Sự kiện hot
5 năm trước

Doanh nghiệp - Ngân hàng và lời giải cho bài toán vốn cho các doanh nghiệp nhỏ, startup

Vấn đề khó khăn trong quá trình tiếp cận vốn của các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và mới được các ngân hàng và doanh nghiệp cùng đưa ra để tháo gỡ.

viber_image_2019-10-11_10-20-20
Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Ảnh: SBV)

Sáng nay (11/10), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ, nhằm tiếp tục tăng cường kết nối để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa ngân hàng và các doanh nghiệp. Đồng thời tìm ra các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp của vùng KTTĐ Bắc Bộ phát triển bền vững.

Tín dụng khu vực liên tục tăng qua các năm

Phát biểu tại hội nghị ông Nguyễn Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ tín dụng các nền kinh tế NHNN nhận định vùng KTTĐ Bắc Bộ là vùng kinh tế năng động của khu vực Đồng bằng sông Hồng, với cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại và đồng bộ, năng lực cạnh tranh cao. Số lượng doanh nghiệp tăng trưởng mạnh, chiếm tới hơn 28% số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước.

Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc, là vùng có trình độ phát triển kinh tế cao hơn so với nhiều vùng trong cả nước, có lợi thế về qui mô dân số, lực lượng lao động dồi dào và có tay nghề khá ở trong những ngành nghề quan trọng.

Đại diện Bộ Công Thương

Cùng với sự phát triển kinh tế vùng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn cũng đã phát triển mạng lưới hàng nghìn chi nhánh, phòng giao dịch, tích cực huy động vốn và cấp tín dụng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Số dư huy động bình quân luôn gấp hơn 1,5 lần dư nợ tín dụng. 

viber_image_2019-10-11_10-20-17
Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Ảnh: SBV)

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết tính đến 4/10/2019, tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 7,85 triệu tỉ đồng, tăng 8,95%, thêm cả dư nợ của cả NHCSXH, Ngân hàng Phát triển thì đạt khoảng 8,5 triệu tỉ đồng. Riêng 7 tỉnh khu vực KTTĐ phía Bắc chiếm trên 33% tín dụng của cả nước, xứng đáng là vùng kinh tế trọng điểm.

Tín dụng của khu vực này đã liên tục tăng những năm qua và đến cuối tháng 9/2019 đạt 2,5 triệu tỉ đồng, tăng 8,98% so với cuối năm trước. Trong đó, dư nợ đối với ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 35%; dư nợ đối với ngành thương mại và dịch vụ chiếm 61%. 

Kết quả đạt được phù hợp với định hướng phát triển của khu vực, góp phần phát triển ngành công nghiệp-xây dựng, thương mại – dịch vụ, là các ngành trụ cột tăng trưởng và có mức tăng cao.

Vẫn còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn

Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai các chương trình, chính sách cho vay đối với doanh nghiệp vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ còn một số khó khăn. 

Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt DNNVV chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn do năng lực tài chính hạn chế, dự án, phương án sản xuất kinh doanh thiếu khả thi, thông tin tài chính thiếu minh bạch, trong khi thiếu tài sản đảm bảo (TSBĐ) ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. 

Cùng với đó, các cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho DNNVV thông qua bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương, hỗ trợ vốn của Quỹ phát triển DNNVV thời gian qua chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Phát biểu tại hội nghị ông Nguyễn Hữu Đoan – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hải Dương cho biết tài sản đảm bảo là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp trong địa bàn tỉnh gặp phải trong quá trình tiếp cận vốn ngân hàng. Nhiều trường hợp doanh nghiệp nhỏ có nhu cầu vốn nhưng không có tài sản để vay ngân hàng và buộc phải tiếp cận nguồn vốn không chính thức bên ngoài.

"Các doanh nghiệp tại địa bàn tỉnh đi vay đều cần có TSBĐ, có trường hợp giá trị tài sản thể chấp gấp đôi, gấp rưỡi giá trị đi vay", ông nói.

Ông cũng nói thêm rằng mặc dù thủ tục vay vốn, thủ tục hành chính đã được cải cách nhưng vẫn rất cần được đơn giản hơn nữa. Những thủ tục như cấp đổi sổ đỏ, sổ hồng đăng kí giao dịch mất nhiều thời gian, rườm rà về thủ tục, ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp (giảm khoảng 11%).

Về phía các doanh nghiệp, ông Bùi Văn Thiên, Chủ tịch HĐQT CTCP Du thuyền Genesis Việt Nam chia sẻ: "Một trong những yếu tố quan trọng để tiếp cận vốn đặc biệt là vốn tín chấp ngân hàng là phương án kinh doanh của bạn phải hiệu quả, đem lại lợi nhuận và đảm bảo khả năng thanh toán nợ. Bạn phải chứng minh được năng lực tài chính hiện tại, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả và dòng tiền trong tương lai".

Theo Vụ trưởng Nguyễn Quốc Hùng: "Khi cho vay, các TCTD có quyền cho vay có TSBĐ hoặc tín chấp nhưng đối với trường hợp vay không có TSBĐ thì đó phải là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có dự án khả thi, kiểm soát được dòng tiền, là khách hàng tín nhiệm. 

Đối với các khách hàng mới, phương án kinh doanh thiếu khả thi, tài sản đảm bảo không có thì sẽ khó khăn tiếp cận vốn ngân hàng".

Ngân hàng cũng cần khách hàng mới

Trao đổi về vấn đề tiếp cận vốn, ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó TGĐ Vietcombank cho biết đối với những doanh nghiệp tốt, những khách hàng truyền thống, ngân hàng luôn có những chính sách ưu đãi về phí, lãi suất cũng như về TSBĐ. Còn đối với các DNVVN, khởi nghiệp việc tiếp cận tín dụng cũng khó khăn hơn và đây cũng là một bối cảnh chung hiện nay. 

PhoTGDVietcombank
Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Ảnh: SBV)

"Tuy nhiên, bản thân các ngân hàng cũng rất muốn tìm kiếm những dự án tốt, những khách hàng tốt và mỗi năm ngân hàng đều có những chỉ tiêu về phát triển khách hàng mới", ông nói

Trong năm 2018, Vietcombank đã giảm mức trần cho vay các lĩnh vực ưu tiên (trong đó có DNVVN và khởi nghiệp) từ 6,5%/năm xuống 6%/năm, và giảm xuống 5,5%/năm trong năm 2019.

Chia sẻ thêm về chính sách tài sản đảm bảo của Vietcombank, ông Tùng cho rằng đối với các ngân hàng quan trọng nhất là một phương án hiệu quả, khả thi, khả năng có thể cạnh tranh được của các doanh nghiệp trên thị trường. 

"Nếu doanh nghiệp đã chứng minh được tính hiệu quả khả thi của phương án và minh bạch trong BCTC thì lúc đó vấn đề TSBĐ là việc có thể giải quyết được. Nhưng ngược lại, nếu các doanh nghiệp không thể chứng minh được các vấn đề trên thì TSBĐ lại là vấn đề cơ sở để cho vay", ông cho hay.

Qua nhiều ý kiến tham luận, trao đổi của các bên từ doanh nghiệp tới ngân hàng, hội nghị đã đề ra nhiều giải pháp đối với ngành ngân hàng trong năm 2019 để tiếp tục hỗ trợ hoạt động cho các doanh nghiệp.

Các ngân hàng thương mại cần chủ động cân đối khả năng tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết giảm chi phí để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, giảm các mức phí dịch vụ nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng trong tiếp cận vốn vay và các dịch vụ ngân hàng.

Cùng với đó là việc đẩy mạnh cải cách thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng phù hợp với từng đối tượng khách hàng, nghiên cứu đầu tư và phát triển các sản phẩm dịch vụ. 

Đồng thời, xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kì hạn trả nợ và các giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp khi gặp rủi ro do các nguyên nhân khách quan,...

Diệp Bình

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Từ khóa: