Sự kiện hot
12 năm trước

Đợt phục hồi khó đi xa

Xu thế tăng sẽ được kiểm chứng khi các chỉ số tiệm cận các ngững kháng cự mạnh và áp lực cung của lượng cổ phiếu ngày 3/2 về tài khoản.

Xu thế tăng sẽ được kiểm chứng khi các chỉ số tiệm cận các ngững kháng cự mạnh và áp lực cung của lượng cổ phiếu ngày 3/2 về tài khoản.

Lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 9/2.

Xuất hiện 1 đợt sóng tăng điểm mới

(CTCK BIDV - BSC)

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 8,45 điểm (+2,11%) lên 409,53 điểm; HNX-Index tăng mạnh 1,21 điểm (+1,94% ) lên 63,74 điểm. Khối lượng trên cả 2 sàn tăng mạnh và ở mức cao. Khối ngoại đẩy mạnh lượng mua ròng với giá trị mua ròng 109 tỷ trên sàn HOSE và hơn 9 tỷ trên sàn HNX. Các mã được mua ròng chủ yếu tập trong vào nhóm VN30, nổi bật nhất là: VCB, SSI, STB, VIC, KDC.

Lực cầu trong phiên 8/2 tiếp tục cho thấy sự tích cực của bên mua khi áp đảo được lực cung chốt lời. Sau đợt điều chỉnh ngắn, việc thị trường tăng mạnh với khối lượng lớn báo hiệu xác suất cao xuất hiện 1 sóng tăng điểm mới, điều đó có nghĩa là nhiều khả năng thị trường vẫn sẽ tiếp tục duy trì đà tăng điểm trong phiên tiếp theo.

Dù vậy, chúng tôi cho rằng phiên giao dịch ngày 9/2 sẽ có sự “giằng co” quyết liệt khi thị trường sẽ bị thử thách bởi 1 lượng cung cổ phiếu lớn về từ thứ 6 tuần trước.

Hơn nữa, xét trên khía cạnh kỹ thuật, 2 chỉ số sẽ gặp mức kháng cự ngắn hạn 64 điểm trên HNX và 415-420 điểm trên HOSE. Nếu ngưỡng kháng cự này bị phá vỡ, xác suất thị trường tạo sóng tăng mới sẽ càng được củng cố thêm.

Kịch bản tăng điểm sẽ chiếm ưu thế

(CTCK Vietcombank - VCBS)

Đà tăng từ phiên giao dịch ngày 7/2 đã thành công lan tỏa sang phiên giao dịch sáng 8/2. Nếu như sàn Hà Nội mở cửa ngập ngừng ít phút trong sắc đỏ rồi mới bật tăng trở lại thì với sàn HOSE, sắc xanh xuất hiện khá vững vàng ngay từ đầu phiên.

Hai chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam đều đóng cửa rất sát với mức cao nhất trong ngày, một tín hiệu có thể xem như khá tích cực. Không chỉ có vậy, trong phiên giao dịch sôi động ngày 8/2, tính thanh khoản của thị trường cũng không ngừng được cải thiện, thể hiện qua việc tăng đáng kể của khối lượng cũng như giá trị giao dịch trên hai sàn, dòng tiền tiếp tục cho thấy dấu hiệu trở lại thị trường chứng khoán.

Sự trở lại của dòng tiền vẫn được kỳ vọng là yếu tố hỗ trợ cũng như tạo động lực cho khả năng tăng điểm của thị trường, ngoài ra còn phải kể đến tác động tích cực không nhỏ của động thái mua ròng khá bền bỉ, tập trung nhiều vào các cổ phiếu trụ cột, của khối ngoại trong thời gian vừa qua.

Trong phiên giao dịch ngày 9/2, chúng tôi cho rằng kịch bản tăng điểm của thị trường vẫn đang chiếm ưu thế hơn, các nhà đầu tư nên tiếp tục lưu ý các cổ phiếu trụ cột, có tiềm năng cơ bản tốt cũng như tính thanh khoản từ mức khá trở lên.

Không đánh giá cao khả năng VN-Index tiếp tục tăng mạnh

(CTCK ACB - ACBS)

Ngược với phiên trước đó, VN-Index ngày 8/2 tăng khá mạnh sau giờ mở cửa. Mặc dù xu hướng chốt lời đẩy chỉ số lùi lại vào giữa phiên, nhưng lực cầu mạnh được giữ vững, giúp VN-Index đóng cửa gần mức cao trong ngày.

Cây nến trắng dài cho thấy sự lấn át của bên mua. Khối lượng giao dịch tăng cũng củng cố phiên tăng điểm.

Do VN-Index đang giao dịch gần mức Fibonacci 50% và đường trung bình 200 ngày, chúng tôi không đánh giá cao khả năng VN-Index tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

VN-Index có thể phục hồi về vùng kháng cự 420-430, tương ứng Fibonacci 61,8%. Ở chiều ngược lại, chỉ số này có thể quay về vùng hỗ trợ 375-380.

Tương tự VN-Index, lực cầu liên tục được tăng cường, giúp HNX-Index có phiên tăng thứ 2 liên tiếp.

Hiện HNX-Index đang giao dịch gần vùng kháng cự mạnh 64-65. Thêm vào đó, việc chỉ bao RSI(14) đi vào vùng quá mua cũng cho thấy khả năng đảo chiều của chỉ số này.

Trong các phiên tới, HNX-Index có thể giao dịch giằng co đi ngang. Với quan điểm thận trọng, chúng tôi tiếp tục khuyến cáo nhà đầu tư ngắn hạn nên đứng ngoài thị trường.

Rủi ro đang tăng dần

(CTCK Mirae Asset)

Thị trường đã có diễn biến tích cực ngày 8/2 với mức tăng mạnh trên cả hai sàn. Tuy nhiên, sự tăng điểm này đã khiến cả 2 chỉ số tiến nhanh về vùng rủi ro. Kết hợp với yếu tố KLGD phiên này chưa đủ điều kiện để làm giảm áp lực bán ra của hơn 112 triệu đơn vị được giao dịch hôm 03/02.

Về thông tin vĩ mô, theo một số thông tin, lãi suất đang có dấu hiệu giảm nhẹ, thêm vào đó tình trang thiếu thanh khoản của hệ thống ngân hàng không còn ở mức cao như dịp trước Tết và các giao dịch trên thị trương liên ngân hàng cũng bắt đầu dễ dàng hơn.

Mức tăng của thị trường trong thời gian qua có thể phản ánh kỳ vọng lãi suất sẽ được kéo giảm. Kỳ vọng này dần được sáng tỏ và hành động chốt lời có thể được xem xét khi mức sinh lời đã khá hấp dẫn.

Chúng tôi nhận thấy rủi ro đang tăng dần nếu thị trường tiếp tục tăng điểm trong phiên 9/2. Áp lực bán ra có thể làm thay đổi cục diện và nhà đầu tư ngắn hạn nên xem xét bán ra toàn bộ danh mục hiện tại khi thị trường tăng điểm.

Đợt phục hồi sẽ khó đi xa

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Thị trường tiếp tục có phiên tăng điểm tích cực khi cả 2 chỉ số đều tiếp cận lại các đỉnh ngắn hạn vừa được xác lập tuần trước. Khối lượng giao dịch cũng có sự cải thiện và duy trì ở mức cao so với mặt bằng chung gần đây. Khối ngoại tiếp tục chiến lược mua ròng khá ổn định và tập trung vào các mã trong rổ tính VN30, đặc biệt trong phiên hôm nay là 3 trường hợp SSI, STB và VCB.

Sau một nhịp điều chỉnh ngắn, thị trường đã cho tín hiệu hồi phục trở lại trong 2 phiên vừa qua. Lực cầu nhìn chung vẫn đang thắng thế và thể hiện xu hướng tích lũy. Tuy nhiên, dòng tiền trong nhịp hồi phục này đã có sự chuyển hướng sang các mã mang tính đầu cơ cao hơn và chúng tôi tạm coi là dòng cổ phiếu “nhóm 2”, bao gồm cả 1 số cổ phiếu penny trên sàn Hà Nội như PVA, PVL, STL, VSP… vốn có nền tảng cơ bản không thực sự thuận lợi. Hiện tượng này có thể được xem là một tín hiệu cần thận trọng đối với khả năng sớm đảo chiều của thị trường.

Thêm vào đó, như đã đề cập trong bản tin trước, hiện đa số các mã cổ phiếu đều đã có một nhịp tăng “nóng” với biên độ xấp xỉ 30-40%.

Như vậy, nhịp hồi phục này của thị trường nhiều khả năng sẽ sớm gặp phải áp lực cung giá cao và khó đi xa. Các nhà đầu tư được khuyến nghị lựa chọn các mức giá tốt trong phiên để giảm tỷ trọng cổ phiếu và đặc biệt thận trọng nếu xuất hiện thêm một phiên phân phối với khối lượng lớn (trên 50 triệu đơn vị khớp lệnh).

Xu thế tăng sẽ tiếp tục được kiểm chứng

(CTCK FPT - FPTS)

Nối tiếp đà tăng điểm trở lại từ phiên giao dịch trước, VN-Index đã có một phiên giao dịch bứt phá ấn tượng với mức tăng 8,45 điểm lên ngưỡng 409,53 điểm.

Tín hiệu tích cực về xu thế của chỉ số tiếp tục được phát đi nhờ lực cầu vào thị trường được duy trì khá tốt. Không khí giao dịch sôi động, hào hứng cùng sức cầu mạnh dạn hơn cho thấy nhà đầu tư đang tích cực quan tâm tới diễn biến thị trường. Nhờ đó, thanh khoản thị trường tiếp tục được cải thiện đáng kể.

Bên cạnh yếu tố sức cầu, phải kể đến nỗ lực kéo giá đến từ các cổ phiếu lớn thuộc rổ chỉ số VN30 cũng đóng vai trò quan trọng trong đà tăng điểm của VN-Index. Với 28/30 mã tăng điểm và không có mã giảm, chỉ số VN30 cũng tăng mạnh 11,67 điểm lên mức 460,98 điểm, góp phần đưa VN-Index bứt phá lên khỏi ngưỡng kháng cự 405 điểm ngắn hạn.

Quan sát diễn biến phiên giao dịch, chúng tôi cho rằng dòng tiền quay lại thị trường sẽ tiếp tục phát huy vai trò tích cực trong ngắn hạn. Mặc dù ngưỡng kháng cự tại 410 điểm của VN-Index vẫn chưa thể bị phá vỡ trong phiên giao dịch này nhưng nếu kỳ vọng tích cực của nhà đầu tư cùng tác động đỡ giá của nhóm bluechips tiếp tục được phát huy thì xu hướng đi lên của thị trường nhiều khả năng sẽ chưa thế sớm bị ngắt nhịp.

Trong phiên giao dịch tiếp theo (09/02), xu thế tăng của thị trường sẽ tiếp tục được kiểm chứng bởi sức ép từ ngưỡng kháng cự mạnh 410 điểm cùng khối lượng lớn cổ phiếu giao dịch ngày 03/02 về tài khoản.

Áp lực bán khả năng sẽ tăng mạnh

(CTCK Rồng Việt - VDSC)

Trái với sự xuất hiện khá thường xuyên của các phiên bulltraps trong năm 2011, các nhịp điều chỉnh trong sóng tăng đầu năm 2012 diễn ra rất ngắn đã tạo hưng phấn ngày càng cao cho NĐT và kích thích dòng tiền mạnh dạn đổ vào thị trường.

Quan sát diễn biến thị trường ở các phiên gần đây có thể thấy sự thận trọng gần như đã biến mất. Phiên giao dịch 8/2, nhờ vậy, tiếp tục diễn biến thực sự tốt cả về mặt điểm số lẫn thanh khoản.

Cùng với sự hưng phấn cao độ đang diễn ra trên thị trường thì nguồn cung cổ phiếu chờ chốt lời đồng thời được tích lũy ngày càng lớn. Áp lực bán khả năng sẽ tăng mạnh từ phiên giao dịch ngày 9/2, khi hơn 55 triệu cổ phiếu của phiên ngày 03/02 về đến tài khoản NĐT và có thể giao dịch.

Xu hướng giằng co khả năng sẽ diễn ra trong các phiên cuối tuần. Do vấn đề vĩ mô trong những tuần đầu của năm 2012 chưa có chuyển biến tích cực hơn so với năm 2011, chúng tôi bảo lưu nhận định xu hướng tăng hiện tại là không bền vững.

NĐT đang nắm giữ cổ phiếu nên lựa chọn mức giá phù hợp để chuyển hóa một phần cổ phiếu thành tiền mặt.

Nhà đầu tư xem xét chốt lời

(CTCK VNDirect - VND)

Như chúng tôi đã nhận định, thị trường đã chính thức khẳng định vượt qua nhịp điều chỉnh nhẹ trong phiên ngày 7/2. Sự tăng điểm mạnh trong ngày 8/2 đã khẳng định thêm điều đó.

Thanh khoản tiếp tục ở mức cao trong phiên tăng điểm cho thấy dòng tiền trong thị trường khá tốt. Tuy nhiên, sự hưng phấn không được đẩy lên đến cao trào giống như phiên thứ Năm tuần trước, cho thấy nguy cơ điều chỉnh lại cận kề.

Dù sóng hồi lần này sẽ không chỉ dừng lại như hồi tháng 9, đợt điều chỉnh lần này sẽ tương đối mạnh. Dòng tiền trên sàn HOSE sẽ được duy trì tốt hơn so với HNX, các nhóm cổ phiếu cơ bản có thể sẽ giảm ít hơn so với thị trường chung giúp cho nhịp điều chỉnh không thể hiện rõ trên điểm số VNINDEX bằng trên điểm số HNXINDEX.

Nhà đầu tư xem xét chốt lời, hạn chế mua thêm trong các phiên giao dịch thứ Năm, thứ Sáu. Thời điểm mua vào trở lại sẽ được chúng tôi khuyến nghị cụ thể trong các bản tin tuần sau.

Thị trường đang tăng quá nóng

(CTCK Dầu khí - PSI)

Chỉ số hai sàn tiếp tục tăng mạnh, thậm chí đã vượt đỉnh cũ gần nhất. Như chúng tôi đã nhận định trước đó, trong phiên giao dịch sắp tới khả năng tăng điểm vẫn có xác suất xảy ra cao. Tuy nhiên, nếu tiếp tục duy trì đà tăng mạnh như phiên 8/2 thì VN-Index và HNX-Index sẽ lần lượt tiếp cận hai ngưỡng kháng cự tương ứng lại 420 điểm và 66 điểm, kèm theo trạng thái tăng quá nóng hiện hữu.

Một tín hiệu đáng lưu ý khác là thanh khoản đang có dấu hiệu thấp dần (lower low), thể hiện nguy cơ phân kì âm trên công cụ dòng tiền MFI, cho thấy sức mua đang có yếu dần.

Nhà đầu tư giữ tiền mặt nên tiếp tục kiên trì chờ đợi, tuyệt đối không nên giải ngân giá cao nếu thị trường tiếp tục tăng điểm. Ngược lại, NĐT giữ cổ phiếu nên giảm dần tỷ lệ cổ phiếu khi chỉ số hai sàn tăng mạnh và đến gần các ngưỡng kháng cự nêu trên.

Theo Dau tu chung khoan

Từ khóa: