Sự kiện hot
13 năm trước

Điểm danh những bài làm văn lạ của học sinh

Những bài văn của các bạn ấy đều là những tín hiệu rất lạ của tuổi mới lớn gửi tới cộng đồng.

So với số đông chúng mình, các bạn ấy đã thế hiện những góc nhìn  khác về gia đình, đồng tiền và xã hội. Những bài văn của các bạn đều là những "tín hiệu rất lạ" của tuổi mới lớn gửi tới cộng đồng.

1. Bài văn của đứa con ngốc nghếch

“Con cảm thấy bất lực ghê gớm và rất cắn rứt lương tâm khi mẹ không đồng ý với các kế hoạch của con. Đã có lúc con đòi đi lao động, đi làm gia sư hay đi bán bánh mì “tam giác” như mấy anh sinh viên con quen để kiếm tiền giúp mẹ nhưng mẹ cứ gạt phăng đi. Mẹ cứ một mực “tống” con đến trường và bảo mẹ chỉ cần con học giỏi thôi, con giỏi thì mẹ sẽ khỏe"


Bài văn của Trung Hiếu dấy lên một làn sóng trong cộng đồng mạng

Đó là đoạn kết trong bài làm văn của Nguyễn Trung Hiếu – một cậu học trò nghèo trường Ams. Mấy ngày nay, bài văn đã gây xôn xao cộng đồng mạng và được truyền đi với tốc độ chóng mặt. Bài văn "lấy đi nước mắt và đã làm rung động biết bao trái tim bạn đọc" này được viết dưới dạng một bức thư, trong đó có nhiều chi tiết chân thực về cuộc sống gia đình em, những suy nghĩ về mặt trái của đồng tiền. Bức thư cũng giãi bày tâm tư của Trung Hiếu trước tấm lòng người mẹ ốm đau, ghét tiền nhưng lại rất cần tiền, thương và hi sinh tất cả cho con.

2. Bài văn giống như là nước

Năm 2006, một bài viết của bạn Hà Minh Ngọc được đánh giá cao và còn được ví “giống như là nước, len lỏi tới từng ngóc ngách của tâm hồn”.


Lời phê của giáo viên

Khi ấy, Hà Minh Ngọc (sinh năm 1991) đang là học sinh lớp 10 chuyên Văn, khối THPT Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã đạt điểm 9+. Bài văn "Bản chất của thành công" đã trở thành một hiện tượng lạ trong giới học sinh. Khó có thể tin tác giả bài văn lạ mới 17 tuổi lại có lập luận sắc sảo, sâu xa về những triết lý nhân sinh, về con người, về cuộc sống đến vậy.

“Thành công là khi bố và con trai có dũng khí bước vào bếp, nấu những món ăn mẹ thích nhân ngày 8-3. Món canh có thể hơi mặn, món cá sốt đáng lẽ phải có màu đỏ sậm thì lại ngả sang màu… đen cháy. Nhưng nhìn mâm cơm, mẹ vẫn cười.

Thành công còn là hình ảnh một cậu bé bị dị tật ở chân, không bao giờ đi lại bình thường được. Từ nhỏ cậu đã nuôi ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá. Sau bao nỗ lực khổ luyện, cậu bé trở thành cầu thủ dự bị trong một đội bóng nhỏ, và chưa bao giờ được chính thức ra sân..."

Tới nay sau 5 năm, khi lướt qua các blog, diễn đàn bạn Minh Ngọc vẫn được nhớ tới với biết bao lời cám ơn, tôn vinh. Nhiều người khen ngợi đó là “một bài văn tuyệt vời của một tâm hồn tuyệt vời".

Khi phê phán lối sống hưởng thụ, có ý kiến đã đưa ra bài văn của Ngọc ra làm dẫn chứng: “Văn của Ngọc khiến tôi cảm nhận được giá trị của từng giây phút đang diễn ra, nó chậm chãi mà chắc chắn, nó khiến trái tim, tâm hồn tôi được thở đúng nhịp, trái ngược hẳn với phần đông thế hệ 9X tôi gặp, chỉ biết tiêu tiền khủng khiếp, sống chớp nhoáng đến chóng mặt, quay cuồng với những trò vô bổ...”.

3. Bài văn đạt điểm 0 làm xôn xao đất Cảng

Một nữ sinh lớp 12 thành phố Hải Phòng tại cuộc thi thử môn Văn được tổ chức tại Trường THPT Năng khiếu Trần Phú vào cuối tháng 3/2011 đã làm một bài văn lạc đề 100%. "Đây là câu chuyện thật. Em thay lời cô bạn thân nhất của em viết nên. Câu chuyện không hay nhưng hoàn toàn có thật. Các cô không cần phải chấm điểm bài văn này!"


Bài văn điểm 0 làm xôn xao dư luận

Bài làm dài hơn 2.800 chữ tràn kín 10 trang giấy thi, kể về câu chuyện gia đình đầy éo le của một nhân vật mà tác giả gọi là "một người bạn của em".

Bài văn tuy đạt điểm 0 nhưng lại được mọi người phô tô để truyền tay nhau đọc. Dư luận xôn xao nhiều ý kiến khác nhau, trong đó không ít người bày tỏ sự khâm phục nữ sinh viết bài văn: "Tuy không đúng đề, nhưng người viết đã có một cách nhìn nhận sâu sắc về cuộc sống, về tình cảm con người và các mối quan hệ xã hội. Cái quan trọng hơn là con người đó đã rất can đảm để biết được hành động của mình".

4. Một bài văn lạc đề đáng giá

Tại kỳ thi học sinh giỏi các lớp không chuyên của Hà Nội tổ chức giữa tháng 3/2005, có một bài văn "lạ" của một học sinh lớp 11. Bài văn bày tỏ chính kiến rằng mình không thích tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”. Đồng thời, còn thẳng thắn nêu lên nhiều nhận xét về cách dạy và học Văn trong nhà trường.

Bài văn lạc đề này không những gây ngạc nhiên cho hầu hết giáo viên và học sinh Hà Nội mà còn tạo được sự chú ý ở cả Bộ GD-ĐT. Đây có thể coi là một chuyện rất hy hữu trong các kỳ thi.

"Em không muốn phải viết những lời khen sáo rỗng về một tác phẩm mình không thích. Và em hy vọng các thầy cô sẽ linh hoạt hơn trong việc ra đề để bọn em tự do bày tỏ chính kiến, tự do yêu ghét một tác phẩm nào đó".

Bài văn đã được nhiều học sinh và thầy cô giáo truyền tay nhau đọc, bình luận. Nhiều học sinh tán đồng với ý kiến này. Có người bảo phải cho 20 điểm mới xứng đáng, có người khẳng định bài văn chỉ đáng điểm 0.

Thầy Hà Bình Trị - chuyên viên phụ trách môn văn, Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT phê: "Qua bài làm của học sinh, có thể nhận thấy tuy còn thiếu hụt khá nhiều về kiến thức cơ bản, tuy sự hiểu biết còn nhiều phiến diện, nhưng đây là một học sinh có chính kiến, đáng quý là đã dám thể hiện chính kiến của mình một cách chân thành, trung thực bằng một bài văn nghị luận, ít nhiều có lý lẽ với cách diễn đạt lưu loát, uyển chuyển. Theo tôi, ở một phương diện nào đó, các thày cô giáo nên trân trọng, khích lệ những học sinh này".

Ngay sau khi bài văn được đăng tải trên mạng, bạn ấy cũng đã tâm sự rằng: "Quả thật, tôi chỉ muốn nói lên những suy nghĩ thật của mình với mục đích tích cực, có tính xây dựng chứ không phải là một phản ứng tiêu cực. Những điều tôi nghĩ, tôi viết thể hiện mong muốn sẽ có những cải cách chương trình, thay đổi trong cách dạy và học, mong muốn các thầy cô, nhà trường có thể linh hoạt hơn trong cách ra đề, đánh giá...”

5. Bài văn khiến phụ huynh giật mình

“Các vị hãy đọc đi để có được dù chỉ là một lần giật mình” - trích thư của một cô giáo dạy văn khi đọc bài văn dưới đây của một bạn học sinh lớp 11, được viết trên lớp trong 1 tiết kiểm tra.

Với đề bài:  "Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ về vai trò của gia đình", bài văn kể về tâm sự thật của một em học sinh, khi phát hiện ra ba mình - người mình hằng tôn thờ, là một kẻ giả tạo. Những mâu thuẫn nội tâm giằng xé và nỗi đau của một cô bé mới lớn được miêu tả thân thực đến xót xa.

Bài văn được đăng tải trên các trang mạng vào hồi đầu năm 2010, ngay lập tức dấy lên một làn sóng dư luận, đặc biệt là của các bậc phụ huynh:Tôi giật mình, đúng thế tôi thấy giật mình. Mặc dù con tôi chưa lớn đến độ tuổi đó nhưng tôi cũng cần phải xem lại cách tiếp cận với con cái để hiểu thêm về chúng, hiểu thêm về cách chúng nhìn nhận cuộc sống. Có ai đó đã cảnh báo rằng "Người lớn chúng ta khi dậy bảo con cái chỉ nghĩ đến việc con mình sẽ là... chứ không chịu hiểu rằng con mình đang là..."

Cám ơn cháu, bài văn của cháu, cháu gái ạ. Chú mong rằng những người lớn quanh cháu sẽ đọc được và hiểu được những điều chàu viết bằng 1 tấm lòng rộng mở và lại trở thành điểm tựa đáng tin cậy cho cháu. Chúc cháu hạnh phúc và vững vàng trên đường đời.

Mộc Miên

Từ khóa: