Sự kiện hot
11 năm trước

Dồn điền đổi thửa ở huyện Ba Vì: Vì sao khó thực hiện?

Nhiều địa phương ngoại thành Hà Nội đã hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch dồn điền đổi thửa (DĐĐT) được giao, từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất.

Nhiều địa phương ngoại thành Hà Nội đã hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch dồn điền đổi thửa (DĐĐT) được giao, từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất.

Tuy nhiên, huyện Ba Vì vẫn gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này, rất cần sự vào cuộc với quyết tâm cao hơn nữa của cả hệ thống chính trị cũng như sự đồng thuận của người dân.

Được huyện Ba Vì chọn làm điểm triển khai thực hiện DĐĐT, đầu năm 2012, Đảng ủy xã Phú Cường ban hành nghị quyết triển khai nhiệm vụ, các ban chỉ đạo từ xã đến thôn được thành lập vào cuộc với khí thế mạnh mẽ. Thế nhưng, như Chủ tịch UBND xã Ngô Văn Loát cho biết, cái khó của Phú Cường trong giai đoạn này là chưa có mô hình để tham khảo cách làm, trong khi đó các văn bản hướng dẫn của thành phố, huyện lại thiếu, nên lãnh đạo địa phương phải sang học tập kinh nghiệm một số xã của huyện Sóc Sơn. Quá trình triển khai, người dân địa phương khá hồ hởi, đồng tình ủng hộ cao. Nhưng theo quy định lúc bấy giờ, thành phố chỉ hỗ trợ DĐĐT cho các địa phương thực hiện dồn đổi mỗi hộ chỉ còn 1-2 thửa nên việc dập khuôn mô hình nơi khác đem về triển khai thực hiện không phù hợp. Do đó, một bộ phận người dân và cán bộ địa phương có tư tưởng ngãng ra, thậm chí gây cản trở. Một số người đề nghị chính quyền địa phương giữ nguyên phương án dồn đổi mỗi hộ còn 2-3 thửa ruộng. Ý kiến khác đưa ra yêu sách, xã phải làm đường giao thông thủy lợi nội đồng xong mới thực hiện DĐĐT..., dẫn đến việc thí điểm DĐĐT tại Phú Cường bị phá sản.

Tình hình tương tự cũng diễn ra ở xã Vạn Thắng, một trong bốn xã được huyện Ba Vì lựa chọn chỉ đạo triển khai thực hiện DĐĐT. Ông Nguyễn Ngọc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng cho biết, lãnh đạo địa phương rất quyết tâm thực hiện DĐĐT để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung phù hợp với điều kiện, lợi thế địa phương. Thế nhưng, việc triển khai thực hiện rất lúng túng, do vấp phải sự cản trở của một bộ phận người dân.

Trong kế hoạch DĐĐT giai đoạn 2012-2015, huyện Ba Vì đã xác định diện tích có khả năng dồn đổi là 5.488ha. Bước vào vụ sản xuất đông xuân 2012-2013, toàn huyện mới dồn đổi được hơn 400ha, thấp nhất trong công tác DĐĐT của thành phố. Theo lãnh đạo một số xã, nguyên nhân vướng mắc đầu tiên là do đồng đất của các xã không đồng đều, có ruộng xấu, tốt, xa, gần, ruộng bậc thang, do đó một bộ phận người dân cho rằng, "rũ rối" chia lại sẽ nhận phải đất xấu nên chưa đồng tình. Mặt khác, do tập quán, người dân vẫn còn thói quen canh tác cũ, không muốn thay đổi, phần lớn đều muốn gia đình có 3-4 thửa ruộng. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền ở một số xã vẫn còn nặng về hình thức, cán bộ cơ sở chưa hiểu rõ chủ trương DĐĐT nên chưa giải thích rõ cho người dân hiểu được cái lợi của DĐĐT. Một bộ phận cán bộ còn ngại khó, sợ va chạm nên vào cuộc không thật sự quyết liệt. Chưa kể, trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương DĐĐT, nhiều địa phương thiếu kinh phí, có xã phải đề xuất xin ứng vốn trước...

Mục tiêu huyện Ba Vì phấn đấu năm 2013 DĐĐT được 4.180ha. Đây là một thách thức rất lớn mà để thực hiện được, trước hết cán bộ, nhân dân trong huyện phải nhận thức rõ xây dựng nông thôn mới nói chung và DĐĐT nói riêng là vì lợi ích của bà con nông dân. Bên cạnh đó, Ba Vì cần lựa chọn đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ xã, thôn làm công tác DĐĐT có năng lực, nhiệt huyết, am hiểu gắn bó với đồng ruộng. Cùng với đó là đẩy nhanh quy hoạch vùng sản xuất, tập trung xây dựng hệ thống đường giao thông, kênh mương nội đồng... để người dân thấy được sự phù hợp, lợi ích lâu dài mà tham gia thực hiện DĐĐT một cách tự giác, hiệu quả.

Thúy Nga
theo Hà Nội mới

Từ khóa: