Sự kiện hot
10 năm trước

Đền Phù Đổng chính thức thành Di tích Quốc gia đặc biệt

Sáng 5/5, tại Khu Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Phù Đổng, Ủy ban Nhân dân xã Phù Đổng cùng Ủy ban Nhân dân huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã tổ chức lễ đón nhận Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt và khai Hội Gióng năm 2014.


Lễ hội Gióng tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Cụm Di tích thờ Thánh Gióng và Thánh Mẫu gồm các di tích đền Thượng, đền Hạ được khởi dựng từ thời Lý và còn bảo lưu được kiến trúc bề thế, khang trang mang nhiều phong cách nghệ thuật từ thời Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn.

Đặc biệt, quần thể đền Thượng thờ Thánh Gióng gồm nhiều hạng mục kiến trúc được bố trí hài hòa, đăng đối trong không gian khép kín, đậm chất nghệ thuật kiến trúc của dân tộc.

Hệ thống sắc phong tại đền Thượng gồm 37 sắc phong có niên đại từ thời Lê đến thời Nguyễn cùng nhiều tấm bia đá được tạo tác từ thời Lê, di vật từ thời Nguyễn là những tư liệu quý hiếm.

Lễ hội Gióng cùng với Khu Di tích lịch sử đền Phù Đổng hòa quyện và gắn chặt trở thành một thực thể không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần và nhân dân Phù Đổng.

Ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Gia Lâm khẳng định: “Việc di tích đền Phù Đổng được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt là niềm vinh dự, tự hào của huyện Gia Lâm và xã Phù Đổng. Chúng tôi sẽ hành động thiết thực góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể vừa được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt và quảng bá nét đẹp của Hội Gióng đến du khách trong và ngoài nước.”

Lễ hội Gióng được tổ chức trong ba ngày, từ 5-7/5 (tức ngày 7-9/4 âm lịch) với hàng loạt các hoạt động nghệ thuật độc đáo. Đây là lễ hội cổ truyền được hình thành từ thời nhà Lý, được nhân dân các làng Phù Đổng, Phù Dực, Đổng Viên, Đổng Xuyên và Hội Xã lưu giữ, trở thành lễ hội nổi tiếng nhất vùng châu thổ sông Hồng.

Lễ hội Gióng thể hiện tinh thần chống giặc ngoại xâm của cha ông ta, thể hiện mong ước Quốc thái dân an của nhân dân nên có sức hút lớn đối với du khách.

Năm nay, Hội Gióng tổ chức theo hội lệ, đủ bốn ông Hiệu là Hiệu Cờ, Hiệu Trung Quân, Hiệu Trống, Hiệu Chiêng.

Chiều mùng 7 âm lịch, các ông Hiệu tổ chức khám đường, chiều mùng 8 âm lịch tổ chức rước cỗ từ đền Mẫu về đền Thượng, ngày mùng 9 (chính hội) tổ chức kéo hội, đánh cờ trận tại bãi Soi Bia, ngày mùng 10 lễ tạ.

Tại lễ hội còn diễn ra các trò chơi dân gian, văn nghệ phục vụ nhân dân trong vùng và khách thập phương.

Đinh Thị Thuận
theo Vietnam+

Từ khóa: