Sự kiện hot
12 năm trước

Đồ bạc cắc một giá thu hút giới trẻ

Trà sữa, lắc tay, khuyên tai, gấu bông... một giá 10.000 đồng, 12.000 đồng, kinh doanh sản phẩm bạc cắc đang mang về lợi nhuận bạc triệu cho không ít người, nhờ thu hút lượng lớn khách hàng trẻ.

Trà sữa, lắc tay, khuyên tai, gấu bông... một giá 10.000 đồng, 12.000 đồng, kinh doanh sản phẩm bạc cắc đang mang về lợi nhuận bạc triệu cho không ít người, nhờ thu hút lượng lớn khách hàng trẻ.

Trên một số tuyến phố ở Hà Nội như Kim Ngưu, Tôn Thất Tùng, Huỳnh Thúc Kháng..., những cửa hiệu đề biển “hàng một giá 8.000 đồng, 10.000 đồng”, “đồng giá 15.000 đồng”... mọc lên ngày càng nhiều. Sản phẩm được bán tại đó đa phần là vật phẩm lưu niệm, đồ uống, đồ ăn nhanh như trà sữa, nước mía siêu sạch hay bánh ngọt...

Đợi lấy hồng trà trân châu tại cửa hiệu một giá trên phố Kim Ngưu, Nguyễn Thúy Hạnh, học sinh trường THPT Hai Bà Trưng cho biết, tất cả đồ uống tại đó, không phân biệt mùi vị đều có giá 10.000 đồng. Hạnh và nhóm bạn từng nhiều lần đến đây, điểm thu hút ban đầu với cô bạn là giá niêm yết ngoài cửa. “Bọn em không có nhiều tiền nên uống gì cũng phải hỏi giá trước cho chắc. Nhưng mỗi loại một giá thì khó nhớ, khó chọn, mua như thế này dễ hơn, mặc dù cốc chỉ là loại nhỏ so với những nơi khác”, Hạnh nói.

Một số cửa hàng chuyển kinh doanh sản phẩm một giá vài nghìn đồng để thu hút khách hàng trẻ. Ảnh: Xuân Ngọc

Chị Phạm Thị Quỳnh, chủ quán trà sữa trên cho biết đã kinh doanh từ năm 2010. Nhưng 3 tháng nay, thấy bán ế nên chị xoay ra làm mới bằng cách gắn biển một giá. Chị Quỳnh thông tin, lượng khách tăng thêm khoảng 30%, chủ yếu là các bạn học sinh, sinh viên hoặc trẻ em.

Chia sẻ về ý tưởng này, chị Quỳnh cho hay, thấy nhiều shop thời trang đề biển một giá có vẻ đông khách nên chị cũng muốn thử áp dụng với mặt hàng của mình. Chị tâm sự, trước đó, thức uống tại tiệm của chị cũng chỉ có giá từ 10.000 đồng đến 18.000 đồng, tùy vị và loại cốc to hay nhỏ. Song vẫn không ít khách hàng nhí "ngại" hỏi giá nên không vào.

“Mình cũng suy từ mình ra thôi, tiền eo hẹp thì mua gì cũng muốn biết trước là bao nhiêu tiền cho khỏi hớ”, chị Quỳnh nói. Tuy nhiên, chủ kinh doanh này thừa nhận để "đồng giá", chị phải chấp nhận lúc lời nhiều, lúc lời ít do chi phí pha mỗi vị đắt rẻ khác nhau.

Trong khi đó, áp dụng phương thức này hơn một năm nay, anh Đỗ Minh Phúc, chủ tiệm đồ lưu niệm và văn phòng phẩm trên phố Tôn Thất Tùng, thấy thời gian gần đây lượng khách tăng đáng kể. Anh Phúc thông tin, tất cả sản phẩm của cửa hàng anh, từ cặp tóc, chun buộc tóc, sơn móng tay, móc chìa khóa, sổ, bút, khuyên tai... đều chỉ có 3 mức giá 8.000 đồng, 10.000 đồng hoặc 12.000 đồng.

Áp dụng phương thức đồ một giá, chủ kinh doanh cũng gặp không ít khó khăn. Ảnh: Xuân Ngọc

Anh chia sẻ, đương nhiên không phải mặt hàng nào nhập về cũng có giá như nhau. Song căn cứ vào đầu vào, anh quy thành 3 nhóm giá để người mua dễ chọn. Chủ hiệu tâm sự, chọn kinh doanh đồ học sinh, sinh viên tại khu phố đã có quá nhiều cửa hàng buôn sản phẩm đó nên anh phải nghĩ ra cách làm khác biệt mới mong thu hút khách.

"Ngay từ đầu, tôi xác định người mua chủ yếu của mình là học sinh, vì thế đồ xinh xắn và giá cả là 2 yếu tố quan trọng. Trưng rõ giá chỉ quanh mốc 10.000 chí ít cũng thu hút các bạn trẻ vào xem, còn mua hay không còn do chất lượng, mẫu mã", anh Phúc nói.

Thẳng thắn cho biết, buôn hàng bạc cắc chỉ lãi 200-500 đồng mỗi sản phẩm song anh Phúc cũng thu được doanh thu đáng kể với gần 10 triệu đồng mỗi tháng, sau khi trừ chi phí cửa hiệu, nhân viên. Bí quyết là hàng giá rẻ, khách hàng dễ mua nên anh có thể ăn lãi nhiều theo số lượng.

Tuy nhiên, chủ kinh doanh này cho biết, bán hàng một giá với chỉ vài nghìn đồng đôi khi cũng rất khó xoay sở. Đơn cử như có những sản phẩm nhập về giá đã chẵn 8.000 đồng, nếu ăn lãi 2.000 đồng để đưa vào nhóm đồ giá 10.000 đồng thì đắt hơn những tiệm xung quanh, khách không mua. Còn nếu giữ ở nhóm 8.000 đồng thì kinh doanh không lãi.

Để giải quyết vấn đề đó, anh buộc phải bỏ thêm vốn, nhập hàng với số lượng lớn để mong nguồn hàng bớt cho 200-500 đồng trên mỗi sản phẩm. "Nhưng mẫu mã thay đổi liên tục, lấy về nhiều mà không bán hết nhanh cũng nguy hiểm nên đôi khi phải liệu cơm gắp mắm mới duy trì được", anh Phúc chia sẻ.

Kinh doanh mặt hàng tương tự ở gần đó, anh Nguyễn Thanh Duy cũng cho rằng, bán đồ bạc cắc một giá tuy thu hút đông khách nhưng rất khó áp dụng. Bởi nhiều sản phẩm đi theo bộ, giá không thể "ép" xuống quanh mốc 10.000 đồng. Theo đó, chủng loại hàng hóa sẽ bị nghèo nàn nếu áp dụng phương thức đó.

Anh Duy đưa ví dụ, một bộ gối ngủ ngồi, bịt mắt và tai có giá 80.000 đồng. Nếu tách riêng bán bịt mắt giá 12.000 đồng, bịt tai giá 5.000 đồng, anh cũng không thể bán gối ngủ ngồi – sản phẩm hiện tiêu thụ khá chạy tại cửa hàng anh.

Xuân Ngọc
Theo VnExpress

Từ khóa: