Sự kiện hot
7 năm trước

Đằng sau thanh tra huy động ngoại tệ

Tuần trước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Văn bản 7295 yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện đúng quy định về huy động vốn bằng ngoại tệ. Văn bản nhấn mạnh yêu cầu của Thống đốc NHNN đòi hỏi các ngân hàng thương mại kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ, không áp dụng các biện pháp kỹ thuật để lách, vượt trần lãi suất huy động đô la Mỹ, nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn. Kế đó, từ ngày 12-9-2017, cơ quan thanh tra, giám sát và chi nhánh NHNN tại các địa ph

Tâm lý chung của doanh nghiệp vẫn thích vay đô la Mỹ hơn tiền đồng vì lãi suất vay ngoại tệ thấp hơn. Ảnh: THÀNH HOA

Vì sao cơ quan quản lý lại thanh tra lãi suất huy động ngoại tệ mà cụ thể là đô la Mỹ (NHNN không quy định lãi suất tiền gửi bằng những ngoại tệ mạnh khác - NV) ở thời điểm này? Về mặt thời gian, Thông tư 06/2014 ngày 17-3-2014 và Quyết định 2589 ngày 17-12-2015 quy định lãi suất huy động đô la Mỹ 0%/năm cho mọi kỳ hạn, từ mọi đối tượng đã thực hiện được một số năm, đủ dài để kiểm tra hiệu lực của chúng trong thực tế.

Tuy nhiên quan trọng hơn, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ gần đây trở nên “nóng”. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tín dụng ngoại tệ tám tháng đầu năm nay tăng trưởng 11,5% trong khi cùng kỳ chỉ tăng 1,7%. Tính về con số tuyệt đối, nếu lấy dư nợ tín dụng toàn hệ thống cuối năm ngoái là 5,5 triệu tỉ đồng và cơ cấu tín dụng 91,5% bằng tiền đồng, 8,5% bằng ngoại tệ; tín dụng chung của ngành tám tháng đầu năm tăng 11,5% so với cuối năm ngoái; thì dư nợ cho vay ngoại tệ hiện tại ước 22,9 tỉ đô la Mỹ. Đây là mức khá cao so với dư nợ tín dụng ngoại tệ bình quân khoảng 20-21 tỉ đô la Mỹ trong nhiều năm trở lại đây.

Mặc dù NHNN đã và đang dần thu hẹp đối tượng được vay ngoại tệ, nhưng tâm lý chung của doanh nghiệp vẫn thích vay đô la Mỹ hơn tiền đồng vì lãi suất vay ngoại tệ thấp hơn. Trong khi đó đã xuất hiện ý kiến cho rằng nếu tiếp tục giữ trần lãi suất huy động đô la Mỹ 0%/năm, sẽ khó huy động ngoại tệ, có thể dẫn đến mất cân đối tỷ lệ cho vay trên huy động đô la Mỹ.

Trao đổi với phó tổng giám đốc một ngân hàng lớn ông cho biết không có chuyện lách kỹ thuật để trả lãi suất tiền gửi đô la Mỹ cao hơn 0%/năm ở các tổ chức tín dụng quốc doanh và nửa quốc doanh. Những ngân hàng hàng đầu, theo ông, còn rút ngoại tệ gửi ở nước ngoài về cho vay trong nước. Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần đề nghị không nêu tên nói có thể có hiện tượng thỏa thuận lãi suất tiết kiệm đô la Mỹ tại một số ngân hàng nhỏ đối với những khoản tiền gửi lớn trị giá vài trăm ngàn đô la Mỹ trở lên thông qua các hình thức khuyến mãi, tặng quà, cho vay tiền đồng lãi suất thấp, mua sản phẩm bảo hiểm... Song về tổng thể, phần lớn các khoản gửi tiết kiệm ngoại tệ đều có số dư vài ngàn đô la Mỹ và các ngân hàng không thương lượng lách kỹ thuật.

Ngoài những lý do nêu trên, còn nguyên nhân nào khác giải thích cho việc thanh, kiểm tra lãi suất huy động ngoại tệ. Nguyên nhân sâu xa, theo một chuyên gia tài chính, đó là một số quan điểm gần đây đề cập việc nên trả lãi tiền gửi ngoại tệ và vàng để huy động được nguồn lực tài chính này trong dân.

Việc áp dụng lãi suất tiết kiệm đô la Mỹ cao hơn mức quy định hiện tại, theo chúng tôi, ở thời điểm bây giờ chưa cần thiết. Thị trường ngoại hối đang ổn định, tỷ giá thỏa mãn cung cầu, dự trữ ngoại tệ được đảm bảo và nâng cao, vượt 40 tỉ đô la Mỹ - mức cao nhất từ trước đến nay - và tình trạng đô la hóa đã giảm bớt. Ba năm qua xu hướng tích trữ tài sản bằng vàng, ngoại tệ hoặc xem vàng, ngoại tệ như một kênh đầu tư để bảo toàn vốn đã co cụm lại. Nhiều người đã chuyển đổi các sổ tiết kiệm ngoại tệ sang tiền đồng và chấp nhận gửi tiết kiệm tiền đồng ở các kỳ hạn dài để hưởng lãi suất cao. Đây là sự bồi đắp, có thể chưa dồn dập, nhưng bền vững cho nền tảng sự ổn định giá trị đồng nội tệ.

Trước đây cho vay bằng ngoại tệ thường cao hơn 10% trong cơ cấu tổng thể tín dụng. Nay tỷ lệ này đã về mức 8,5%. Việc giảm tỷ lệ này hơn nữa về mức, thí dụ, 5% sẽ tạo bước ngoặt cho lộ trình chống đô la hóa. Muốn thế cần một sự chuyển dịch mạnh mẽ trong giao dịch ngoại tệ từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua đứt bán đoạn. Bất kể một sự áp dụng lãi suất tiết kiệm ngoại tệ nào hiện nay, dẫu mang tính tạm thời, đều có thể ảnh hưởng không tích cực đến quan hệ mua đứt bán đoạn ngoại tệ mà chính sách điều hành, quản lý ngoại hối đang khuyến khích và tập trung hướng đến.

Ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối là một dấu ấn thành công rõ nét của Chính phủ, NHNN thời gian qua, nhờ đó sự giải ngân dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài được cải thiện rõ rệt. Chính vì thế việc thanh, kiểm tra lãi suất huy động ngoại tệ phải được thực hiện nghiêm túc, xử lý nghiêm các trường hợp lách trần kỹ thuật.

Hải Lý

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Từ khóa: