Việt Nam hiện đã đàm phán, ký kết và thực thi 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có 4 đối tác chiến lược toàn diện, 17 đối tác chiến lược, 13 đối tác toàn diện).
Cùng đó, Việt Nam có quan hệ thương mại với 224 đối tác và quan hệ hợp tác với hơn 300 tổ chức quốc tế; đã ký hơn 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư.
Hiện Việt Nam cũng đàm phán, ký kết và thực thi 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, trong đó 16 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương và đa phương.
Việc Việt Nam ký kết, tham gia nhiều FTA đã giúp nâng cao giá trị xuất khẩu, cán cân thương mại được cải thiện theo hướng chuyển từ thâm hụt sang thặng dư. Theo Bộ Công Thương, năm 2022 là năm thứ 7 liên tiếp Việt Nam xuất siêu với mức thặng dư gần 12 tỷ USD. Riêng trong 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam tiếp tục xuất siêu 15,23 tỷ USD, góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.
Mặc dù các FTA đã nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt khi thâm nhập thị trường quốc tế, tuy nhiên doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn thực hiện gia công hoặc xuất khẩu nguyên liệu, chưa xây dựng được thương hiệu tại thị trường quốc tế. Bên cạnh đó việc phát triển thương mại quốc tế vẫn dựa vào các yếu tố bề rộng, thiếu sự đóng góp của các yếu tố chiều sâu như năng suất lao động, hàm lượng tri thức, công nghệ.
Dưới góc độ là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực của TP Hà Nội, Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Vũ Thanh Sơn nêu rõ, các FTA đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng nông sản, chế biến thủy, hải sản tiếp cận được thị trường quốc tế. Đặc biệt việc mở rộng thị trường xuất khẩu còn là cơ hội để doanh nghiệp tham gia vào tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy do dịch Covid-19.
Giới chuyên gia kinh tế nhận định, việc ký kết các FTA giúp kinh tế Việt Nam thay đổi tích cực trong điều kiện nền kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng của dịch Covid -19 và các xung đột kinh tế, chính trị. Đồng thời tạo cơ hội cho nông sản Việt giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á. Đặc biệt FTA trở thành “đòn bẩy”, thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp toàn diện, gắn liền với yếu tố xanh, sạch.
Để tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bền vững, mở rộng thị phần, theo Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada Trần Thu Quỳnh cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần sớm chuyển đổi theo hướng xây dựng thương hiệu riêng. “Đồng thời cần chuyên môn hóa vào các nhóm hàng đặc chủng mà khi nghĩ đến Việt Nam là người tiêu dùng bản địa nghĩ ngay tới các sản phẩm của chúng ta, ví dụ như giày dép bảo hộ, quần áo đi biển, quần áo trẻ em…”-bà Quỳnh chia sẻ.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, hiện việc tận dụng các ưu đãi từ các FTA của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất ít, chỉ khoảng 30%. Do đó, Bộ Công Thương tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường, quy định, chính sách mới của các nước sở tại. Đồng thời cảnh báo sớm các “rào cản” mới của đối tác và các vụ kiện thương mại, giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp có chính sách phù hợp…
Tiến Hoàng/KTDU