Sự kiện hot
12 năm trước

Doanh nghiệp FDI co cụm

Tăng vốn của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được coi là "thu hút FDI" tại chỗ, nhưng thời gian qua nhiều DN FDI đã co cụm, ngại mở rộng quy mô.

Tăng vốn của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được coi là "thu hút FDI" tại chỗ, nhưng thời gian qua nhiều DN FDI đã co cụm, ngại mở rộng quy mô.

Cần có chính sách “giữ chân” các doanh nghiệp FDI đầu tư công nghệ cao
- Ảnh: Diệp Đức Minh

Năm 2010, một công ty của Sri Lanka tuyên bố kế hoạch mở rộng một nhà máy sản xuất dây thun cho trang phục tại VN. Nhưng sau đó, việc mở rộng này được thực hiện tại Trung Quốc, Hồng Kông và Indonesia. Mới đây, VN cũng "trượt" kế hoạch mở rộng quy mô nhà máy sản xuất vải trị giá 150 triệu USD của một công ty Hàn Quốc cho Indonesia... Theo Cục Đầu tư nước ngoài, 5 tháng đầu năm cả nước chỉ có 82 lượt dự án đăng ký tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 1,2 tỉ USD, giảm 48% so với cùng kỳ năm 2011. Một kết quả èo uột trong thu hút vốn FDI.

Ngại đầu tư do chi phí tăng cao

Ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại VN (AmCham), thừa nhận các nhà máy đối tác (partner factories) của Mỹ ngần ngại trong việc mở rộng quy mô do chi phí tăng cao. Các nhà máy này thuộc giai đoạn 2 của làn sóng đầu tư Mỹ vào VN (từ 2002 - 2007) chủ yếu là sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Lượng xuất khẩu trên chiếm đến 2/3 tổng sản lượng xuất khẩu VN sang Mỹ, trong đó riêng phần xuất khẩu trang phục chiếm gần nửa (42% năm 2011). Việc mất khả năng cạnh tranh của VN so với các nước láng giềng có thể dẫn đến mất các dự án FDI hiện hữu cũng như mất hàng triệu việc làm tại VN.

 

Cần phải tạo điều kiện để nhà đầu tư hiện hữu ở VN làm ăn có lãi và tiếp tục mở rộng sản xuất bằng nguồn tài chính đã lãi ấy, thay vì chuyển về nước hoặc đầu tư qua một quốc gia khác

Ông Nguyễn Tấn Phước, Phó ban Quản lý các KCN - KCX TP.HCM

Cùng nhận định, Báo cáo chỉ số môi trường kinh doanh của VN, do Phòng Thương mại châu Âu tại VN (EuroCham) công bố mới đây, cho hay bên cạnh các DN tìm cách duy trì và tăng đầu tư tại VN, điều đáng lo ngại là gần 1/3 DN trong cuộc khảo sát này đang cân nhắc giảm đầu tư. Cụ thể, 28% DN tìm cách giảm đầu tư tổng thể tại VN. Khảo sát này được cho là khá quan trọng, vì thông qua đánh giá của hơn 750 DN châu Âu đang làm ăn tại VN là thành viên của EuroCham. 

Ông Nguyễn Tấn Phước, Phó ban Quản lý các KCN - KCX TP.HCM, nhận định VN không có chính sách ưu đãi đối với trường hợp những DN FDI mở rộng dự án đầu tư, cho dù đó là những dự án có máy móc hiện đại hay công nghệ cao. Trong khi đó, các nước trong khu vực như Singapore, nếu DN mở rộng sản xuất vẫn được hưởng ưu đãi như dự án ban đầu. Vì thế, nhiều DN FDI đã chọn địa điểm đầu tư cho dự án mới ở nước khác, thậm chí dời nhà máy ở VN đi cùng với dự án mới.

Theo Ban Quản lý các KCN - KCX TP.HCM, nguồn vốn FDI tăng thêm từ nhà đầu tư hiện hữu trong hệ thống của cơ quan này giảm 16% so cùng kỳ khi chỉ có 7 dự án tăng vốn, tương đương 50 triệu USD.

Thiếu chính sách ưu đãi nhất quán

Một lý do khác khiến các DN FDI ngại mở rộng sản xuất là VN thiếu các chính sách ưu đãi nhất quán cho các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Không một DN nào trên thế giới tự tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, mà phải có các công ty vệ tinh. Ở Đài Loan, DN hỗ trợ chiếm tới 70% cấu thành của một sản phẩm, còn công ty đầu não chỉ chiếm 30%. Chẳng hạn, khi Intel đầu tư vào VN, thì sẽ có rất nhiều công ty phụ trợ khác đầu tư theo cùng. Cho nên, nếu VN chỉ ưu đãi các công ty đầu não như Intel mà thiếu chính sách cho các công ty phụ trợ thì bản thân môi trường đầu tư VN sẽ trở nên kém hấp dẫn. Nhất là khi nguồn nguyên vật liệu nội địa của VN chỉ đáp ứng 28% so với 60% của Trung Quốc. Nên mới có trường hợp nhà máy sản xuất rượu Sake của Nhật đầu tư ở VN nhưng phải nhập khẩu bắp, gạo của Thái Lan để sản xuất, từ đó phát sinh nhiều chi phí nhập khẩu.

“Cần phải tạo điều kiện để nhà đầu tư hiện hữu ở VN làm ăn có lãi và tiếp tục mở rộng sản xuất bằng nguồn tài chính đã lãi ấy, thay vì chuyển về nước hoặc đầu tư qua một quốc gia khác. Để làm được điều này, VN phải có chính sách rõ ràng để giữ chân DN, bằng việc cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, thông tin truyền thông, điện, nước, nguồn nhân lực và cải cách hành chính. Chính sách vĩ mô phải được ổn định trong dài hạn”, ông Phước phát biểu.

Theo ông Herb Cochran, để giữ chân các nhà đầu tư cũ, nhất là trong lĩnh vực nhà máy đối tác hiện đang chiếm hai phần ba sản lượng xuất khẩu từ VN sang Mỹ, VN cần tăng tính cạnh tranh về giá cả và năng suất so với các nước láng giềng. Còn TS Lê Đăng Doanh cho rằng vốn tăng thêm sụt giảm xuất phát từ môi trường đầu tư không còn hấp dẫn do lạm phát cao, chi phí trong nội địa tăng lên. Bên cạnh đó chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng không được cải thiện. “VN cần đẩy mạnh cải cách, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện kết cấu hạ tầng. Nếu không làm được những điều này thì sự chú ý của các nhà đầu tư sẽ đổ dồn vào những nền kinh tế mới nổi khác”, TS Doanh cảnh báo.

Theo Thanhnien

Từ khóa: