Sự kiện hot
5 năm trước

Dù có 4.0, robot vẫn không thể 'cướp' việc của nhân sự ngành ngân hàng

Dù xu hướng số hóa ngân hàng ngày càng tăng nhưng nhu cầu nhân lực ngành vẫn gia tăng do nhu cầu giao tiếp giữa con người với con người và thực tế máy móc vẫn không thể thay thế hoàn toàn công việc của con người.

Nhân lực ngành tài chính - ngân hàng vừa thiếu vừa yếu

Tại hội thảo "Phát triển nhân lực ngành tài chính – ngân hàng trong kỉ nguyên 4.0" do Thời báo Kinh tế Sài Gòn phối hợp với trường đại học Hoa Sen tổ chức ngày 6/8 tại TP HCM, ông Trần Minh Hùng, Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn, nhận định các ngân hàng đang trong giai đoạn chuyển mình đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0. 

Các tổ chức này đang đầu tư rất lớn để có công nghệ quản lí, nâng cao chất lượng dịch vụ và họ gặp không ít thách thức. Một trong những thách thức mà ngân hàng gặp phải đó là vấn đề nhân sự.

Đồng quan điểm ông Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo Kinh tế Quốc tế, Giám đốc chương trình Dự báo nhân lực, cho rằng đại đa số sinh viên sau khi tốt nghiệp đi làm chỉ đạt yêu cầu 20- 25% tại các ngân hàng còn "hổng" cả về kĩ năng như thái độ làm việc, kĩ năng làm việc với mọi người, trình độ tiếng Anh, khả năng giao tiếp và kiến thức.

Do đó, hầu như các ngân hàng đều phải mất thời gian đào tạo lại mới có thể đáp ứng được yêu cầu công việc. Một số lĩnh vực chuyên sâu thiếu rất nhiều nhân lực và các ngân hàng phải mất nhiều chi phí để thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn, thực hiện.

0ac1ce769ec97a9723d8
Bà Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen phát biểu tại hội thảo "Phát triển nhân lực ngành tài chính – ngân hàng trong kỉ nguyên 4.0" diễn ra ngày 6/7 tại TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh.

Khảo sát tại các ngân hàng Việt Nam cho thấy, có 3 vị trí rất khó tuyển dụng hiện nay là quản trị rủi ro, quản lí và đầu tư. 

Nguồn nhân lực ngành ngân hàng hiện nay vẫn có một thực tế là vừa thiếu vừa yếu. Đặc biệt, khối kiến thức bổ trợ như công nghệ thông tin, ngoại ngữ yếu và kiến thức ngành, giao tiếp hạn chế. 

Hầu hết ngân hàng thương mại cổ phần qui mô trung bình trở xuống thiếu đội ngũ quản trị điều hành, lãnh đạo cấp chi nhánh, phòng giao dịch.

Theo đó, ông Tuấn dự báo đến năm 2020 - 2025, nhu cầu nhân lực cấp cao ngành tài chính ngân hàng tăng 20%/năm. Do đó, các cơ sở đào tạo không đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực thì lực lượng lao động chất lượng cao trong ngành sẽ thiếu trầm trọng.

Cụ thể, tại TP HCM, nhu cầu nhân lực nhóm ngành tài chính - ngân hàng đến năm 2025 chiếm tỉ trọng 5% tổng số chỗ làm việc cần tuyển hàng năm (khoảng 15.000 lao động) trong đó trình độ đại học trở lên, cao đẳng chiếm tỉ lệ 80,4% nhu cầu tuyển dụng.

Đáng chú ý, theo các chuyên gia gân hàng Việt Nam sẽ phải chịu áp lực lớn hơn với việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đối mặt với nguy cơ dịch chuyển, "chảy máu" nguồn nhân lực chất lượng cao sang các tổ chức tín dụng nước ngoài khi cuộc đua "chuyển đổi số" ngày càng mạnh mẽ.

Máy móc vẫn không thể thay thế nếu nhân sự đủ giỏi

Ông Trần Anh Tuấn cho rằng nhân sự trong ngành ngân hàng tài chính cần rất nhiều yếu tố, kĩ năng. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất vẫn là đạo đức nghề nghiệp và phải thực sự nghiêm túc.

Bởi theo ông Tuấn: "Dù có 4.0, robot có thể thay thế con người làm nhiều việc nhưng không thể so với con người ở yếu tố đạo đức và nhận thức"

Kĩ năng thứ hai là công nghệ và an toàn thông tin. "Nhân sự ngành ngân hàng phải giỏi về con số, về tri thức để tương tác với robot, với các công nghệ hiện đại để làm việc hiệu quả", ông Tuấn nói.

Ngoài ra, để bước vào thị trường lao động, đặc biệt trong ngành ngân hàng, nhân sự cần phải có những yếu tố khác như kiến thức về nghề, kỉ năng bao gồm kỉ năng giao tiếp và làm việc nhóm, có kỉ luật, biết ứng dụng khoa học công nghệ và sử dụng được ngoại ngữ.

Đồng nhận định về việc không quá lo ngại trước nguy cơ "cướp việc" của máy móc, bà Nguyễn Thị Tố Uyên, Phó Giám đốc khối nguồn nhân lực, Giám đốc nhân sự Ngân hàng thương mại Sacombank, chia sẻ: "Công nghệ hướng đến câu chuyện tăng hiệu quả, giúp con người tiết kiệm chi phí, thời gian để đầu tư cho nghiên cứu nhiều hơn, dành nguồn lực chăm sóc khách hàng thay vì thực hiện các công việc thủ công như nhập số liệu.

Khi kinh doanh ngành ngân hàng, nhân sự cần phải luôn ý thức mạnh mẽ thách thức của kỉ nguyên 4.0, do đó cần thay đổi trong cách thức vận hành kinh doanh để bắt kịp xu thế và không ảnh hưởng tiêu cực từ xu thế này như việc lo ngại công nghệ sẽ "cướp mất" công việc của con người".

Ông Nguyễn Hải Triều, Giám đốc Kinh doanh Ngân hàng HSBC Việt Nam, dẫn lời lãnh đạo ngân hàng HSBC Việt Nam rằng việc ứng dụng công nghệ hỗ trợ rất lớn sự phát triển của ngân hàng nhưng thực chất việc ngân hàng đó phát triển ra sao vẫn phụ thuộc vào con người. 

Tuy nhiên, "Để tham gia được vào doanh nghiệp nước ngoài và phát triển nhanh thì việc đầu tư công nghệ hiểu biết công nghệ là cực kì quan trọng. Có những nhân sự trong ngành phải xử lý cùng một lúc cả 7 hệ thống, nếu không am hiểu công nghệ, thực sự rất khó làm việc', đại diện Ngân hàng HSBC Việt Nam chia sẻ.

7387163e4681a2dffb90
Bà Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen phát biểu tại hội thảo "Phát triển nhân lực ngành tài chính – ngân hàng trong kỉ nguyên 4.0" diễn ra ngày 6/7 tại TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Tuấn, Giám đốc Dịch vụ Tài chính và Ngân hàng của Navigos, nhận xét, Việt Nam trong những năm qua trở thành điểm thu hút vốn đầu tư rất lớn ở châu Á, nguồn vốn FDI tăng trưởng tốt. Điều này có ảnh hưởng lớn đến nguồn lao động và nhu cầu tuyển dụng các ngành, trong đó có ngân hàng, đều tăng trong những năm vừa qua.

Ngành tài chính ngân hàng đang rất cần những ứng viên giỏi ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Nhật, những nhân sự có kinh nghiệm trong ngành có thể thích ứng được trong thời đại số.

Do đó để đáp ứng được nhu cầu của thị trường nhân sự, sinh viên cũng nên xác định lộ trình nghề nghiệp rõ ràng và chủ động tìm những xu hướng mới và thích ứng với sự thay đổi. 

"Doanh nghiệp và nhà trường nên liên kết chặt chẽ với nhau để tạo ra nguồn nhân lực làm việc hiệu quả nhất. Về phía chính quyền, cần đơn giản hóa qui trình đào tạo để sinh viên thích nghi hơn với sự thay đổi của thị trường nhân lực", đại diện Navigos nhấn mạnh.

Như Huỳnh

Theo Kinh tế & Tiêu dùng, Vietnambiz

Từ khóa: