Sự kiện hot
9 năm trước

Dự án nhà ở hơn 14 năm chưa khởi công: Lời giải thích đã thuyết phục?

ĐS&TD- Sau khi Báo Đời sống & Tiêu dùng số 103 đăng tải nội dung phỏng vấn với ông Văn Công Quốc Anh, Chánh Văn phòng Ban quản lý dự án 245 về những bất cập trong Dự án xây nhà ở cho CB, giảng viên của trường ĐH Quốc Gia, nhiều người tham gia góp vốn tỏ ra khá bức xúc vì cho rằng những giải thích này vẫn chưa thỏa đáng.


Nhiều lần những người tham gia góp vốn đã kéo lên trường ĐHQG để mong nhận được những ý kiến trả lời trực tiếp, thẳng thắn, rõ ràng.

Trao đổi với phóng viên, một người dân tham gia góp vốn cho biết, khi dự án đã được Thủ tướng chấp thuận cho đầu tư, UBND TP.HCM ra quyết định giao đất cho dự án với tổng diện tích là 80,3 ha. Trước đó, UBND TP đã ra quyết định thu hồi đất của các chủ đất cũ, tạm giao cho Công đoàn Đại học quốc gia (ĐHQG) TP.HCM, từ đó BQL cũ phải thực hiện việc thương lượng và bồi thường cho các chủ đất cũ,chỉ khi đạt được 80% tổng diện tích của dự án thì Thành phố mới ra quyết định giao đất chính thức.

Tất cả các công việc đó đều đã được thực hiện đầy đủ, đúng pháp luật nên Công đoàn ĐHQG đã có được 80,3 ha.

Như thực tế đã thấy, trên khuôn viên 80,3 ha đó không có đất công, và Công đoàn ĐHQG cũng không được ngân sách nhà nước cấp 1 đồng nào, cũng không phải vay của bất kỳ tổ chức tín dụng hay cá nhân nào để đền bù và giải toả, mà quĩ đất 80,3 ha ấy hoàn toàn dùng tiền của bà con đóng góp để đền bù và giải toả, EDICO không góp 1 đồng nào.

Năm 2014, UBND TP HCM ra quyết định điều chỉnh lại diện tích của dự án chỉ còn gần 65ha, cắt 15ha giao cho EDICO trong khi UBND TP chưa thực hiện các bước đi pháp lý như tạm thu hồi đất của dự án để giao cho EDICO thực hiện việc thương lượng thực hiện và đền bù cho dự án theo đúng qui định của luật pháp tại thời điểm năm 2014, BQL245 chưa thực hiện xong việc giao đất cho người góp vốn hợp pháp là bà con theo đúng kết luận của TTCP và theo chỉ đạo cấp trên nên Thành phố chưa có quyền cắt đất của dự án để giao cho EDICO. UBND TP HCM chỉ được phép cắt đất của dự án khi ĐHQG đã giao đủ nền cho những người đã góp vốn hợp pháp theo hợp đồng đã ký với BQL cũ, và chỉ khi còn dư đất thì số đất dư ấy mới thuộc quyền điều chuyển của UBND TP HCM”.

Nhiều người cho rằng lời giải thích về ĐHQG không được lợi gì từ dự án này là không thỏa đáng. “Nếu không được lợi gì và chỉ là đại diện pháp lý cho bà con thực hiện dự án thì tại sao lại cắt 344 nền đất do bà con góp tiền mà không hề hỏi ý kiến họ và lấy tư cách gì để ĐHQG ra giá cho EDICO một cách “rẻ mạt” đến như vậy, chỉ hơn 600.000 /m2đất? So với giá thị trường và với giá bà con đã nộp thì tiền bán chênh lệch sẽ chui vào đâu? Tại sao họ lại đương nhiên được hưởng lợi như vậy, còn bà con vì sao lại bị thiệt hại vô cớ?”

Sau khi ký hợp đồng và đóng tiền đợt 1, có một số người góp vốn do không đủ tiền đóng tiếp hoặc đi làm việc, định cư ở nước ngoài nên đã chào bán hoặc sang nhượng lại cho người khác. Điều này hoàn toàn hợp lý thì lại bị Thanh tra Chính phủ và và UBND TP.HCM coi là đầu cơ để thu lợi bất chính.

Nhưng công ty EDICO suốt 13 năm không góp đồng vốn nào mà còn 3 lần chào bán ra thị trường và đã “thu lợi bất chính” ngay từ tháng 2/2002 mà không hề bị xử lý gì, còn được tạo nhiều điều kiện để họ lấy được đất, hợp thức hóa và đem bán.

“Tiền thì đã thu đủ từ hơn 10 năm trước,đất thì giao cho người khác với giá rẻ mạt như cho không,quyền lợi của hơn 1000 bà con thì buông lơi muốn đến đâu thì đến,vậy đây có phải là bội tín để thu lợi đối với bà con nhiều nền?”- người tham gia góp vốn nói.

“ĐHQG lập ra Ban liên lạc để nói là thông tin kịp thời, minh bạch cho bà con, nhưng trên thực tế, mỗi văn bản của các cấp trên đều chỉ được ĐHQG cung cấp cho bà con sau từ 3 đến 6 tháng, nhiều văn bản bà con phải tự đi tìm kiếm mà có, và đến thời điểm này nhiều văn bản bà con chưa được biết. Vậy thì có thể gọi là thông tin kịp thời không?


Kết luận của Thanh tra Chính phủ và những giấy tờ có liên quan

Các dữ kiện liên quan đến dự án, khi BQL 245 nhận bàn giao từ BQL cũ đều không được công khai dù bà con nhiều lần đòi hỏi. Trong khi đó, BQL 245 lại nhiều lần thông tin miệng về việc bắt bà con nộp thêm số tiền bằng với số tiền đã nộp từ năm 2001 mà không đưa ra lý do. Vậy phải chăng ĐHQG cố tình không công khai tài chính để dễ bề bắt ép bà con góp thêm tiền,và như vậy có được coi là minh bạch không?”, một người tham gia phản bác về những lời giải thích của ông Quốc Anh.

Những chủ đầu tư này cùng tiếng nói: “ĐHQG luôn một mực cho rằng một số bà con cố tình hiểu sai ĐHQG nên khiếu nại lung tung khắp nơi, gây khó cho ĐHQG, từ đó quy chụp họ là những người phá rối, làm chậm tiến độ của dự án. Vậy tại sao ĐHQG không tổ chức đối thoại và công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận, làm cho bà con quá bức xúc kéo lên trường yêu cầu làm rõ thì Ban lãnh đạo lại tìm cách lẩn trốn.

Khi không trốn tránh được thì lại trả lời vòng vo,cố tình kéo dài thời gian cho đến hết buổi để thoái thác trả lời, không chịu ký vào biên bản làm việc để lẩn trốn trách nhiệm? Hứa với bà con nhiều điều nhưng đều không thực hiện. Đó phải chăng là cung cách làm việc nhất quán của ĐHQG từ sau thanh tra đến tận bây giờ và ĐHQG vẫn sẽ tiếp tục như thế cho đến bao nhiêu năm nữa?”.

Ngoài ra, những người tham gia góp vốn còn cảm thấy “ấm ức” khi tổ công tác của Thanh tra Chính phủ và UBND TP HCM chỉ thị cho ĐHQG điều chuyển tài sản hợp pháp của công dân cho một “công ty tư nhân thiếu tư cách” là Edico.

Một chủ đầu tư giải thích: “ĐHQG đã nhiều lần không công nhận quyền được tham gia đầu tư của Edico, nhưng tiếc thay, sau năm 2013, BQL 245 lại “đổi giọng” nói ngược, từ chối quyền quản lý 80,3 ha,thẳng thừng đồng thuận cắt 15ha cho EDICO. Mà trong đó, việc Edico chẳng hề có ý định tham gia đầu tư thì có giấy tờ quá rõ ràng. Đặc biệt, trong Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ không hề đề cập tới việc xử lý số nền vượt 1 nền của các bà con là nhân viên của trường ĐHQG,vậy tại sao ĐHQG lại lấy số nền mà họ đã góp tiền đầu tư giao cho Edico? Ở đây, ĐHQG có đủ cơ sở để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của số ìa con đó thì trường vẫn bỏ mặc”.

Còn nhiều điều cần làm sáng tỏ xung quanh điều mà bà con "bị lừa hợp pháp" tuy nhiên, phía những người tham gia góp vốn vẫn mong nhận được câu trả lời chính thức bằng văn bản từ phía Ban dự án 245 của trường ĐHQG. Ngoài ra, những người tham gia góp vốn còn thể hiện mong muốn của mình được đối thoại trực tiếp từ nhiều phía có liên quan để nhanh chóng làm rõ và kết thúc vụ việc.

Thanh Huyền

Từ khóa: