Sự kiện hot
5 năm trước

Dịch tả lợn châu Phi: Vĩnh Phúc hỗ trợ người chăn nuôi

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Khước đã ký, ban hành Quyết định số 1319 về việc hỗ trợ kinh phí cho các chủ nuôi có lợn bị tiêu hủy do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi đợt 1

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 1.461 hộ ở 333 thôn của 83 xã tại 9 huyện, thành phố của tỉnh Vĩnh Phúc (số liệu hết ngày 25/5/2019). Tổng số lợn bị bệnh, chết và tiêu hủy trên 17.600 con với tổng trọng lượng tiêu hủy là 1.252 tấn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc - Nguyễn Văn Khước kiểm tra thực tế khu vực chôn lấp lợn bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi 

Cụ thể, lợn nái, lợn đực giống là 2.628 con, lợn con, lợn thịt các loại hơn 15.000 con. Huyện Yên Lạc là địa bàn có số lượng lợn tiêu hủy nhiều nhất là 6.488 con, chiếm gần 37% tổng số lượng tiêu hủy trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Trước tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, khó kiểm soát, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản phòng chống dịch tả lợn Châu phi, yêu cầu sự vào cuộc của các cấp các ngành, dùng các biện pháp được khuyến cáo để giảm thiểu nguy cơ thiệt hại, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, vứt lợn chết ra kênh mương….

Ngoài ra, Tỉnh Vĩnh Phúc đã kịp thời hỗ trợ để người chăn nuôi yên tâm ổn định sản xuất. Tỉnh đã trích ngân sách, bổ sung hỗ trợ kinh phí đợt 1 gần 1,5 tỷ đồng cho 27 hộ nuôi lợn bị tiêu hủy do mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Trong đó, thành phố Vĩnh Yên có 1 hộ được hỗ trợ hơn 151 triệu đồng; huyện Tam Đảo có 4 hộ được hỗ trợ gần 265 triệu đồng; huyện Bình Xuyên có 22 hộ được hỗ trợ trên 1 tỷ đồng.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao các địa phương có chủ hộ được hỗ trợ đợt 1 thực hiện việc chi trả kịp thời kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh cho các đối tượng được hỗ trợ và chịu trách nhiệm thống kê số lượng, chủng loại, trọng lượng lợn chết do bệnh và bị tiêu hủy thuộc phạm vi địa bàn quản lý; chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí được cấp đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn, định mức gắn với thực tế phát sinh và đúng quy định của pháp luật; đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả kinh tế.

Tuyết Nhung-Xuân Hậu
Theo Báo Đời sống và Tiêu Dùng

Từ khóa: