Sự kiện hot
5 năm trước

Dự án Khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 (đoạn qua tỉnh Lâm Đồng): Phát hiện nhiều sai phạm

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa chỉ ra nhiều sai phạm, từ việc đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư đến công tác quản lý đầu tư xây dựng, tại Dự án Khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 đoạn Km123+105,17 đến Km268+000 (đoạn qua tỉnh Lâm Đồng) theo hình thức BOT kết hợp BT với tổng mức đầu tư 4.110 tỷ đồng (phần BOT là 1.383 tỷ đồng, phần BT là 2.727 tỷ đồng).

Dự án Khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 (đoạn qua tỉnh Lâm Đồng) vẫn chưa được bố trí vốn để thanh toán cho phần BT trong khi phải thanh toán cho Nhà đầu tư từ năm 2018 – 2022. Ảnh: Thanh Huyền
Dự án Khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 (đoạn qua tỉnh Lâm Đồng) vẫn chưa được bố trí vốn để thanh toán cho phần BT trong khi phải thanh toán cho Nhà đầu tư từ năm 2018 – 2022. Ảnh: Thanh Huyền

TTCP cho biết, theo Quyết định số 4209/QĐ-BGTVT ngày 20/12/2013, dự án trên được khởi công năm 2014 và hoàn thành năm 2015; thời hạn kinh doanh chuyển giao công trình đối với phần BOT dự kiến là 22 năm tính từ ngày bắt đầu thu phí; phần BT được chuyển giao cho Nhà nước sau khi xây dựng xong, thời điểm thanh toán phần BT dự kiến bắt đầu từ năm 2018 - 2022.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 10 Thông tư số 166/2011/TT-BTC, các nhà đầu tư khi tham dự thầu phải có hồ sơ chứng minh về năng lực tài chính, trong đó, vốn chủ sở hữu được xác định trên cơ sở báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán. Tuy nhiên, tại hồ sơ yêu cầu do Tổ chuyên gia tư vấn đấu thầu lập, Ban Quản lý dự án (QLDA) 7 thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt chỉ yêu cầu có báo cáo tài chính năm 2012 và báo cáo tài chính tại thời điểm gần nhất được kiểm toán, dẫn đến việc đánh giá tiêu chí về vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính của nhà đầu tư dự thầu thiếu chính xác. Cụ thể, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh, Công ty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng (Công ty Thái Sơn) - 2 thành viên của Liên danh nhà đầu tư thực hiện dự án trên đều không đạt yêu cầu về vốn chủ sở hữu theo các quy định của hồ sơ yêu cầu và Điều 5 Nghị định 108/2009/NĐ-CP.

Nhà đầu tư đề xuất, “mức thu phí từ năm 2016 bằng 3,5 lần mức thu phí đường bộ đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước”. Theo TTCP, điều này không đúng với quy định tại Phần 2, Mục IV.1 của Thông tư 90/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính, nhưng vẫn được Ban QLDA 7 đánh giá đạt để Bộ GTVT lựa chọn nhà đầu tư này thực hiện Dự án. Năm 2016, Bộ GTVT còn chấp thuận giao cho Công ty Thái Sơn thực hiện Gói thầu số 23 của Dự án, nhưng sau đó, Công ty Thái Sơn đã chuyển nhượng toàn bộ khối lượng công việc này cho Công ty TNHH MTV Vạn Tường thực hiện, vi phạm Khoản 8a Điều 89 Luật Đấu thầu về các hành vi bị cấm trong đấu thầu.

TTCP cũng cho biết, trước khi lập dự án và quyết định đầu tư, Bộ GTVT đã không rà soát, tổng hợp cân đối kế hoạch bố trí vốn thanh toán cho các dự án, đảm bảo bố trí vốn đúng kế hoạch và hiệu quả, tránh gây thiệt hại cho Nhà nước và doanh nghiệp dự án. Đến nay, Dự án Khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 vẫn chưa được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt kế hoạch bố trí vốn trung hạn để thanh toán cho phần BT. Theo hợp đồng BT, Bộ GTVT phải thanh toán toàn bộ vốn và lợi nhuận cho Nhà đầu tư từ năm 2018 - 2022, trong khi bộ này đã và đang phải thực hiện nhiều dự án BT khác như Quốc lộ 20 đoạn Dầu Giây - Bảo Lộc; đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan...

TTCP khẳng định, công tác quản lý đầu tư xây dựng công trình tại Dự án Khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 đoạn Km123+105,17 đến Km268+000 có nhiều thiếu sót, sai phạm như: việc lập dự toán, áp dụng định mức, đơn giá, thiết kế, ký kết hợp đồng, hoàn công, nghiệm thu thanh toán… theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước cần phải xử lý với tổng số tiền hơn 18 tỷ đồng. Các sai phạm đã được các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm toán phát hiện, kiến nghị… nhưng chưa được Bộ GTVT kiểm tra, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm để xử lý theo quy định.

Theo kết quả thanh tra của TTCP, chênh lệch tăng sai tại các gói thầu số 23 của Dự án (phần BOT) gần 300 triệu đồng, tại Gói thầu XL2.1, XL2.2, XL2.9 thuộc Dự án (phần BT) cần phải điều chỉnh giảm khi quyết toán là 836 triệu đồng; việc xác định giá trị thu hồi quyền thu phí Trạm Bảo Lộc chưa đúng quy định gần 285 triệu đồng. Ngoài ra, tiến độ huy động, góp vốn của nhà đầu tư cho Dự án chậm, đến hết quý IV/2016 (sau 9 tháng kể từ khi ký hợp đồng), Công ty Thái Sơn mới góp được 106.411/164.258 triệu đồng, đạt 64,78% vốn chủ sở hữu theo yêu cầu; tiến độ xây dựng của Dự án chậm gần 1 năm so với quyết định đầu tư.

TTCP kết luận, trách nhiệm về các sai phạm nói trên thuộc về Lãnh đạo Bộ GTVT, Ban QLDA 7 và Công ty Thái Sơn.

Khánh Ngọc
Theo Đấu thầu

Từ khóa: