà cua đồng ở trong hang thì mới có đỉa chứ”

Mặc dù cua chứa đỉa xuất hiện nhiều bất thường như thế nhưng hiện tại chính quyền địa phương (UBND xã Giao Long) vẫn chưa thể xác định được nguồn gốc của việc này. “UBND xã cũng mới nghe người dân báo lên, chúng tôi đang cho người về các địa phương xác minh và nắm bắt tình hình. Hiện tượng cua có đỉa xuất hiện nhiều thế này chưa từng có tại đây nên chúng tôi đang cố gắng theo dõi sát sao và cố gắng tìm hiểu thật rõ nguyên nhân gây nên hiện tượng lạ này. Tại một số xã thuộc huyện Giao Thủy những năm gần đây cũng xuất hiện nạn ốc bươu vàng tàn phá lúa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất đến nay lại xuất hiện việc cua đồng chúng tôi cũng đang rất lo ngại. Lúc nào có thông tin gì chúng tôi sẽ trực tiếp thông tin”, ông Trần Xuân Hải chủ tịch UBND xã Giao Long nói.

Sỹ Thành

Từ khóa: