Sự kiện hot
6 năm trước

Đấu trí nghẹt thở với tù nhân quyết tâm vượt ngục về nhà "xử" vợ theo trai

Năm 2012, vụ trốn tù thứ 3 tại Trại giam Hồng Ca (thuộc Bộ Công an, đóng trên địa bàn tỉnh yên Bái) xảy ra gây xôn xao dư luận.

Đây được coi là một thử thách "thực sự" với lực lượng trinh sát trại giam bởi so với hai vụ trước đó là Đàm Tuấn nguyên và sồng a páo thì phạm nhân hờ a súa (43 tuổi, ở xã xà hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh yên Bái) ranh ma và nguy hiểm hơn rất nhiều. Đây cũng là kỉ niệm đáng nhớ nhất của Thượng tá Trần Văn Tải (Phó Giám thị Trại giam Hồng Ca).

Trại giam Hồng Ca.

Ông từng nói: "Cuộc vây bắt đối tượng Hờ A Súa là cuộc truy bắt kỳ công nhất, gian nan nhất và đã có lần bắt hụt kẻ trốn tù".

Gã phạm nhân ranh ma

Chiều ngày 18/11/2012, Hờ A Súa cùng các phạm nhân khác thuộc Đội 11, Phân trại số 1 được đưa ra lao động tại đồi sắn.

Đến khoảng 15h, sau khi nhổ đầy bao tải sắn, Súa khuân về khu tập kết giống các phạm nhân khác. Trên đường xuống đồi, với ý định đã được lên kế hoạch từ trước, Súa đã lợi dụng sự sơ hở của cảnh sát bảo vệ trốn trại.

Thượng tá Trần Văn Tải nhớ lại: “Thấy bao tải sắn được vứt lại bên đường, anh em nghi vấn đi kiểm tra thì phát hiện phạm nhân Súa đã trốn mất. Hờ A Súa là phạm nhân người dân tộc H'mông, không biết chữ, phạm tội mua bán trái phép chất ma túy.

Sau khi bị bắt năm 2011, Súa bị tòa tuyên phạt 15 năm tù giam. Ngay sau khi thông tin Hờ A Súa trốn trại bị phát hiện, các mũi trinh sát được điều động tỏa đi khắp nơi truy tìm dấu vết và bắt “nóng” phạm nhân.

“Những ngày đầu truy bắt không có kết quả, chúng tôi đã xác định cuộc lùng bắt phạm nhân này chắc chắn sẽ tốn nhiều thời gian, công sức vì không xác định được thời gian bỏ trốn và hướng di chuyển của phạm nhân”, Thượng tá Tải kể lại.

Hàng trăm cảnh sát của Trại giam Hồng Ca được huy động thiết lập thành hơn 20 chốt trên núi, các tuyến đường bộ nhằm lần tìm manh mối. Một mũi trinh sát khác đã phối hợp với cơ quan sở tại, chính quyền địa phương tìm đến nhà phạm nhân bỏ trốn Hờ A Súa để gặp gỡ gia đình vận động kêu gọi kẻ trốn trại ra đầu thú đã không thu được kết quả.

Ròng rã 3 ngày đêm truy tìm tung tích vẫn chưa có manh mối nào thì đến tối ngày 21/11, một tổ trinh sát “vô tình” chạm mặt Hờ A Súa khi hắn mò xuống núi và xuất hiện ở cây số 36, quốc lộ 37, hướng đi thị trấn Nghĩa Lộ. Đã chạm mặt nên nếu bỏ chạy ngay sẽ bị lộ nên Súa rất ranh ma. Hắn điềm tĩnh đi lại phía chốt chặn của lực lượng truy bắt nhưng giới thiệu với cái tên khác.

Do chốt cảnh sát này không có cán bộ nào biết mặt kẻ trốn trại nên đã để hắn đi qua. Mãi đến sau này khi Hờ A Súa bị bắt trở lại trại giam, các trinh sát trong mũi chốt chặn để hắn "qua mặt" mới ngỡ ngàng bởi đã từng bắt "hụt" y.

Kế hoạch bắt giữ

May mắn vượt qua được chốt kiểm tra, Súa tỏ ra thận trọng hơn. Hắn chỉ di chuyển trong đêm tối, đi tới đâu mà thấy ánh đèn dù là của xe ôtô, xe máy là lẩn vào bìa rừng để né tránh. Thượng tá Trần Văn Tải kể: “Hờ A Súa là người dân tộc H'mông, thông thạo đường đi lối lại trong rừng nên rất khó truy bắt được phạm nhân ở địa hình đó. 6 ngày trôi qua kể từ thời điểm phát hiện Hờ A Súa trốn trại thì từ nguồn tin ở cơ sở chúng tôi nắm được phạm nhân này đã về nhà".

Trước diễn biến này, Ban giám thị Trại giam Hồng Ca đã họp bàn, quyết định rút các chốt vòng ngoài để tập trung cho các mũi truy bắt. Kế hoạch sử dụng các biện pháp nghiệp vụ “câu nhử” Hờ A Súa từ trong rừng ra lộ diện được vạch ra cụ thể, chi tiết. Đặc biệt là công tác vận động người dân, nhất là người dân tộc H'mông giúp lực lượng trinh sát truy bắt tội phạm được đẩy mạnh…

Theo đó, một người dân tộc H’mông tên P. (cùng quê với Súa) đã bí mật giúp đỡ lực lượng truy bắt, cung cấp các thông tin quan trọng về hướng di chuyển của gã phạm nhân ranh ma. Lực lượng truy bắt yêu cầu anh P. chỉ liên lạc trao đổi tình hình và nhận lệnh của hai người trong trại.

Theo “kịch bản” được dựng trước, anh P. vào vai một gã giang hồ ra tù vào tội, khi nghe tin Hờ A Súa trốn trại đã đến gia đình hắn hỏi thăm. Anh P. cũng cố tình hé lộ cho gia đình của Hờ A Súa biết việc cũng có người quen đang trốn truy nã ở bên Lào, hiện đang sống ung dung, làm ăn phát đạt, mỗi tháng gửi về cho gia đình ở Việt Nam rất nhiều tiền.

Anh P. khoe người thân mình đang nhờ tìm cộng sự hỗ trợ làm ăn ở Lào, hứa sẽ giúp Hờ A Súa xuất ngoại nếu anh ta đồng ý. Thấy một gã giang hồ có máu mặt, lại cùng là đồng bào H'mông từng ở tù tìm đến nhà ngỏ lời đề nghị khiến người thân trong gia đình Hờ A Súa vui mừng nên đã mời anh P. ở lại ăn cơm, uống rượu, hỏi chuyện và cũng không quên xin lại số điện thoại để tiện liên lạc.

Được sự giúp đỡ của anh P., Thượng tá Tải và lực lượng truy bắt đã nắm bắt được tâm lý của Hờ A Súa từ phía gia đình kẻ trốn trại là nung nấu ý đồ giết vợ trả thù tình. “Ngày 10/12, sau đúng nửa tháng đưa Súa vào "bẫy" thì xuất hiện một số điện thoại lạ gọi tới số máy của anh P.

Đầu dây bên kia là giọng nói của một người đàn ông nói tiếng H'mông hỏi han tình hình về việc muốn đưa người nhà sang Lào lẩn trốn, làm ăn. Cuộc trò chuyện tiếp tục diễn ra cho đến lúc người đàn ông chấp nhận làm theo nhưng yêu cầu lúc đón anh P. phải đi ôtô có biển kiểm soát Lào. Điểm hẹn được định trước ở huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La…

Cứ như vậy, mọi điều kiện của người đàn ông nói tiếng H'mông gọi từ một số điện thoại lạ đều được anh P. đáp ứng. Ở thời điểm đó, các cán bộ và trinh sát Trại giam của Hồng Ca không biết người gọi điện có phải là Hờ A Súa hay không nhưng tất cả đều có một niềm tin rằng Hờ A Súa đang chuẩn bị "lộ diện".

Cuộc thương lượng gay cấn

Rất nhanh chóng sau cuộc “giao dịch” qua điện thoại, một lực lượng được Ban giám thị cử về Hà Nội mượn xe ôtô mang biển kiểm soát Lào, tìm người hóa trang làm lái xe, mặt khác lãnh đạo Trại giam Hồng Ca cùng hàng chục trinh sát dày dạn kinh nghiệm lên đường tới huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, kế hoạch đưa ra là sẽ bắt Hờ A Súa ở gần cửa khẩu Lóng Sập, giáp với Lào.

Ngày 12/12, khi lực lượng tinh nhuệ nhất có mặt ở Mộc Châu thì điện thoại anh P. đổ chuông. Vẫn là giọng người đàn ông dân tộc H'mông nhưng bất ngờ hắn đòi đổi địa điểm đón sang huyện Bắc Yên. Ngay trong đêm, tổ công tác do Đại tá Phạm Văn Khá (Giám thị Trại giam Hồng Ca) đã tới điểm hẹn mới.

Trong khi đó, tổ công tác do Phó Giám thị, Thượng tá Trần Văn Tải vẫn “nằm vùng” ở huyện Mộc Châu. Sau khi đến điểm hẹn thuộc huyện Bắc Yên, anh P. lại được đối tượng yêu cầu trở về Mộc Châu. Thượng tá Trần Văn Tải nhớ lại: Ngay từ đầu chúng tôi đã phán đoán rằng đối tượng đang tìm cách thử cơ sở nên chúng tôi quyết định áp dụng chính sách cứng rắn.

Qua anh P., chúng tôi thúc giục đối tượng nếu muốn sang Lào làm ăn phải lộ diện để “dò” phản ứng. Lý do đưa ra là ôtô đón đối tượng mượn đã lâu ngày, chủ xe gọi đòi và chính đối sách không khoan nhượng đã phát huy hiệu quả. Sau khi anh P. giao hẹn với đối tượng ngày giờ và điểm đón, tổ công tác tập trung tại một khách sạn lên kế hoạch vây bắt để đối tượng không nghi ngờ.

Trong lúc chờ đợi, Thượng tá Tải nhận được lệnh tới làm việc với cơ quan Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập, gửi quyết định truy nã Hờ A Súa và đề nghị bộ đội biên phòng hợp quân truy bắt phạm nhân trốn trại. Thời gian ấn định phá án từ 13h đến 13h30' ngày 15/12. Ngoài thời gian trên nếu tổ công tác không tới coi như kế hoạch phá sản…

Cuộc truy bắt "có một không hai" nơi cổng trời

“Dốc cổng trời” vốn là tên gọi của người dân địa phương về địa danh nằm trên đỉnh một quả núi cách Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập khoảng 2km, đường lên nằm giữa núi, hai bên là ta-luy, vực sâu thăm thẳm, không có nhà dân sinh sống - địa điểm được chọn để phục bắt đối tượng có địa thế hiệu quả cho mình, bất lợi cho phạm, không gây nguy hiểm cho người dân xung quanh đã được Ban chuyên án ấn định.

Thượng tá Trần Văn Tải kể: "Để tránh nguy hiểm, trên chiếc ôtô mang biển kiểm soát Lào chúng tôi đã chọn một “tài xế” nhiều kinh nghiệm đi cùng với yêu cầu không nói chuyện với đối tượng, ai hỏi không đáp, cư xử như thể bản thân là người Lào".

Điểm bắt giữ đối tượng từng được tính toán ngay tại chỗ đón, nhưng trường hợp đối tượng mang theo súng, lựu đạn có thể sẽ gây nguy hiểm cho người dân xung quanh nên bị loại bỏ.

Ngoài ra, trên chiếc xe mang biển kiểm soát Lào không ai nhận được mặt đối tượng có phải là phạm nhân Hờ A Súa hay không nên một trường hợp khác có thể xảy ra phải tính đến là phạm nhân để người nhà lên ôtô “kiểm tra” trước thì việc bắt giữ ở Mộc Châu sẽ bại lộ. Kế hoạch chi tiết như vậy của Ban chuyên án Trại giam Hồng Ca nhằm đảm bảo việc an toàn nhưng cũng là quyết tâm bắt bằng được Hờ A Súa.

Quãng đường từ nơi hẹn đón đối tượng đến điểm mai phục dài tới 12km, làm thế nào để suốt thời gian di chuyển hắn không nghi ngờ những người ngồi trong xe, không phát hiện ra các trinh sát đeo bám phía sau hoặc chặn bắt ở trước là một câu hỏi hóc búa được lực lượng truy bắt đặt ra.

Tuy nhiên, bằng nhiều năm kinh nghiệm, Ban giám thị Trại giam Hồng Ca đã có một phương án. Thượng tá Trần Văn Tải kể lại: "Sau khi tính toán, cân nhắc, đưa ra các phương án, cuối cùng các trinh sát nghĩ ra kế mượn chiếc chăn của khách sạn bỏ ra ghế sau ôtô biển Lào.

Anh P. trong vai gã giang hồ ra tù vào tội giúp đưa đối tượng trốn sang Lào là một trong hai người ngồi trên xe. “Nhiệm vụ” giao cho anh P. là sau khi thấy đối tượng lên ôtô phải yêu cầu hắn nằm xuống chỗ để chân ở hàng ghế sau rồi trùm chăn kín người để không ai nhìn thấy với lý do cảnh giác lúc qua cửa khẩu sợ bị phát hiện dẫn đến hỏng chuyện.

Việc trùm chăn sẽ khiến đối tượng không quan sát được các động tĩnh phía ngoài". Sau khi kế hoạch bắt giữ được duyệt, toàn bộ lực lượng vây bắt mật phục trước giờ hẹn. Y hẹn, đối tượng được người quen đưa tới điểm hẹn nhưng không vào trong ôtô ngay mà lượn quanh nhiều vòng quan sát.

Cuối cùng theo đúng kế hoạch đã được chuẩn bị, đối tượng vừa lên ôtô thì răm rắp nghe theo lời anh P. dặn. Một chiếc xe chạy phía trước dẫn đường là của Thượng tá Trần Văn Tải, chiếc xe làm chốt chặn chạy phía sau chở Đại tá Phạm Văn Khá.

Hơn chục km xe chạy từ Mộc Châu lên tới “dốc cổng trời”, đối tượng ngoan ngoãn nằm im, thi thoảng lí nhí hỏi anh P. bằng tiếng H'mông rằng: “Đã tới nơi chưa?”. Chiếc xe mang biển kiểm soát Lào dừng tại điểm vây bắt thì loạt AK trấn áp nổ vang “dốc cổng trời”. Nghe hiệu lệnh phá án, các trinh sát ập đến bao vây chiếc ôtô, khống chế hai “đồng phạm” của đối tượng ngồi trong xe là anh P. và “lái xe”.

Cùng lúc, Thượng tá Trần Văn Tải lao tới mở cửa sau khống chế bằng cách đè đối tượng đang trùm chăn nằm dưới sàn. “Vừa bắt chúng tôi vừa hét to có người đánh tháo công dân Việt Nam sang Lào, sẽ bắt khởi tố hết để đối tượng nằm trong chăn không nghi ngờ hai “đồng phạm” đi cùng.

"Vạch chiếc chăn trong ôtô, thấy Hờ A Súa nằm đó tôi mừng quá, thấy nhẹ nhõm hết cả người", Thượng tá Tải cười nói. Sau khi hoàn thành các thủ tục bắt giữ, các trinh sát đưa cả ba người về Trại giam Hồng Ca.

Về hành động nhảy lên ô tô khống chế đối tượng, vị phó giám thị từng có tới gần 30 năm trong nghề cười bảo: "Nhảy lên ôtô khống chế đối tượng là tôi không có sự lựa chọn nào khác dù biết lúc đó rất nguy hiểm; bởi nếu không nhảy đè lên đối tượng xuống làm hắn khó có thể cử động, kháng cự thì nhỡ hắn có dao, lựu đạn, hoặc súng sẽ gây nguy hiểm cho mọi người xung quanh”…

Sau này, Hờ A Súa nhận thêm bản án 3 năm, 6 tháng tù vì tội "Trốn khỏi nơi giam giữ". Cộng với bản án cũ đang thụ lý, Hờ A Súa bị tuyên 17 năm, 1 tháng, 21 ngày tù. Ngay sáng hôm sau bị di lí về lại Trại giam Hồng Ca, Thượng tá Tải đã có cuộc trò chuyện với Súa để làm biện pháp tâm lý cho phạm nhân này.

Qua câu chuyện kể lại, Thượng tá Tải biết được trước thời điểm trốn trại khoảng 1 tuần, Súa có người họ hàng lên chơi và cho biết, vợ Súa ở nhà có "nhân tình mới". Sau khi "phải lòng" người mới, người đàn bà này đem cả 3 đứa con đi theo nhân tình. Nghe chuyện, Súa tức lắm. Nhân việc ra ngoài lao động sẽ trốn trại để về trả thù hai kẻ kia.

Mai Quỳnh

Theo Pháp Luật Plus

Từ khóa: