Sự kiện hot
8 năm trước

Doanh nghiệp ngành gỗ: Chờ luật mới để thoát khó

Các doanh nghiệp ngành gỗ đang gặp khó khăn kép khi phải đối mặt với những khó khăn nội tại của doanh nghiệp cũng như nguy cơ rủi ro và thách thức lớn khi Việt Nam mở cửa thị trường sâu rộng theo các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.

Khuyến cáo trên một lần nữa vừa được hàng loạt doanh nghiệp, hiệp hội nghề, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cùng nhiều chuyên gia mạnh mẽ lên tiếng trong nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ phát triển trong giai đoạn tới.


Hơn 93% doanh nghiệp gỗ tại Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, hầu hết đều thiếu vốn, thiếu thông tin thị trường

Ông Phạm Trung Trực, Giám đốc CTCP 27/7 Hải Hậu cho biết, từ mục tiêu mở rộng xuất khẩu các sản phẩm chế biến gỗ, đến nay Công ty buộc phải tập trung vào thị trường nội địa để đảm bảo “được đồng nào chắc đồng ấy”, tránh gặp phải rủi ro phát sinh ngày càng nhiều trong hoạt động xuất khẩu. Ngoài việc bị đối tác chậm thanh toán thì đáng lo ngại hơn cả là các quy định ngày càng chặt chẽ của các thị trường nhập khẩu về nguồn gốc hợp pháp của nguyên liệu cho chế biến gỗ. Chỉ cần bị nghi ngờ có dính líu nhỏ tới nguồn gốc nguyên liệu bất hợp pháp là tất cả lô sản phẩm gỗ xuất khẩu có thể bị đối tác từ chối ngay lập tức, hệ quả đối với doanh nghiệp rất nặng nề.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là những rủi ro mang tính phát sinh. Vấn đề khó khăn nổi cộm nhất mà nhiều doanh nghiệp ngành gỗ thuộc diện nhỏ và vừa luôn phải đối mặt đó là thiếu vốn. Ông Trực chia sẻ, có những đơn hàng sản xuất trong nước và xuất khẩu, song do thiếu nguồn lực, đặc biệt là thiếu vốn nên Công ty hầu như không thể và không dám nhận các đơn hàng lớn, ổn định vì đòi hỏi doanh nghiệp phải có quy mô đầu tư lớn nhằm đảm bảo duy trì nguồn cung cho đối tác.

“Doanh nghiệp gỗ chúng tôi chủ yếu có quy mô nhỏ, thuộc các hiệp hội làng nghề nên nguồn lực vốn rất eo hẹp. Trong điều kiện thực hiện các đơn hàng xuất khẩu lớn, điều khoản thanh toán thường chậm khiến chúng tôi càng khó khăn về quay vòng vốn để đầu tư cho sản xuất. Chính vì vậy, rất mong Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ vay vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để có nguồn lực cho đầu tư phát triển”, ông Trực kiến nghị và cho biết, đây cũng là lý do khiến Công ty phải từ chối, cắt giảm không ít đơn hàng xuất khẩu và quay sang tập trung sản xuất tiêu thụ nội địa.

Nỗi lo lắng buộc phải chuyển hướng kinh doanh sản phẩm gỗ như trên của ông Trực giờ đây đang trở thành mối lo chung của nhiều doanh nghiệp ngành gỗ trong bối cảnh vốn kinh doanh luôn thiếu, trong khi có những rủi ro lớn luôn treo lơ lửng có thể xảy đến bất cứ lúc nào khiến doanh nghiệp tiêu tan toàn bộ công sức, lợi nhuận và thậm chí là âm vốn.

Theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM (HAWA), mặc dù ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ có nhiều tiềm năng, kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt 6,9 tỷ USD trong khi kế hoạch năm 2020 của ngành là 7 tỷ USD, thuộc danh mục các ngành xuất khẩu mũi nhọn của quốc gia, song phần lớn các doanh nghiệp trong ngành có quy mô nhỏ và vừa, với điểm yếu chung là thiếu vốn.

“Hơn 93% doanh nghiệp gỗ tại Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa nên hầu hết các doanh nghiệp này đều thiếu và yếu về nguồn lực, đặc biệt là vốn, thông tin thị trường, cũng như khả năng tiếp cận thông tin, quy định luật pháp, đặc biệt là các quy định về cam kết hội nhập và cơ hội thị trường, từ đó ảnh hưởng đến sức cạnh tranh và khả năng mở rộng phát triển ngành gỗ thành ngành xuất khẩu chủ lực”, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch HAWA nói.

Theo ông Hạnh, để giải quyết bài toán khó này, vấn đề cấp bách hiện nay là cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngành gỗ, đặc biệt là chính sách về đầu tư, tín dụng cho doanh nghiệp, xúc tiến thương mại và các chính sách liên quan đến bảo vệ, phát triển rừng, cung cấp thông tin để doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro trong xuất khẩu.

Về dài hạn, HAWA kiến nghị sớm ban hành Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo đó tạo khung pháp lý thuận lợi cho hoạt động hỗ trợ khu vực doanh nghiệp này cũng như tạo cơ hội tiếp cận các hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành gỗ.

Liên quan đến các cam kết hội nhập, ông Tô Xuân Phúc, đại diện Tổ chức Forest Trends, người có nhiều năm nghiên cứu về ngành chế biến và xuất khẩu gỗ cho rằng, cần tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thông tin thị trường.

“Bộ Công thương cần hỗ trợ các hiệp hội hình thành đầu mối cập nhật thông tin về các quy định của thị trường. Ví dụ, sử dụng kênh tham tán thương mại, xúc tiến thương mại, tiếp cận/dịch các thông tin/chính sách có liên quan và chia sẻ rộng rãi với cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ hỗ trợ các hiệp hội tiếp cận các cơ quan truyền thông để phổ cập những quy định, cam kết hội nhập, đặc biệt liên quan đến nguồn gốc hợp pháp của nguyên liệu cho chế biến gỗ đến doanh nghiệp nhằm tránh rủi ro trong xuất khẩu”, ông Phúc nói.             

Theo ĐTCK

Từ khóa: