Sự kiện hot
12 năm trước

Đánh bạc với cổ phiếu siêu rẻ, sắp phá sản

Cổ phiếu của các doanh nghiệp đang nằm bên bờ vực thẳm phá sản bỗng dưng lại trở thành tâm điểm của thị trường khi nhiều nhà đầu tư quyết định "đánh bạc".

Cổ phiếu của các doanh nghiệp đang nằm bên bờ vực thẳm phá sản bỗng dưng lại trở thành tâm điểm của thị trường khi nhiều nhà đầu tư quyết định "đánh bạc".

Tình trạng thông tin xấu không được minh bạch đầy đủ trong một thời gian dài và rồi được công bố bất ngờ đã kéo giá một số cổ phiếu lao dốc cả tháng trời. Tuy nhiên, cũng chính các cổ phiếu của các doanh nghiệp đang nằm bên bờ vực thẳm phá sản này lại trở thành tâm điểm của thị trường khi nhiều nhà đầu tư quyết định "đánh bạc" với hy vọng sẽ có những thay đổi bất ngờ hoặc cổ phiếu sẽ được dẫn dắt bởi đội lái.

Sự đảo chiều xảy ra có khi chỉ nhờ một vài tin đồn hoặc những thông tin liên quan có tính chất hỗ trợ tạm thời. Các cổ phiếu bỗng nhiên trở thành hàng nóng, tăng trần khó mua trong bối cảnh TTCK đang rơi vào tình trạng ảm đạm.

Hiện tượng SHN, THV

Không theo xu hướng nào, cả hai cổ phiếu SHN và THV đang trở thành tâm điểm bàn luận của các nhà đầu tư chứng khoán. Sau một chuỗi ngày giảm sâu và kéo dài không theo xu hướng của thị trường, 2 cổ phiếu này gần đây đã bất ngờ đảo chiều tăng mạnh (cũng không theo xu hướng của thị trường).

Từ phiên giao dịch ngày 30/5, cổ phiếu SHN của Công ty Cổ phần Đầu tư Tổng hợp Hà Nội bắt đầu có hiện tượng lạ. Cổ phiếu này đột ngột tăng trần với dư mua vài trăm ngàn đơn vị sau một chuỗi ngày giảm thê thảm từ mức gần 6.000 đồng/cp hồi giữa tháng 3 xuống 1.600 đồng/cp hôm 29/5.

Tính tới hết 7/6, cổ phiếu SHN đã có 7 phiên tăng trần liên tục với dư mua từ vài trăm ngàn cho tới cả triệu đơn vị/phiên. Giá cổ phiếu đã tăng một mạch từ 1.600 lên 2.300 đồng/cp, tương đương tăng 44%.

Hiện tượng SHN tăng mạnh trở lại được cho là bắt nguồn từ thông tin "siêu lừa" bán đất dự án Thanh Hà, Nguyễn Anh Quân (con nợ gần 240 tỷ của SHN) bị bắt tại sân bay quốc tế Dulles của thủ đô Washington, Hoa Kỳ hôm 23/2 - do tờ Washington Examiner - một tờ báo chính thống của Hoa Kỳ đăng tải hôm 19/5 và được báo chí trong nước đưa rầm rộ trong những ngày cuối tháng 5.

(ảnh minh họa - VnMedia)

Bên cạnh đó, tuyên bố "công ty chưa thể phá sản trong 2 năm tới" của ông Đinh Hồng Long, chủ tịch kiêm tổng giám đốc SHN tại ĐHCĐ thường niên diễn ra ngày 31/5 cũng được cho là lực đỡ mạnh mẽ cho cổ phiếu này. Nó có thể có sức mạnh giống như tuyên bố SHN đứng trước bờ vực phá sản và hơn 6.000 cổ đông có thể mất trắng vốn trước đây của vị chủ tịch này - khiến cổ phiếu này lao dốc thảm hại vài chục phiên trước đó.

Ở trường hợp tương tự, cổ phiếu THV của Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam cũng đang có một chuỗi ngày tăng trần ấn tượng với 7 phiên liên tiếp từ mức giá 1.600 lên 2.300 đồng/cp (sau khi giảm một mạch từ 4.100 đồng hồi cuối tháng 3).

Cổ phiếu THV tăng mạnh trong bối cảnh tập đoàn này chưa đưa ra thông tin mới nào về khả năng đàm phán thành công với các ngân hàng còn lại để chuyển một loạt nợ vay ngắn hạn thành dài hạn. Công nợ ngắn hạn quá nhiều khiến THV vẫn chưa thoát ra khỏi sự nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục.

Mặc dù đang gặp khó khăn là vậy, nhưng việc cả hai cổ phiếu SHN và THV rớt xuống mức giá quá thấp đã thực sự hấp dẫn với một bộ phận không nhỏ các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong bối cảnh thị trường đang ảm đạm.

Tính khả năng tạo đột biến, được "lái"

Không hề "gà mờ" như trước đây, hầu hết những nhà đầu tư đánh cược vào SHN và THV đều nhận thức được khá rõ về nguy cơ phá sản của 2 doanh nghiệp này. Mặc dù vậy, điều mà họ quan tâm là khả năng tạo đột biến và có thể được "đội lái" vào cuộc.

Theo họ, 2 cổ phiếu này nguy cơ phá sản là như nhau. SHN có quá nhiều tin xấu, THV cũng vây. Tuy nhiên, cổ phiếu nào cũng có game hay. Trường hợp SHN, nhiều người nghĩ tới trường hợp đòi được nợ hay có thể sẽ có thế lực phải thâu tóm 75% để mua lại khoản nợ... Còn THV là khả năng được giải cứu...

"SHN chưa thể phá sản trong vòng 2 năm tới. Đây là tuyên bố của ông Long. Thực tế, khả năng SHN đòi được nợ là có. SHN không đòi được nợ thì ông Long có thể đối mặt với kiện tụng, lao lý vì gây hậu quả nghiêm trọng cho công ty. Xem ra, vị chủ tịch này không đến nỗi để công ty rơi vào đường cùng", ông Kiên - một nhà đầu tư đang cân nhắc mua cổ phiếu này cho biết.

Trên thực tế, trên thị trường có không ít các nhà đầu tư nhỏ lẻ có suy nghĩ như vậy. Theo họ, việc SHN phá sản là "không hề dễ dàng" cho dù công ty đang cầm cự để "nuôi quân".

Trong trường hợp THV, tình hình tài chính không mấy rõ ràng. Doanh nghiệp này không có các khoản dự phòng về tái chính giống như SHN nhưng cũng được nhiều nhà đầu cơ quan tâm vì ngành nghề hoạt động của THV nằm trong diện được ưu tiên hỗ trợ.

Theo nhiều nhà đầu tư, cả 2 mã đều "ngon" vì có khả năng tạo bất ngờ - một trong những yếu tố để thu hút các đội lái. Bỏ vào SHN và THV 5-10 triệu hôm nay, biết đâu có ngày về giá 40. Trong trường hợp bị loại khỏi sàn thì ít nhất vẫn phải thốc lên giá 4.000-5.000 đồng/cp. Ngược lại, trong trường hợp tốt lên thì chả biết giá nào cho vừa.

Không những thế, những thông tin mập mờ không rõ ràng kiểu như trong trường hợp SHN, đại hội cổ đông cho biết: "Liên quan đến khoản công nợ của Beta là 238 tỷ đồng, trong việc hợp tác này ông Nguyễn Anh Quân đã lấy tài sản đảm bảo là dự án Khu dân cư tại Bình Dương có quy mô 43ha do Công ty TNHH đầu tư - Xây dựng Tân Phú làm chủ đầu tư là tài sản đảm bảo. Bằng việc Công ty Âu Lạc chuyển nhượng 90% vốn cổ phần cho ông Nguyễn Thanh Tùng (đại diện cho HANIC nhận chuyển nhượng), đồng nghĩa với việc sở hữu 63% vốn điều lệ của Công ty Tân Phú" đang khiến nhiều nhà đầu tư thực sự quan tâm.

Còn trong trường hợp THV, nhiều nhà đầu tư cho rằng đây là một doanh nghiệp có khá nhiều nét giống với Bianfishco - vốn đang ngấp nghé bờ vực phá sản nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã trở lại hoạt động nhờ sự giải cứu của Bộ Tài chính và một doanh nghiệp cổ phần khác.

THV có khá nhiều điểm tương đồng như: tình hình tài chính nguy ngập do đầu tư dàn trải; quy mô lớn; hoạt động trong lĩnh vực được Nhà nước ưu tiên hỗ trợ; có tầm ảnh hưởng đến nhiều hộ kinh doanh; các khoản vay nợ ảnh hưởng đến nhiều ngân hàng...

Cần cẩn trọng

Việc đầu tư vào cổ phiếu siêu rẻ của các doanh nghiệp đang đứng trên bờ vực phá sản là một hình thức đầu tư mang tính chất đi tắt đón đầu, nhằm thu siêu lợi nhuận. Nếu thuận, khả năng lời lớn là rõ ràng nhưng rủi ro chắc chắn không hề thấp.

Trong trường hợp THV, khá nhiều đầu tư tỏ ra nghi ngờ khi cổ phiếu này liên tục tăng trần sau cú thoái vốn của vợ chủ tịch HĐQT.

Thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết, bà Ngô Thị Hạnh là ủy viên HĐQT, Phó TGĐ của công ty và cũng là vợ ông Nguyễn Văn An (hiện là Chủ tịch HĐQT công ty) đã bán mượn đăng ký mua, bán (đăng ký bán 6.412.875 cổ phiếu và mua 4 triệu cổ phiếu) để thoái vốn tại doanh nghiệp này. Tổng lượng cổ phiếu bà Hạnh bán thành công là 6.107.500 cổ phiếu giảm lượng cổ phiếu nắm giữ còn 305.375 cổ phiếu (tỷ lệ 0,56%). Thời gian giao dịch từ 21/3 đến 30/5/2012.

Đây là một dấu hiệu khá bất thường bởi nếu doanh nghiệp tốt và là người trong cuộc thì vợ chồng chủ tịch SHN sẽ không dễ dàng bán "đúng đáy" một lượng cổ phiếu lớn như vậy.

Trên thực tế, THV đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó nổi bật là hiện tượng mất cân đối tài chính nghiêm trọng với khoảng 400 tỷ đồng nợ ngắn hạn được dùng đầu tư dài hạn trong bối cảnh lãi suất ngân hàng ở mức cao. Trong thời gian gần đây, THV đã đàm phán với một số ngân hàng để chuyển vay nợ ngắn hạn thành dài hạn nhưng dường như không đạt được nhiều kết quả.

Bài toán phát hành thêm cổ phiếu (hồi cuối năm 2011) đã thất bại do giá cổ phiếu THV liên tục rớt giá, thấp hơn quá nhiều so với mệnh giá. Kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược (theo đại hội 2012) cũng bị nghi ngờ về tính khả thi do giá dự kiến thấp nhất là 6.000 đồng (so với mức giá hiện nay khoảng hơn 2.000 đồng/cp).

Trường hợp nếu tái cơ cấu theo hình thức các ngân hàng chấp nhận lấy tài sản của Thái Hòa thì kết cục THV có thể sẽ chẳng còn gì vì phải buông hết các khoản đầu tư vào các công ty con và dự án tốt.

Còn trong trường hợp SHN, chắc hẳn không nhà đầu tư nào có thể quên được cú thoát xác ngoạn mục của ngài chủ tịch Long. Ông chủ này đã bán gần như toàn bộ cổ phiếu mình nắm giữ kề từ năm 2011 cho tới đầu năm 2012, trước khi tuyên bố "công ty đang đứng trên bờ vực phá sản và nguy cơ hơn 6.000 cổ đông có thể mất vốn".

Khả năng "siêu lừa" Nguyễn Anh Quân trả lại tiền cho SHN cũng chưa rõ ràng. Nhiều người lo ngại Quân đã tẩu tán hết số tiền và có thể ngồi tù vài năm là "xong".

Hiện tượng tăng giá ồ ạt của các cổ phiếu siêu rẻ có thể là một đợt đánh lên của các đội lái nhờ vào những thông tin hỗ trợ không rõ ràng.

Một số nhà đầu tư thận trọng thì cho rằng, nếu không có gì bất thường, với tình hình như hiện nay thì 2 doanh nghiệp SHN và THV chỉ trụ được khoảng 1-2 năm. Nguy cơ phá sản gần như không tránh khỏi.

Hiện tại, đang có dấu hiệu các đội làm giá tung những chiêu bài quá quen thuộc và lộ liễu. Dư mua khoản 1 triệu cổ phiếu với giá khoảng 2.000 đồng/cp chẳng đáng bao nhiêu tiền. Mặc dù vậy, chiêu thức đánh lên vẫn có tác dụng bởi nó đánh vào lòng tham của một số nhà đầu tư. Trong những ngày đầu nhiều người chưa tin cổ phiếu tăng, nhưng sau vài ngày trần liên tục, lòng tham sẽ nổi dậy và lúc này nhiều nhà đầu tư lao vào. Cho đến khi khối lượng mua đã đủ, nhiều thế lực sẽ âm thầm thoát ra an toàn.

Mạnh Hà
Theo Vietnamnet

Từ khóa: