Sự kiện hot
7 tháng trước

Đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững

Ngày 20/9, tại Hà Nội, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tạp chí Kinh tế Môi trường phối hợp cùng các đơn vị tổ chức chương trình "Diễn đàn đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam".

Các thống kê cho thấy, Việt Nam là một nước có nguồn năng lượng tương đối đa dạng. Tuy vậy, nước ta vẫn còn là một nước có mức sản xuất và tiêu thụ năng lượng tính theo đầu người thấp. Bên cạnh đó, đứng trước yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhu cầu sử dụng năng lượng của Việt Nam không ngừng gia tăng, trong khi nguồn cung năng lượng ngày càng cạn kiệt. Do vậy, Việt Nam cần có lộ trình cụ thể trong xây dựng mô hình năng lượng sạch trong tương lai.

PGS.TS Trần Đình Thiên phát biểu tại Diễn đàn

Trao đổi tại Diễn đàn, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, để đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai thì cần có những giải pháp mang tính đột phá. Trong phát triển kinh tế - xã hội, nước ta có 02 vấn đề quan trọng cần đảm bảo, một là an ninh năng lượng, hai là an ninh lương thực. Trước đây, chúng ta đã có một quyết định quan trọng đó là chuyển giá gạo sang cơ chế thị trường, quyết định này đã có những hiệu quả có thể nói là diệu kỳ.

Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đang tập trung phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, đó là xu hướng tất yếu. Trong khi đó, phát triển kinh tế phải gắn liền với vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng. Nếu chúng ta không đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho sự phát triển kinh tế, cũng không bắt kịp xu hướng xanh hóa nguồn năng lượng, thì chúng ta sẽ bị tụt lại rất xa. 

Theo tính toán, để đảm bảo nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế thì tốc độ tăng trưởng của năng lượng phải gấp 1,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Việc thay đổi cấu trúc nguồn cung, chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, đòi hỏi những nỗ lực phi thường. 

 GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam trình bày tham luận

Tại diễn đàn “Đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Tổng thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng, để thay thế điện than thì việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, năng lượng sạch, không carbon ở Việt Nam là điều tất yếu.

Việt Nam lại có tiềm năng năng lượng gió và mặt trời khá lớn, thuộc nhóm nước tiềm năng nhất trong các quốc gia Đông Nam Á. Do đó, thời gian qua, Chính phủ đã có những chính sách rất cụ thể và hiệu quả để hỗ trợ phát triển hai loại điện từ năng lượng tái tạo này. Ngoài hỗ trợ về cơ chế chính sách, Chính phủ đã có hỗ trợ kinh phí khá cao cho giá bán điện gió, điện mặt trời để các doanh nghiệp có thể hoạt động lâu dài.

Từ đó, GS.TS Hoàng Xuân Cơ đề nghị, Bộ Công Thương cũng sớm đưa ra lộ trình tăng giá bán điện cho người tiêu dùng trên cơ sở tăng mua điện gió, điện mặt trời giá cao trong giai đoạn tới, trước mắt là đến năm 2030 và xa hơn... Khi chuyển sang điện xanh, việc tăng giá điện sẽ không tránh khỏi nhưng cũng phải xem xét lộ trình để tránh gây xáo trộn lớn trong hoạt động kinh tế và đời sống nhân dân.

Toàn cảnh "Diễn đàn đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam"

PGS.TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế cho biết, việc phát triển nguồn điện nền của nước ta trong thời gian tới được dự báo là sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh: Thủy điện cơ bản hết dư địa phát triển; nhiệt điện than không được phát triển thêm sau năm 2030 theo cam kết với quốc tế; điện sinh khối công suất nhỏ và giá thành không dễ cạnh tranh; điện hạt nhân chưa được xác định cụ thể, trong khi điện khí hydro, amoniac còn nhiều vướng mắc để thương mại hóa.

Điện khí LNG được đề cập phát triển tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, nhưng phải tới khi các cam kết giảm phát thải về 0 vào 2050 của Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại Hội nghị COP26, bài toán phát triển loại năng lượng này mới được định hình rõ nét. Hiện nay, Quy hoạch điện VIII, trong đó có đặt ra nội dung rất cụ thể, rõ nét về việc sử dụng LNG cho mục tiêu năng lượng chung của đất nước.

Trong quy hoạch điện VIII đã phê duyệt, tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 là 150.000-160.000 MW, gấp đôi tổng công suất đặt hiện nay. 

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã xác định nguồn nhiệt điện khí tái hóa từ LNG (hay gọi tắt là “khí LNG”) chiếm tỷ trọng khoảng hơn 14,9% tổng công suất toàn hệ thống phát điện quốc gia vào năm 2030 và là một trong các nguồn giúp đảm bảo cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia.

PV

Theo KTDU


 

Từ khóa: