Sự kiện hot
12 năm trước

Để khỏi thất nghiệp

Không được ở không và chủ động dự phòng chỗ làm mới ngay cả khi bạn đang ở trong điều kiện thuận lợi và doanh nghiệp đang ăn nên làm ra. Đó là lời khuyên của các chuyên gia để người lao động tránh rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Không được ở không và chủ động dự phòng chỗ làm mới ngay cả khi bạn đang ở trong điều kiện thuận lợi và doanh nghiệp đang ăn nên làm ra. Đó là lời khuyên của các chuyên gia để người lao động tránh rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Mất việc làm tiếp tục tăng

Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,29% (khoảng 1,2 triệu người).

Nhiều chuyên gia về lao động cho rằng, số doanh nghiệp giải thể hoặc đình đốn sản xuất gia tăng, nhất là những doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực xây dựng, bất động sản, chế biến, gia công... khiến tình trạng mất việc làm tiếp tục tăng.

Ngày 2.8, chúng tôi nhận thấy có khá đông người lao động đến làm thủ tục tại Phòng Bảo hiểm thất nghiệp thuộc Trung tâm giới thiệu việc làm TP.HCM. 11 giờ, anh V.N (24 tuổi, quê ở Nông Cống, Thanh Hóa) còn hí hoáy ghi vào tờ đơn đăng ký thất nghiệp. N. kể, liên tiếp trong hai năm nay, do công việc bấp bênh nên anh đã trải qua hai đợt làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp. Gần đây, anh là nhân viên bảo vệ kho vận cho một trung tâm điện máy lớn trên địa bàn Q.Thủ Đức, TP.HCM. Mỗi tháng chỉ có 1 ngày nghỉ, nhưng tổng thu nhập của anh gói gọn 3,2 triệu đồng/tháng trở xuống. Sắp tới, N. định chuyển sang làm thợ hàn cho phù hợp với ngành học của mình. “Mặt bằng lương còn quá thấp nên buộc chúng tôi cứ phải nhảy việc. Làm nghề hàn vất vả, độc hại mà cũng chỉ ở mức 120.000 đồng - 150.000 đồng/ngày”,  N. bộc bạch.

Chị Kim Phụng, nhân viên Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên TP.HCM, nhận xét: “Hiện nay, người lao động khó tìm việc phù hợp với chuyên ngành đã học hoặc với mức lương như mong muốn. Bên cạnh đó, có những người mặc dù sở hữu nhiều kinh nghiệm, rất giỏi nghề nhưng cũng khó tìm việc theo đúng nhu cầu...”. Được biết, số lượng đăng ký tuyển dụng tại cả 5 cơ sở của trung tâm này đã giảm hơn 30% so với trước đây.

Người lao động làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp tại TP.HCM
- Ảnh: Diệp Đức Minh

Không lệ thuộc

Để hỗ trợ người lao động bị mất việc làm, Bộ LĐ-TB-XH chỉ đạo các địa phương phải tổ chức thực hiện chi trả đúng thời hạn đối với các chế độ về trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm xã hội… Bên cạnh chính sách tạo điều kiện học nghề và tìm kiếm việc làm trong lẫn ngoài nước, người lao động bị mất việc làm còn được xét vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm nhằm khuyến khích họ tự tạo việc làm và thu hút thêm lao động.

Không hoàn toàn trông đợi vào các giải pháp từ bên ngoài, có những người chủ động tự tìm cách khắc phục khó khăn và thích nghi hoàn cảnh. Mặc dù bị nhiều trung tâm giới thiệu việc làm “điểm danh” thuộc những ngành nghề khó kiếm việc ở giai đoạn hiện nay (kế toán, hóa, xuất nhập khẩu, xây dựng…), anh Đặng Hữu Phước (28 tuổi), tốt nghiệp bậc CĐ chuyên ngành xây dựng - mới đây vẫn tìm được chỗ làm khá ngon lành ở một công ty có 100% vốn của Nhật. Chia sẻ kinh nghiệm, anh Phước nói: “Hãy siêng đăng ký, ghé thăm những đầu mối chuyên cung ứng việc làm trên internet và ngoài đời. Mặt khác, chúng ta cũng nên linh động điều chỉnh đôi chút “điểm chuẩn” của mình cho phù hợp hoàn cảnh thực tế”.

Phước giải thích, thay vì đòi hỏi thu nhập phải 10 triệu đồng/tháng mới xứng với công sức bỏ ra (nhiều khi làm cả ban đêm), anh chấp nhận mức 8 triệu đồng/tháng. Ngoài giờ làm, Phước vẫn kiên trì theo đuổi chương trình liên thông lên ĐH, nhằm chuẩn bị cho những chỗ làm tốt hơn trong tương lai.

Theo Thanhnien

Từ khóa: