Sự kiện hot
6 năm trước

Đại gia ngành xử lý nước thải ‘chen chân’ vào lĩnh vực năng lượng

Công ty Phú Điền được biết đến là doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xử lý nước thải và gần đây Phú Điền bắt đầu “chen chân” sang lĩnh vực năng lượng.

phu-dien
Nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây do Công ty Phú Điền xây dựng

Công ty Phú Điền được biết đến là “ông lớn” trong ngành xử lý nước thải, có thể kể đến như: Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát (TP.HCM) Nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây; Hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải Từ Sơn - Bắc Ninh; Trạm xử lý nước rỉ rác tại Khu liên hợp chất thải rắn Nam Sơn với công suất …Với việc áp dụng các công nghệ để xử lý nước thải, Phú Điền đã nghiên cứu lựa chọn giải pháp công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế vừa đảm bảo nước sau xử lý đạt chất lượng theo đúng quy chuẩn, vừa tiết kiệm diện tích đất khi xây dựng các nhà máy xử lý nước thải. Có thể nói hoạt động của các nhà máy xử lý nước thải tập trung đã và đang cải thiện đáng kể môi trường, cũng như cảnh quan nhiều con sông thoát nước của đô thị.

Luôn trăn trở và mong muốn trở thành doanh nghiệp đóng góp cho xã hội trong lĩnh vực môi trường, tái tạo năng lượng mới đây Phú Điền bắt đầu ‘chen chân” vào lĩnh vực năng lượng. Cụ thể, đầu năm 2019, Công ty Phú Điền vừa được UBND tỉnh Quảng Trị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện gió Liên Lập với tổng mức đầu tư 1.928 tỷ đồng trên diện tích đất 8,9ha. Dự án này sẽ được Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam cam kết cung cấp tín dụng 1.600 tỷ đồng.

Các dự án phát triển năng lượng gió sẽ mang lại nhiều lợi ích cho phát triển kinh tế-xã hội của Quảng Trị như: tăng nguồn ngân sách cho địa phương từ thuế, tăng nguồn cung cấp điện tạo việc làm cho người lao động địa phương; tạo cảnh quan thu hút khách du lịch, không gây ảnh hưởng đến hoạt động nông nghiệp bên dưới.

Thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 (ban hành theo Quyết định số 1855/QĐ-TTg, ngày 27/12/2007), Việt Nam phấn đấu tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng mới và tái tạo lên khoảng 5% tổng năng lượng thương mại sơ cấp vào năm 2020 và khoảng 11% vào năm 2050.

Còn theo Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/07/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch điện VII sẽ đưa tổng công suất nguồn điện gió từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 1.000MW vào năm 2020 và khoảng 6.200MW vào năm 2030. Điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm tỷ trọng từ 0,7% năm 2020 lên 2,4% vào năm 2030.

Thủy Tiên
Theo Nhà đầu tư 

Từ khóa: