Sự kiện hot
12 năm trước

'Đau đớn' khi đón khách Nhật

40% hay rất ít du khách quay lại?

40% hay rất ít du khách quay lại?

Theo ông Nguyễn Minh Hải, Trưởng văn phòng đại diện Vietnam Airlines tại Nhật Bản, rất đông người dân nước này có tâm lý ủng hộ Việt Nam. Hiện khách du lịch Nhật đang chuyển sang lựa chọn các điểm đến gần để tiết kiệm. Đồng thời, nhiều hãng hàng không giá rẻ của Nhật Bản chuẩn bị mở đường bay sang một số nước lân cận, giúp tăng tải và giảm giá vé. Khảo sát của TCDL thực hiện tháng 10/2011 đối với một số khách Nhật đã đến Việt Nam cho thấy 23% mong muốn được mua vé máy bay giá rẻ...

"Đây là những cơ hội cơ hội mới cho du lịch Việt Nam. Chúng tôi đang nghiên cứu mở thêm đường bay Đà Nẵng - Narita. Sắp tới, lượng khách Nhật đi Myanmar, Lào sẽ tăng. Do đó lữ hành cần lưu ý xây dựng tour nối sang Việt Nam", ông Hải đề nghị.

Tuy vậy, phía doanh nghiệp và giới chuyên gia hai nước vẫn còn quá nhiều băn khoăn trước mục tiêu đón 1 triệu lượt khách vào 2015. Theo khảo sát về khách du lịch Nhật của TCDL, có tới 40% quay trở lại lần hai trở lên. Trái lại, Nhóm công tác Du lịch (Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam) từng khuyến cáo Việt Nam "có tiếng" trong ngành lữ hành quốc tế như là điểm chỉ đến một lần do số khách quay lại quá thấp. Còn Thái Lan và Indonesia luôn tự hào vì tỷ lệ này rất cao.

Có nhiều lợi thế khai thác thị trường Nhật Bản nhưng Việt Nam chưa đủ năng lực đón nguồn khách vào đông khi chỉ có 401 HDV tiếng Nhật đủ điều kiện hành nghề (ảnh Đức Minh).

Đại diện Công ty H.I.S Sông Hàn, ông Shigemastsu Akifumi, lại phàn nàn mỗi năm đón khoảng 12.000 khách Nhật vào Việt Nam song chưa tới 1% quay lại! Nguyên nhân: "Khách nhận xét chẳng thấy gì hấp dẫn, thú vị cả", ông S.Akifumi nói. Khảo sát năm ngoái của TCDL cũng cho thấy, 46% khách đánh giá chất lượng dịch vụ du lịch của Việt Nam bình thường, bằng với tỷ lệ cảm thấy rất hài lòng hài lòng. Phó chủ tịch Ủy ban vận động thành lập Văn phòng Xúc tiến du lịch Việt Nam tại Nhật, ông A.Yoichiro, nhận xét, doanh nhân Nhật sang Việt Nam để kinh doanh khá đông, họ chiếm tỷ lệ cao trong số người quay lại nhiều lần.

Theo ông Nguyễn Minh Hải, người Nhật có tiếng là lịch sự, hơi rụt rè song khó tính vì đã quen sử dụng các dịch vụ chất lượng tốt trong nước. Họ coi trọng danh dự, không đòi bồi thường song đòi hỏi phía mắc lỗi phải nhận lỗi ngay. Yếu tố con người rất quan trọng đối với khách, do đó tất cả người làm dịch vụ cần phục vụ chu đáo, tận tình.

Khách quay lại chứng tỏ điểm đến hấp dẫn

Trong quá trình tăng trưởng lượng khách, phải hết sức chú trọng thu hút người quay lại lần 2 trở lên - đặc biệt đối với những thị trường gần, vì chứng minh được tính hấp dẫn và bền vững của điểm đến!

(Ông Nguyễn Quốc Kỳ - phỏng vấn riêng trước Tết Nhâm Thìn).

Vậy nhưng đại diện Sông Hàn "tố": Khách bức xúc nhất về thái độ xấc xược của nhân viên một số cơ sở lưu trú, kể cả khách sạn 4 - 5 sao. Quản lý người Việt cũng chống chế, bao che cho nhân viên mắc lỗi. Đến khi khách yêu cầu quản lý người nước ngoài đến thì mâu thuẫn mới được giải quyết. Khách còn kêu ca nhân viên nhà hàng bê đủ đồ ăn ra coi như xong, ít quan tâm còn thiếu gia vị, giấy ăn... , hay không.

Chưa hết, ban đầu lữ hành khảo sát nhà hàng thấy yên tâm với các món ăn. Khi đưa khách đến thì ngã ngửa vì chất lượng khác hẳn (!?) Còn nhà hàng đưa ra các lý do không thể chấp nhận: Không mua được đúng nguyên liệu, thay đầu bếp khác... Ông S.Akifumi lo ngại vì thấy một số người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại Việt Nam suy nghĩ rất nguy hiểm: "Đón khách một lần là được" (!)

Còn bà Saori Kozumi, điều hành tour của Công ty liên doanh du lịch Apex, lưu ý trong số những nguyên nhân khiến khách không quay lại Việt Nam, nghiêm trọng nhất là bị taxi lừa đảo, vào nhà hàng có nhà vệ sinh bẩn không chịu nổi. Thái độ của nhân viên hải quan ở sân bay, tài xế taxi, nhân viên nhà hàng.., cũng đều có thể quyết định việc khách quay lại hay không.

Kinh doanh trong đau đớn

TCDL thông báo, lượng khách Nhật Bản đến Việt Nam năm 2011 đạt trên 481.500 lượt, tăng 8,9% so với 2010. Còn nhớ tại Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM tháng 9/2011, đại diện hãng JTB (lữ hành lớn hàng đầu Nhật Bản) đã phát biểu trước đông đảo quan chức ngành du lịch Việt Nam: "Thành thật mà nói, nhiều người Nhật sẽ hơi ngạc nhiên khi thấy con số khách du lịch Nhật lớn đến thế. Bởi thống kê tổng lượt người Nhật nhập cảnh Việt Nam bao gồm cả những khách đến vì mục đích kinh doanh. Và Việt Nam chưa trở thành điểm đến thông dụng đối với du khách Nhật Bản"!

Tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ không giấu việc "đau đầu vì đối tác gửi khách Nhật Bản liên tục đòi giảm giá"! Năm 2011, lượng khách Nhật của doanh nghiệp này tăng trưởng 21,8% song phải giảm giá 10%. Năm 2012 đối tác yêu cầu giảm tiếp 10-15%, trong khi chi phí đầu vào đều tăng hết.

"Do tỷ lệ khách quay lại quá thấp, chúng tôi buộc phải xây dựng chiến lược thu hút khách mới, phải cạnh tranh bằng giá cực kỳ đau đớn. Tình hình kinh doanh rất khó khăn, song ít nhà quản lý hiểu vấn đề này", ông S.Akifumi mới đây phát biểu thẳng với lãnh đạo TCDL.

Người Nhật đang có xu hướng đi du lịch nước ngoài theo nhóm gia đình (ảnh chụp tại Văn Miếu Quốc Tử Giám). Nhà quản lý cần hiểu rõ thị trường để có giải pháp thu hút phù hợp. (ảnh Đức Minh)

Đánh giá về nhóm giải pháp đẩy mạnh thu hút khách du lịch Nhật Bản đến năm 2015, Tổng giám đốc Công ty JTB-TNT Nguyễn Văn Tấn băn khoăn về công tác chuẩn bị trong nước như thế nào trong khi hướng dẫn viên chưa giỏi. Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Giám đốc tiếp thị của Công ty Du lịch thương mại Á Đông, đặt câu hỏi đón 1 triệu lượt khách/năm cần bao nhiêu hướng dẫn viên? Á Đông đã từng xúc tiến mạnh vào thị trường Nhật Bản nhưng phải giảm, phát triển một cách thận trọng, trong đó có nguyên nhân thiếu hướng dẫn viên. Đây cũng là vấn đề nan giải mà nhiều lữ hành chuyên đón khách Nhật "kêu gào" gần chục năm nay.

"Cơ quan quản lý nghiên cứu đào tạo hướng dẫn viên tiếng Nhật như thế nào trong 2 - 3 năm tới", ông Xuân Kỳ thắc mắc?

"Cưa" bằng được phụ nữ Nhật

Trong một gia đình Nhật, người vợ quyết định chọn tour du lịch nên phải "cưa" bằng được đối tượng này. Việt Nam có tiềm năng rất lớn hấp dẫn khách nữ Nhật. Sang Việt Nam, họ thích áo dài, ẩm thực, mua sắm, thư giãn nhẹ nhàng, chăm sóc sắc đẹp...

(Bà S.Kozumi)

Đáng mừng, đề xuất thành lập Nhóm công tác du lịch Việt Nam - Nhật Bản của chuyên gia Ando Katsushiro (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) vừa đưa ra đã được TCDL và doanh nghiệp hai nước lập tức hưởng ứng. "Đây là nơi TCDL, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo... bày tỏ bức xúc, giải quyết vướng mắc, thảo luận đưa ra các chủ đề hằng năm cho thị trường Nhật", ông này kỳ vọng.

Quyết mở văn phòng xúc tiến tại Tokyo

Hơn 10 năm trước, Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc cho phép TCDL mở văn phòng đại diện ở nước ngoài, nhằm chủ động xúc tiến mạnh mẽ hơn nữa tại một số thị trường gửi khách trọng điểm. Song do nhiều nguyên nhân khác nhau, công việc này vẫn chưa thực hiện được.

Đáng mừng là gần đây, cơ quan quản lý và một số tổ chức phi chính phủ của Việt Nam - Nhật Bản đều quyết tâm mở Văn phòng Xúc tiến du lịch (VPXTDL) Việt Nam tại Tokyo. Phía Nhật Bản còn thành lập một ủy ban vận động nhằm hỗ trợ Việt Nam mở VP với nhiều quan chức ngoại giao, doanh nghiệp, cơ quan truyền thông của hai nước tham gia.

Đại diện TCDL khẳng định đang đẩy nhanh công tác chuẩn bị để đầu tháng 4, các bên liên quan sẽ ký kết bản ghi nhớ thành lập Ủy ban chuẩn bị thành lập Văn phòng xúc tiến Việt Nam tại Nhật Bản, tiến tới chính thức khai trương vào 2013.

Phó chủ tịch Ủy ban vận động Aoyagi Oichiro đánh giá việc Việt Nam xếp thứ 12 trong số các quốc gia đón khách Nhật Bản nhiều nhất, song chưa có VPXTDL tại thị trường gửi khách là thiếu sót lớn. Bởi ngay cả Lào, Campuchia đã mở văn phòng đại diện du lịch tại Nhật, dù đón số lượng khách Nhật thua xa Việt Nam. Ông này đề nghị mức dự trù chi phí cho chuẩn bị thành lập Văn phòng xúc tiến (từ tháng 2/2012 - 1/2013) gồm trả lương, in ấn phẩm quảng bá, xây dựng - vận  hành website, thuê văn phòng.., tương đương gần 4,2 tỷ đồng. Phó Tổng cục trưởng TCDL Hoàng Thị Điệp thừa nhận ngân sách chỉ cấp cho trên 1 tỷ đồng thôi!

Ông A.Oichiro tư vấn, trong thời gian đầu TCDL nên triển khai phương án ít tốn kém nhất như mượn văn phòng trong sứ quán Việt Nam, chỉ cử một công chức sang phụ trách, chủ yếu quảng bá trên internet: "Chúng tôi tính toán lợi nhuận văn phòng thu được hoàn toàn bù đắp chi phí thành lập và còn pháp triển thêm các hoạt động khác"! Mới đây, bà Hoàng Thị Điệp đã kêu gọi Vietnam Airlines và giới doanh nghiệp du lịch hai nước nỗ lực ủng hộ Văn phòng Xúc tiến du lịch.

Theo VEF

Từ khóa: