Sự kiện hot
5 năm trước

Đà Nẵng: Giải pháp xử lý ô nhiễm tại bãi rác Khánh Sơn

Sở Tài nguyên & Môi trường TP. Đà Nẵng vừa ban hành công văn về xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực Bãi rác Khánh Sơn, qua đó nêu rõ thực trạng và giải pháp xử lý chất thải rắn tại TP. Đà Nẵng và xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn.

Theo Sở Tài nguyên & Môi trường Đà Nẵng, những năm gần đây, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) của thành phố tăng nhanh cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đến năm 2019, khối lượng CTRSH thu gom (95%) toàn thành phố khoảng 1.100 tấn/ngày, được vận chuyển đến Khu xử lý chất thải Khánh Sơn để chôn lấp.

Hiện trạng khu xử lý CTR Khánh Sơn, phường Hoà Khánh Nam,  quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng
Hiện trạng khu xử lý CTR Khánh Sơn, phường Hoà Khánh Nam,  quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo lượng CTRSH của thành phố đến năm 2025 khoảng trên 1.800 tấn/ngày; đến năm 2030 khoảng trên 2.400 tấn/ngày, và đến năm 2040 khoảng trên 3.000 tấn/ngày.

Khu xử lý chất thải Khánh Sơn bắt đầu hoạt động từ ngày 01/01/2007, đến nay đã chôn lấp hơn 3,2 triệu tấn rác thải. Các ô rác số 1, 2 đã được phủ bạt; đang vận hành ô rác số 3, 4, 5 với cao trình hiện tại là +41m, +45m, +45m.

Với lượng CTRSH phát sinh như hiện nay, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng tính toán khoảng đến cuối năm 2019 - đầu năm 2020 nếu không thực hiện các giải pháp nâng cấp, cải tạo, các ô rác sẽ đạt cao trình thiết kế. Thành phố chỉ có khu vực xử lý rác tại Khánh Sơn. Do đó, thành phố sẽ phải đối mặt với vấn đề an ninh rác vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội, du lịch, mỹ quan đô thị và hình ảnh thành phố.

Trước thực trạng quản lý CTRSH của thành phố, ngày 19/12/2018, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 204/NQ-HĐND về việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt đến năm 2025, trong đó đề ra các mục tiêu như sau: Tất cả các phường, xã tổ chức phân loại CTRSH tại hộ gia đình, 100% khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ quan, tổ chức thực hiện phân loại rác thải tại nguồn; Tỷ lệ CTRSH tái chế, tái sử dụng đạt 12% năm 2020 và 15% năm 2025; 95% tổng lượng CTRSH phát sinh được thu gom và xử lý; Đảm bảo tất cả các khu dân cư, khu đô thị có điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH được quy hoạch, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật; Đáp ứng về phương tiện thu gom, vận chuyển, không để rơi vãi CTRSH tại điểm tập kết và trên đường vận chuyển; Đến năm 2020, dừng hoạt động chôn lấp CTRSH không đảm bảo vệ sinh tại bãi chôn lấp; đầu tư xây dựng mới nhà máy xử lý CTR và nâng cấp các công trình đảm bảo xử lý triệt để các nguồn thải phát sinh từ Bãi chôn lấp rác Khánh Sơn, quận Liên Chiểu; Đầu tư cơ sở xử lý CTRSH có tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 25%.

Thực hiện QĐ số 2357/QĐ-TTg ngày 04/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định khu xử lý CTR Khánh Sơn là địa điểm xử lý CTR tập trung của thành phố, có diện tích 100ha; UBND thành phố đã thống nhất triển khai đầu tư nâng cấp Khu xử lý chất thải Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn với các mục tiêu cụ thể: Giải quyết ngay vấn đề xử lý chất thải rắn đang rất cấp bách, nguy cơ ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự, xã hội, ô nhiễm môi trường; Phù hợp với quy hoạch chung của thành phố Đà Nẵng (QĐ số 2357/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ); Đáp ứng chiến lược quốc gia về quản lý CTRSH (QĐ số 491/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ); Khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực; Cải thiện chất lượng môi trường sống của người dân xung quanh.

Một số yêu cầu công nghệ - môi trường - kinh tế đối với các hạng mục, dự án đầu tư xử lý CTR của thành phố phải: Đảm bảo công nghệ tiên tiến, hiện đại, phù hợp với đặc điểm, điều kiện tự nhiên tại khu vực; Phù hợp với thành phần, tính chất rác thải của thành phố để xử lý có hiệu quả, an toàn và không gây ô nhiễm môi trường; Công nghệ, thiết bị xử lý chất thải phải được tổ chức, đơn vị có chức năng chứng nhận và thẩm định công nghệ theo quy định của Việt Nam; Tận thu những giá trị của chất thải rắn để tái tạo tài nguyên, hạn chế tối đa việc sử dụng nhiều nguyên, nhiên liệu phục vụ hoạt động sản xuất (điện, nước…); Chi phí xử lý rác thải phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách thành phố.

Các dự án đầu tư xử lý chất thải rắn đang triển khai với hơn 560 tỷ đồng từ ngân sách TP và hơn 4.740 tỷ đồng từ ngân sách nhà đầu tư; dự kiến hoàn thành năm 2020.

Văn Tiến
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: