Sự kiện hot
5 năm trước

Điều chưa kể về một cựu thành viên của Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS)

Nhóm cổ đông "kín tiếng" sau lưng Công ty TNHH Đầu tư Sato - một cựu thành viên của Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) - là "mắt xích" quan trọng trong việc phát triển hàng loạt dự án địa ốc đắc địa trung tâm TP.HCM.

sunwah-pearl
Tổ hợp Sunwah Pearl rộng 1,9ha bên bờ Sông Sài Gòn được SC5 nhượng lại cho tập đoàn Hong Kong trong một thương vụ mà Sato mang bóng dáng của một nhà "môi giới"

Thoái vốn Nhà nước

Thực hiện Đề án tái cơ cấu, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) từ năm 2014-2015 đã thoái vốn triệt để tại hàng loạt công ty con, công ty liên kết như CTCP Điện tử và DVCN Sài Gòn (Sagel), CTCP Điện tử TIE, CTCP Công nghiệp TM Hữu Nghị, CTCP Bất động sản Sài Gòn Đông Dương, CTCP Cao su Bến Thành, CTCP Kỹ nghệ Đô Thành cùng nhiều đơn vị khác.

Trong số đó, có một cái tên đáng chú ý là Công ty TNHH Đầu tư Sato - doanh nghiệp có vốn điều lệ 150 tỷ đồng được thành lập từ năm 2005.

Cụ thể, trong Đề án tái cơ cấu, CNS dự kiến bán hết 10% cổ phần trong Sato, tương đương 15 tỷ đồng mệnh giá. Việc thoái vốn đã được CNS hoàn tất trong năm 2016, với hai đợt chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông sáng lập của Sato vào tháng 6/2016 (4%) và 6% còn lại vào tháng 12/2016.

CNS không thuyết minh hiệu quả của việc thoái vốn. Biết rằng Sato nắm trong tay nhiều khoản đầu tư có giá trị lớn.

Trong đó, có khoản góp vốn vào CTCP Xây dựng số 5 (mã chứng khoán: SC5). Năm 2008, Sato và SC5 ký hợp đồng phát triển dự án 90 Nguyễn Hữu Cảnh (Quận Bình Thạnh, TP.HCM) với tỷ lệ lợi ích 50:50. Sato đồng thời bắt đầu mua cổ phần đối tác của mình, và tới đầu năm 2011 chiếm tới gần 40% vốn SC5, qua đó chi phối luôn dự án có vị trí đắc địa bên bờ cầu Thủ Thiêm.

Với ảnh hưởng của Sato, SC5 lẫn Sato nhanh chóng giảm tỷ lệ sở hữu, nhường chỗ cho đại gia bất động sản Hong Kong Sunwah Group tại dự án nhìn ra Sông Sài Gòn. Tháng 2/2016, ít lâu trước khi CNS thoái vốn khỏi SC5, SC5 đã "nhanh chân" bán nốt 10% vốn cuối cùng trong dự án với giá 109,7 tỷ đồng, với khoản lời chưa tới 8 tỷ đồng. Trong thương vụ này, Sato mang bóng dáng của một nhà "môi giới" hơn là phát triển dự án. Dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy Sato đã mang quyền, lợi ích trong dự án 90 Nguyễn Hữu Cảnh thế chấp cho Sunwah từ năm 2013.

Ngoài ra, Sato còn 30% cổ phần trong dự án Khách sạn Quảng trường Quốc tế trên diện tích 952 m2 tại 39 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường Bến Nghé, Quận 1 và được giao nghiên cứu lập đề xuất dự án Cải tạo chỉnh trang nhà ven, trên rạch Văn Thánh, Quận Bình Thạnh theo hình thức PPP (hợp đồng BT) từ cuối năm 2015.

Nhà đầu tư "kín tiếng"

Sau khi vốn nhà nước (thông qua CNS) được thoái hết, cơ cấu vốn và sở hữu của Sato có những biến chuyển đáng chú ý. Lưu ý thêm là nhà đầu tư mua lại toàn bộ 10% vốn của CNS trong Sato là bà Huỳnh Mỹ Thanh, cổ đông sáng lập, trước đó đã nắm 80% vốn Sato. Cơ cấu sở hữu lúc này của Sato là bà Mỹ Thanh nắm 80% và cổ đông Phạm Kính Tâm có 10%.

Tháng 11/2016, nhà đầu tư Phạm Kính Tâm nhượng lại 10% cổ phần cho ông Nguyễn Văn Lên - chính là chồng của bà Huỳnh Mỹ Thanh.

Một tháng sau đó, ngày 13/12/2016, Sato thực hiện tăng vốn điều lệ từ 135 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Văn Lên vẫn giữ 10%, bà Huỳnh Mỹ Thanh chỉ còn 40% trong khi xuất hiện cổ đông mới là CTCP Vital City nắm 50% còn lại.

Dù vậy, Sato thực chất vẫn thuộc quyền chi phối của nhà ông Nguyễn Văn Lên. Công ty Vital City được thành lập tháng 12/2016 với vốn điều lệ 150 tỷ đồng, đến tháng 9/2017 đã tăng vốn hơn 11 lần lên 1.700 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Văn Lên có 18,33%, bà Huỳnh Mỹ Thanh nắm 80%.

Một doanh nghiệp nghìn tỷ khác thuộc sở hữu của nhóm nhà đầu tư này là Công ty TNHH Thường Nhật, chủ đầu tư dự án Buýt sông Sài Gòn, đã được Nhadautu.vn đề cập cách đây chưa lâu.

Sau khi mua lại phần vốn chi phối giai đoạn 2015-2016, nhóm nhà đầu tư trên đã tăng vốn cho công ty Thường Nhật gấp 150 lần, từ 10 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng, trong đó CTCP Vital City nắm 80% vốn, vợ chồng ông bà Huỳnh Mỹ Thanh là 18,6%. Dự án Buýt sông trước đó đi vào ngõ cụt, nay hồi sinh và đi vào hoạt động từ cuối năm 2017.

Trước đó, đầu năm 2017, Thường Nhật và Sato đồng thời đầu tư vào CTCP An Phú, và tới cuối năm vừa qua trở thành nhóm cổ đông lớn nhất, nắm lần lượt 24,61% và 6,86% vốn doanh nghiệp này.

Được biết, nữ doanh nhân Huỳnh Mỹ Thanh sinh năm 1977, trước đây là Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Minh Quân - công ty con 100% vốn của CTCP Art Saigon.

Art Saigon có vốn điều lệ 3.600 tỷ đồng, gồm ba cổ đông sáng lập là CTCP Tập đoàn Horizon cùng hai công ty con của Horizon là CTCP Art House và CTCP Minerva Heritage.

Nghi Điền
Theo Nhà đầu tư

Từ khóa: