Sự kiện hot
12 năm trước

Dòng tiền đang chảy mạnh

Dòng tiền đang chảy mạnh vào TTCK kể từ đầu năm 2012 đến nay. Điều đó cho thấy TTCK dần thực hiện được chức năng căn bản thứ nhất là thanh khoản.

Dòng tiền đang chảy mạnh vào TTCK kể từ đầu năm 2012 đến nay. Điều đó cho thấy TTCK dần thực hiện được chức năng căn bản thứ nhất là thanh khoản.

75 triệu cổ phiếu tương đương 1.100-1.500 tỷ đồng được chuyển nhượng, đó là mức giao dịch trung bình tại sàn TP. HCM kể từ ngày 15/3/2012 đến nay. Tại sàn Hà Nội, trong khoảng thời gian này, khối lượng chuyển nhượng trung bình lên tới trên 100 triệu cổ phiếu/phiên, với giá trị giao dịch quanh mốc 1.000 tỷ đồng. Thanh khoản thị trường ổn định ở mức cao trong nhiều phiên liền là tín hiệu rõ nét của sự sôi động trở lại, dù trong sự sôi động này, chỉ số chứng khoán có thể tăng hoặc giảm liên tục hàng phiên.

Không chỉ khối ngoại lên tiếng cổ vũ cho sự khởi sắc của TTCK, mà chính nhà đầu tư nội mới là đối tượng hào hứng vào cuộc, giúp thị trường qua giai đoạn trầm lắng, với mức đóng góp từ 65-85% giá trị giao dịch hàng phiên tại sàn TP. HCM (tại sàn Hà Nội, nhà đầu tư nội chiếm tỷ trọng giao dịch từ 90-95% toàn thị trường). Quan sát tại một số CTCK cho thấy, các hoạt động margin, ứng vốn cho nhà đầu tư để đáp ứng nhu cầu giao dịch diễn ra khá sôi động. Thị trường tiếp tục xuất hiện những nhân viên môi giới mang lại nguồn thu phí hàng trăm triệu đồng/tháng và theo đó, không ít người môi giới đang có thu nhập vượt trên mức lương tổng giám đốc của công ty mình. Nhân sự tại CTCK lại vào guồng quay bận rộn. Một số CTCK nhân viên phải làm đến 7-8h tối, một số CTCK khác đang rục rịch tuyển thêm người.

Cùng với quyết định kéo dài thời gian giao dịch sang buổi chiều của sàn TP. HCM và Hà Nội, sàn TP. HCM đã công bố chỉ số VN-30 và sắp tới, sàn Hà Nội cũng ra mắt một số chỉ số mới như HNX 30, HNX 50 để thêm công cụ đo lường thị trường cho nhà đầu tư. Hệ thống giao dịch lô lẻ tại HNX đã chính thức được đưa vào vận hành từ 26/3/2012, giúp các nhà đầu tư tìm đối tác để chuyển nhượng lượng cổ phiếu dù rất nhỏ.

Nhiều cải tiến khác hướng đến DN, nhà đầu tư trong mục tiêu tăng hiệu quả thị trường như xây dựng bộ chỉ số theo ngành, giảm thời gian thanh toán (thị trường trái phiếu đã thực hiện thanh toán T+3), xây dựng nhà tạo lập thị trường (trước mắt với thị trường trái phiếu), tin học hóa công tác công bố thông tin từ DN đến Sở, đến thị trường… đang được các Sở và UBCK thực hiện. Dù bối cảnh kinh tế vĩ mô và hiện trạng tài chính tại nhiều DN còn nhiều khó khăn, nhưng sự nỗ lực và tinh thần lạc quan đang dần rõ nét hơn tại các thành viên TTCK Việt Nam.

Dòng tiền chảy mạnh là minh chứng cho thấy TTCK dần thực hiện được chức năng căn bản thứ nhất là thanh khoản. Tuy nhiên, chức năng thứ hai, quan trọng không kém là giúp DN huy động vốn hiện chưa có sự chuyển động đáng kể nào, trong khi nhu cầu lớn nhất của DN khi tham gia TTCK là huy động vốn mới, rẻ hơn và bền vững hơn. Theo dõi nhiều ĐHCĐ của DN gần đây cho thấy, kế hoạch phát hành cổ phiếu để huy động vốn của DN được đưa ra rất dè dặt, chủ yếu vì chưa thấy tính khả thi, trong khi thực tế, DN đang phải đi vay vốn ngân hàng với lãi suất quanh mức 20%.

Thanh khoản đã được cải thiện, dù mới ở mức trung bình (thời kỳ TTCK sôi động, giá trị giao dịch từng ở mức 3.000-5.000 tỷ đồng/phiên), đang dần gỡ khó cho hoạt động của khối CTCK. Tuy nhiên, với khối DN niêm yết, câu hỏi lớn nhất là làm thế nào để huy động được vốn qua TTCK vẫn chưa thấy câu trả lời.

UBCK đã “bật đèn xanh” cho DN huy động vốn với giá cổ phiếu dưới mệnh giá, nhưng cách hạch toán khoản thặng dư vốn (âm) sau khi huy động như thế nào, đang có những dư luận trái chiều. Đây là một trong số nhiều vấn đề mà công tác huy động vốn của DN qua TTCK gặp phải.

Bên cạnh các cải tiến kỹ thuật, TTCK đang rất cần những sáng kiến pháp lý để không chỉ khơi thông dòng chảy vốn trên thị trường thứ cấp, mà quan trọng không kém là để dòng vốn chảy vào DN, thúc đẩy DN sản xuất kinh doanh.

Theo NQS/DTCK


Từ khóa: