Sự kiện hot
7 năm trước

Đơn vị đề xuất lấp hồ Thành Công xây nhà tái định cư nói gì?

Theo đại diện VIHAJICO, phương án dùng 1ha diện tích công viên và mặt hồ hiện hữu để xây nhà ở tái định cư cho người dân và đồng thời hoàn lại bằng cách đào bổ sung 1ha mặt nước về phía Bắc. Đây mới chỉ là phương án đề xuất.

Ngày 10/4, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng (VIHAJICO), đơn vị đề xuất “lấp hồ Thành Công để xây nhà tái định cư” đã có thông tin giải thích về đề xuất khiến dư luận “dậy sóng” của mình.

Theo VIHAJICO, thực hiện chủ trương của UBND Thành phố tại Công văn số 5621/UBND-ĐT, ngày 30 tháng 9 năm 2016 về việc cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ trên địa bàn Thành phố, theo đó công ty đã được giao nhiệm vụ lập Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 toàn Khu tập thể Thành Công với quy mô diện tích đất khoảng 23,058ha và số lượng nhà chung cư cũ là 67 nhà cao 2 – 5 tầng.

“Để đảm bảo tính khả thi của đồ án nhằm tăng tiện ích cho khu dân cư mới, tạo được quỹ đất sạch để triển khai được ngay nhà tái định cư mà không phải di chuyển dân đến các khu tạm cư, tránh gây xáo trộn cho cuộc sống của người dân. Mặt khác, người dân cũng có điều kiện giám sát và khẳng định chất lượng nơi ở mới của mình mà nhà đầu tư sẽ cung cấp, doanh nghiệp đã đề xuất giải pháp điều chỉnh quy hoạch công viên và hồ Thành Công hiện hữu khoảng 10ha theo hướng không làm thay đổi diện tích mặt nước hiện có; dự kiến hoán đổi toàn bộ diện tích khoảng 1ha đất trong phạm vi công viên và hồ Thành Công để xây dựng nhà tái định cư tại chỗ cho người dân; hoàn lại bằng cách điều chỉnh mở rộng ranh giới hồ vào trong khu dân cư mới, lấy ra được khoảng 1ha từ quỹ đất của công viên và hồ Thành Công.

Như vậy, doanh nghiệp sẽ hoàn trả đúng diện tích công viên và hồ Thành Công vào trong ranh giới quy hoạch được giao, đảm bảo tỷ lệ cây xanh, mặt nước đô thị theo đúng quy hoạch phân khu. Thực tế, diện tích mặt nước hoàn toàn không thay đổi so với diện tích cũ, đồng thời lại khai thác cảnh quan hồ Thành Công cho khu vực được hiệu quả hơn rất nhiều do gắn kết công viên hồ với cộng đồng dân cư trong đô thị”, đơn vị đề xuất lý giải.

Cũng theo đơn vị này, đây sơ bộ được đánh giá là một cách làm mới và theo tính toán, chi phí từ việc nghiên cứu đề xuất cho đến triển khai xây dựng sẽ tăng rất nhiều so với cách làm truyền thống. Câu hỏi đặt ra là tại sao chi phí lớn mà doanh nghiệp vẫn đề xuất cách làm như vậy?  Như chúng ta đã biết, hầu hết các dự án cải tạo xây dựng chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội các năm vừa qua gặp khó khăn, bế tắc chủ yếu ở khâu đền bù giải phóng mặt bằng, vấn đề tạm cư cho người dân… Nay, với đề xuất này của công ty thì có thể xây nhà tái định cư ngay mà chưa cần phải di dời, tạm cư cho các hộ dân đang sử dụng khu tập thể. Thay vì việc nhận tiền tự lo nơi ở tạm cư ở vị trí khác hoặc phải di chuyển cả hộ gia đình, người dân sẽ được sử dụng nhà ở ngay tại chính khu vực mình đang sinh sống.

Theo đại diện VIHAJICO, hiện nay doanh nghiệp đang trong quá trình hoàn thiện các phương án quy hoạch đề xuất cho đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu tập thể Thành Công. Đồng thời, trình các đề xuất về chỉ tiêu kiến trúc – quy hoạch lên Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, Sở Xây dựng để lấy ý kiến triển khai thực hiện dự án. Để thực hiện đồ án đạt chất lượng quy hoạch tốt nhất, các phương án này đã được công ty làm việc chặt chẽ với đơn vị tư vấn uy tín Singapore. Đơn vị này đã đề xuất 3 phương án điều chỉnh, trong đó có phương án như trên. Đây cũng là đơn vị đã thực hiện công tác quy hoạch thiết kế cho nhiều dự án lớn trên thế giới.
“Là một doanh nghiệp luôn quan tâm và theo đuổi chiến lược xây dựng các khu đô thị xanh, sạch, đẹp, giữ gìn bảo tồn môi trường sống trong lành cho người dân, doanh nghiệp cam kết nếu được giao thực hiện dự án, doanh nghiệp sẽ nỗ lực kiến tạo một khu đô thị đồng bộ, hiện đại, có nhiều không gian công cộng, đồng thời vẫn giữ gìn được cấu trúc của khu vực Thành Công (các khu hành chính, công cộng, trường học, chợ, khu di tích văn hoá đình đền…)”. VIHAJICO thông tin.

Trước đó, tại Hội thảo khoa học về cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng đề xuất UBND TP.Hà Nội cho phép lấp 1ha hồ Thành Công để lấy đất xây nhà tái định cư cho các hộ dân đang sống tại chung cư Thành Công cũ thuộc diện cải tạo.

Trước đề xuất này, Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, nhận định: Trong công tác cải tạo, quy hoạch chung cư cũ, để tìm được lời giải đảm bảo lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân không dễ chút nào. “Có những đề xuất mà ngay cả Thành phố cũng không dám quyết, cụ thể ở đây là lấp 1 ha hồ Thành Công làm nhà cho dân, mặc dù chủ đầu tư nói sẽ đào thêm hồ chỗ khác.

Tuy nhiên, qua đề xuất này cũng nảy ra cơ chế xác định vị trí tái định cư cho người dân xem trước. Nếu người dân đồng ý sẽ xây ngay nhà tái định cư, sau đó mới phá chung cư cũ và làm tiếp các hạng mục khác. Như vậy người dân có nhà về ở luôn, không phải đi nơi khác”, ông Hùng nói.

Theo Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, mặc dù đã rất quyết tâm, ngay cả có sự chỉ đạo từ TƯ xuống, công tác cải tạo chung cư cũ của Thủ đô tới nay mới chỉ được 1%. Hà Nội hiện vẫn còn hơn 1.200 nhà chung cư cũ.

“Không phải thấy khó mà không làm. Lâu nay, Hà Nội trăn trở rất nhiều về công tác cải tạo chung cư cũ. Hà Nội cũng đã dùng nhiều mô hình với các chủ đầu tư là doanh nghiệp nhà nước lẫn doanh nghiệp bên ngoài tuy nhiên chỉ mới giải quyết được từng khu nhỏ lẻ, không đạt hiệu quả mong muốn”, ông Hùng nhận định.

Đánh giá về đề xuất này, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, việc tái định cư cho người dân ở các chung cư cũ là cần nhưng lấp hồ để xây nhà tái định cư thì không được. Bởi lẽ, thứ nhất là hồ trong đô thị để điều hòa nước mưa. Thứ 2, hồ cũng là cảnh quan đặc sắc của đô thị và trở thành nét riêng của thủ đô Hà Nội, nơi vị trí địa lý có nhiều mặt nước, nhiều hồ.

Trên phương diện rộng hơn, TS. Liêm cho biết, ở Hà Nội cũng có một số hồ đã bị lấp. Chính vì thế những hồ còn lại phải đưa vào diện bảo vệ, giữ gìn khi mỗi hồ có một đặc sắc riêng của nó.Hồ Hoàn Kiếm, hồ Trúc Bạch, hồ Bảy Mẫu, hồ Ngọc Khánh... mỗi hồ là một vị trí địa lý khác nhau nên việc tôn tạo, gìn giữ hồ phải tùy từng nơi. Và việc tái định cư phải tìm phương án khác chứ không phải chỉ là bài toán với những lời giải được nói suông.

Trước câu hỏi liệu có một lúc nào đó sẽ lại xuất hiện đề xuất lấp một phần Hồ Gươm để cải tạo các chung cư cũ, khu nhà cũ cho những người sống ở phố cổ theo lối tư duy tương tự? TS. Phạm Sỹ Liêm tỏ ra khá gay gắt. Theo ông Liêm, Hồ Gươm không phải của riêng Hà Nội mà là của cả nước, của lịch sử.

Được biết, trước đó, Thành phố Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho 18 nhà đầu tư phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác điều tra xã hội học, xây dựng nhiệm vụ thiết kế, quy hoạch lại 26 khu chung cư cũ.

Nguyên Bình

Từ khóa: