Sự kiện hot
11 năm trước

Đau đầu chụp CT chân, đau chân lại siêu âm... bụng

Đau đầu nhưng chụp CT... chân, đau chân lại siêu âm... bụng; kê thuốc điều trị 3, thuốc bổ 7; kê đơn 2 lần, khám bệnh “ảo”... là những chiêu trò phổ biến của một số bệnh viện nhằm bòn rút Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT).

Đau đầu nhưng chụp CT... chân, đau chân lại siêu âm... bụng; kê thuốc điều trị 3, thuốc bổ 7; kê đơn 2 lần, khám bệnh “ảo”... là những chiêu trò phổ biến của một số bệnh viện nhằm bòn rút Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT).

1001 kiểu... khống

Báo NTNN số 61/2013 và Dân Việt đăng thông tin khiến nhiều người “sốc” và bất bình: Từ 2010- 2012, Quỹ BHYT ở Hà Nội bị lạm dụng đến hàng chục tỷ đồng! Cụ thể, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.Hà Nội ngày 11.3, sau khi kiểm tra, thẩm định chi phí tại 142 cơ sở khám chữa bệnh BHYT từ năm 2010- 2012, cán bộ BHXH đã phát hiện nhiều bệnh viện sai sót trong thanh toán BHYT.

Cụ thể, số từ chối chi trả năm 2010 là gần 2,1 tỷ đồng, năm 2011 tăng vọt lên đến 9,15 tỷ đồng và năm 2012 là 6,93 tỷ đồng. Riêng năm 2012, sau khi kiểm tra chi phí khám chữa bệnh BHYT năm 2011, BHXH Hà Nội đã thu hồi hoàn trả Quỹ BHYT 2,92 tỷ đồng, trong đó, Bệnh viện Xanh Pôn bị thu hồi hơn 820 triệu đồng, Bệnh viện Bạch Mai là 2,1 tỷ đồng...


Lạm dụng các kỹ thuật, thủ thuật xét nghiệm là một“chiêu” để trục lợi Quỹ BHYT.
Ảnh minh họa.

Theo ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Giám đốc BHXH Hà Nội, lỗi vi phạm chủ yếu của các bệnh viện là thống kê trùng lặp các khoản chi phí khám chữa bệnh, thống kê trùng ngày, thủ tục hành chính chưa đầy đủ, lập hồ sơ khám chữa bệnh ngoại trú không có chữ ký bệnh nhân hay chữ ký cơ sở khám chữa bệnh, chỉ định thuốc dấu sao không có biên bản hội chẩn...

Không ít trường hợp hồ sơ mà thuốc, vật tư đã nằm trong cơ cấu giá phẫu thuật, thủ thuật nhưng vẫn đề xuất thanh toán BHYT thêm một lần nữa. Những vật tư hay “trùng” khá lắt nhắt nhưng lại có số lượng lớn như găng tay, kim chỉ khâu, dây truyền, bông băng... Việc áp giá thuốc, giá thủ thuật, kỹ thuật cao hơn giá quy định cũng là “tiểu xảo” mà các bệnh viện áp dụng, thậm chí cả dịch vụ kỹ thuật chưa được phê duyệt cũng được đưa vào danh mục đề nghị thanh toán BHYT. Ngoài ra, nhiều cơ sở, lập hồ sơ khám chữa bệnh ngoại trú không có chữ ký bệnh nhân hay chữ ký cơ sở khám chữa bệnh, chỉ định thuốc dấu sao không có biên bản hội chẩn...

“Cần sớm đưa thêm các dịch vụ kỹ thuật mới vào trong danh mục thanh toán BHYT để tránh thiệt thòi cho bệnh viện”.

Ông Nguyễn Đức Hòa

Trao đổi với NTNN, ông Trần Văn Dũng - Giám đốc BHXH tỉnh Nam Định cho biết, việc khai sai, làm khống nhằm trục lợi Quỹ BHYT đã tồn tại rất nhiều năm, luôn khiến các cán bộ BHXH phải đau đầu. Ông cho biết, sai sót nhiều nhất chính là lạm dụng các kỹ thuật, thủ thuật xét nghiệm.

Nực cười là nhiều trường hợp bị đau đầu nhưng vào viện làm đủ các xét nghiệm nước tiểu, siêu âm, chụp XQ cả... chân và chẩn đoán bị tiền đình. Còn có trường hợp đau bụng vì rối loạn tiêu hóa thì chỉ định cả xét nghiệm máu, chụp XQ phổi, điện tim... Việc kê đơn thuốc “loạn cào cào” khiến bệnh nhân chỉ cần uống thuốc hàng ngày là đủ... no. Đây là những lý do khiến quỹ BHYT của tỉnh luôn đe dọa “vỡ”.

Ông Vũ Bá Cương - Phó Giám đốc BHXH Nam Định bức xúc cho hay: “Các cán bộ BHXH nhiều khi hoa cả mắt vì các phác đồ điều trị. Cùng một bệnh nhưng mỗi cơ sở y tế điều trị một kiểu. Có bệnh chỉ cần khám lâm sàng nhưng nhiều cơ sở đều bắt bệnh nhân khám cận lâm sàng, làm đủ các xét nghiệm, siêu âm, chụp CT, cộng hưởng từ... chỉ ra kết luận: Cảm cúm hoặc viêm họng! Đây là các dịch vụ có giá thành rất cao nên nếu các cán bộ BHXH không phát hiện được thì quỹ sẽ bị thâm hụt một khoản quỹ khá lớn.

BHXH tỉnh Bình Định cũng vừa ra thông báo ngừng ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT năm 2013 đối với Phòng khám đa khoa AAA thuộc Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa AAA. Kiểm tra cho thấy, từ ngày 1.4.2011 đến ngày 30.6.2012, phòng khám có gần 950 phiếu khám chữa bệnh không đúng chữ ký, gần 60 phiếu khám bệnh lấy tên không đúng chuyên môn, 9 phiếu kê thanh toán trùng 2 lần. Tổng số tiền sai phạm hơn 79 triệu đồng.

Bệnh “nhờn thuốc”

Theo ông Nguyễn Đức Hòa, cũng có nhiều lỗi sai sót do khách quan khi hệ thống nhập phần mềm của bệnh viện bị lỗi, hoặc lỗi vô ý trong quy trình thực hiện khám chữa bệnh BHYT. Tuy nhiên, có một số sai phạm trong chỉ định thuốc và dịch vụ kỹ thuật. Trong danh mục thanh toán BHYT quy định siêu âm ổ bụng chỉ được thực hiện với giá “đen trắng” nhưng nhiều cơ sở vẫn kê khai giá “màu, 3 chiều, 4 chiều”. Ngoài ra, theo ông Hòa, có nhiều dịch vụ mới nhưng lại chưa được Bộ Y tế xây dựng đưa vào danh sách được BHYT nên bệnh viện rất thiệt thòi vì không thể thanh toán BHYT.

Theo ông Vũ Bá Cương, mỗi ngày toàn tỉnh Nam Định có hàng ngàn hồ sơ khám chữa bệnh, cán bộ giám sát BHYT chỉ có hơn 40 người (20 người có chuyên môn y tế) nên không thể “ôm” xuể công việc. Trong khi đó, mỗi cơ sở lại điều trị theo phác đồ khác nhau, danh mục kỹ thuật, vật tư lên đến hàng vạn, hàng triệu, nên việc kiểm soát về chi phí là vô cùng khó khăn.

Ngày 11.3, trao đổi với NTNN, ông Phạm Lương Sơn - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) khẳng định đa số các sai sót trong thanh toán BHYT là áp sai giá và sử dụng dịch vụ kỹ thuật chưa có trong danh mục, sử dụng kỹ thuật, kê thuốc chưa hợp lý. Ông Sơn nêu ví dụ, cùng một bệnh nhưng tại Hải Dương điều trị hết vài trăm nghìn đồng, đến Bệnh viện Nội tiết T.Ư lại có giá vài triệu...

Theo ông Sơn, “bệnh” làm sai, khai man nhằm lạm thu BHYT đã tồn tại trong nhiều năm, khiến cho cán bộ BHXH vất vả trong việc kiểm tra, đối chiếu, thậm chí tranh cãi quyết liệt với các cơ sở y tế. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có một chế tài gì để xử phạt nghiêm khắc. Ngay cả Nghị định 92/2011 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực BHYT cũng chỉ xử phạt tối đa 40 triệu đồng đối với hành vi vi phạm về tổ chức khám chữa bệnh. Trong khi đó, số tiền trục lợi nếu trót lọt có thể lên tới hàng tỷ đồng nên nhiều cơ sở y tế không ngại...

Diệu Linh
theo Dân việt

Từ khóa: