Sự kiện hot
5 năm trước

Đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng: “Chợ đen” vẫn tấp nập kẻ bán, người mua

Vụ một thợ điện phải chịu mức phạt 90 triệu đồng vì đổi 100 USD khiến dư luận xôn xao. Trong khi đó, các chợ ngoại tệ “chui” vẫn tấp nập kẻ bán, người mua…

Cảnh mua bán ngoại tệ trên phố Hà Trung.Ảnh: B.Loan

Cảnh mua bán ngoại tệ trên phố Hà Trung.Ảnh: B.Loan

Cảnh mua bán “chui” ngoại tệ vẫn diễn ra tấp nập

Vì đổi 100 USD ở tiệm vàng gần nhà, ông Nguyễn Cư Rê (Cần Thơ) đã bị cơ quan chức năng xử phạt 90 triệu đồng và bị tịch thu gần 2,3 triệu đồng tiền đã đổi được. Trong khi, mức lương của anh Rê chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng. Tiệm vàng nơi anh Rê đổi tiền cũng bị xử phạt 180 triệu đồng.

Sự việc trên đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, việc xử phạt là đúng theo quy định nhưng cũng quá khắt khe. Anh Nguyễn Văn Hiếu (32 tuổi, ở Mỹ Đình, Hà Nội) thẳng thắn: “Tôi cho rằng, quy định phạt người đổi USD là không hợp lý, vì người đổi không thể biết được nơi đổi có giấy phép hay không. Vì vậy, cần phạt nơi cho đổi hơn là phạt người dân đến đổi”.

Bà Tâm Lan (45 tuổi, ở Việt Trì, Phú Thọ) cho rằng: “Đa số người dân ở quê không biết quy định này. Thỉnh thoảng có bà con ở nước ngoài về cho vài USD thì cứ ra tiệm vàng đổi. Cái sai là người dân chưa thông hiểu quy định pháp luật. Còn việc phạt người không có khả năng đóng phạt thì cũng cần xem lại quy định này”.

Mặc dù Nghị định 96 năm 2014 của Chính phủ đã quy định rất rõ ràng về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Tuy nhiên, theo khảo sát của PV Báo Gia đình & Xã hội, tại tuyến phố Hà Trung (quận Hoàn Kiếm) - nơi được mệnh danh là “thủ phủ ngoại tệ chui” giữa lòng Hà Nội vẫn tấp nập cảnh người mua, kẻ bán ngoại tệ. Tại một cửa hàng vàng, PV chứng kiến hàng chục lượt khách ra vào để mua đổi ngoại tệ.

“Chợ đen” ngoại tệ có ảnh hưởng xấu ra sao?

Trả lời PV Báo Gia đình & Xã hội, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết: “Những điểm không được phép kinh doanh ngoại tệ như phố Hà Trung là điển hình, đã tạo nên thị trường tự do, có tỷ giá lệch với tỷ giá chính thức của Ngân hàng Nhà nước. Thực tế, tỷ giá trên thị trường tự do luôn cao hơn thị trường chính thức, nên tạo ra hiện tượng đầu cơ, ảnh hưởng, tác động trực tếp đến chính sách ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước”.

TS Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm, sự việc xảy ra với anh Nguyễn Cư Rê ở Cần Thơ là đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, về mặt tình thì không phù hợp. Vì số tiền bán được chỉ hơn 2 triệu đồng, trong khi mức phạt là 90 triệu đồng. “Tôi cho rằng, mức phạt phải tương xứng với thiệt hại bị gây ra bởi hành động phạm pháp. Thành ra, sự tương xứng giữa sự thiệt hại với mức phạt như vậy là hoàn toàn mất cân đối. Trong khi các điểm mua bán ngoại tệ “chui” lại tấp nập cảnh mua bán. Tôi thấy đây là sự bất nhất trong việc thi hành pháp luật về tiền tệ, nên tôi không đồng ý với mức phạt này. Cơ quan nhà nước cũng cần phải lấy đây là trường hợp điển hình để siết chặt thị trường ngoại tệ tự do. Phải có kế hoạch truyền thông cho người dân hiểu các quy định pháp luật về tiền tệ. Trong trường hợp bắt quả tang do chưa tuyên truyền, không có tính khách quan thì chỉ nên dừng lại ở mức độ cảnh báo”, TS Nguyễn Trí Hiếu thẳng thắn.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, quy định của Ngân hàng Nhà nước thì chỉ có những điểm cấp phép của Ngân hàng Nhà nước mới được phép thu đổi ngoại tệ. Văn bản cấp phép sẽ được điểm thu đổi treo tại cửa hàng, khách hàng dễ dàng thấy được trước khi quyết định giao dịch. Để không bị xử phạt vì đổi, bán ngoại tệ trái phép, người dân cần đến những điểm trên để giao dịch, tránh đến các điểm giao dịch “chui”, vì đây là thành viên của thị trường “chợ đen” ngoại tệ.

Nhóm chung người bán với người mua vào cùng một mức phạt có phù hợp?

Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội) thẳng thắn: “Mặc dù Khoản 3, Điều 24 Nghị định 96/2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng là xử phạt 80 - 100 triệu đồng đối với hành vi mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép đổi ngoại tệ. Đặc biệt, tại Điểm a, Khoản 8, Điều 24 áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu số ngoại tệ, đồng Việt Nam đối với hành vi vi phạm. Tuy nhiên, quy định này đã nhóm chung người bán với người mua vào cùng một mức phạt, chưa phù hợp với các quy định pháp luật chuyên ngành, chưa phù hợp với đời sống xã hội và việc xử phạt anh Nguyễn Cư Rê chưa đánh giá các tình tiết ở mức độ”.

Luật sư Trương Anh Tú lý giải: Thứ nhất, trong kết cấu xử lý vi phạm đối với các cá nhân, tổ chức trong việc xử phạt vi phạm hành chính bao giờ cũng phải tách mức phạt của tổ chức và mức phạt cá nhân thành những nhóm mức phạt khác nhau. Thứ hai, cách thức xây dựng văn bản dưới luật là không phù hợp. Thứ ba, tất cả các quy định xử phạt hành chính chuyên ngành phải tuyệt đối tuân thủ Luật Xử lý vi phạm hành chính ban hành năm 2012. Đây được coi là đạo luật gốc trong xử lý vi phạm hành chính, là nền tảng của tất cả các văn bản xử phạt vi phạm hành chính chuyên ngành khác. Trong đó có xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính phải được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, đảm bảo công bằng, đúng các quy định của pháp luật. “Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm, tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng. Trong cơ quan chức năng lập biên bản vi phạm hành chính đối với anh Nguyễn Cư Rê kéo dài hơn 6 tháng và có cả hoạt động khám nhà. Trong khi, khám nhà là một biện pháp nghiệp vụ trong quá trình điều tra, tức là phải có vụ án”, Luật sư Trương Anh Tú nói.

Luât sư Trương Anh Tú thẳng thắn: “Người dân có quyền khiếu nại, tố cáo, thậm chí khởi kiện nếu thấy rằng hành vi của cán bộ công chức, cơ quan nhà nước là chưa phù hợp với pháp luật. Trường hợp như anh Nguyễn Cư Rê, có thể tìm đến các luật sư để được tư vấn và bảo vệ nếu thấy cần thiết”.

Bảo Loan
Theo Gia đình & Xã hội

Từ khóa: