Sự kiện hot
12 năm trước

Dự thảo sửa đổi Luật Thuế TNCN: Chưa tính đến quyền lợi người nộp thuế

Có quá nhiều điểm bất hợp lý trong dự thảo sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) vừa được Bộ Tài chính công bố và đưa ra lấy ý kiến các bên liên quan.

Có quá nhiều điểm bất hợp lý trong dự thảo sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) vừa được Bộ Tài chính công bố và đưa ra lấy ý kiến các bên liên quan.

Ngay sau khi dự thảo được công bố, ý kiến các chuyên gia tài chính, thuế đều cho rằng dự thảo đã chưa tính đến quyền lợi của người nộp thuế, trong khi tư duy làm luật quá lỗi thời.

Không theo kịp thực tế

Luật gia Vũ Xuân Tiền - Chủ tịch HĐQT Cty tư vấn VFAM Việt Nam - nêu câu hỏi: “Vì sao Luật Thuế TNCN liên tục phải chỉnh sửa?”. Chuyên gia này đồng thời trả lời: “Là vì luôn không theo kịp thực tế cuộc sống”. Ông phân tích: Khi bắt đầu thực hiện luật từ 1.7.2009, nhưng việc đưa ra mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) 4 triệu đồng/tháng được tính toán từ năm 2007 đã nhanh chóng bị lạc hậu so với tốc độ tăng CPI. Dự thảo lần này đưa ra mức GTGC 6 triệu đồng/tháng với người nộp, 2,4 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc, tưởng là tăng lên, nhưng không có gì đảm bảo đến năm 2014 sẽ không thay đổi và lại tiếp tục lạc hậu, nếu căn cứ vào tốc độ tăng của chỉ số lạm phát. Luật gia Tiền cho rằng, nếu áp dụng ngay từ năm 2013 là vừa vặn. Bên cạnh đó, mức GTGC cũng không nên áp cứng với số tuyệt đối là 6 triệu đồng/tháng như dự thảo. Thay vào đó nên căn cứ vào mức lương tối thiểu để điều chỉnh.

Cục thuế TPHCM hướng dẫn về thuế cho tổ chức, cá nhân. Ảnh: T.L

Đồng tình với quan điểm của luật gia Tiền, TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính - cho rằng, đến năm 2014 chắc chắn sẽ lại phải sửa, dù Bộ Tài chính khẳng định mức giảm trừ này tương đương 1,7 lần mức GDP bình quân đầu người tính cho năm 2014 và gấp 3,6 lần mức lương tối thiểu áp dụng cho đối tượng là cán bộ, công chức. “Nếu đã như vậy, sao Bộ Tài chính không quy định mức giảm trừ gia cảnh bằng 3,6 lần lương tối thiểu đi” - ông Long lập luận.

Dưới quan điểm của người làm thuế, bà Nguyễn Thị Cúc - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế VN - cho rằng, quan điểm về thuế TNCN hiện nay là cần tạo điều kiện cho mọi người dân đều thấy nghĩa vụ và quyền lợi nộp thuế. Vì vậy, không nên căn cứ nhiều vào lạm phát để điều chỉnh mức giảm trừ. Việc quy định nâng mức giảm trừ theo dự thảo, thì người dân được lợi, nhưng Nhà nước lại giảm thu ngân sách, vì vậy phải tính toán kỹ để đảm bảo lợi ích của cả người dân lẫn Nhà nước.

Nên dãn bậc thuế

Một bất hợp lý nữa trong dự thảo sửa đổi Luật Thuế TNCN được các chuyên gia chỉ ra là sự dãn cách giữa các bậc thuế quá dày. Từ 0-5 triệu đồng mức thuế suất 5%, nhưng trên 5 triệu đến 10 triệu đồng đã phải chịu mức thuế 10%. Tương tự, thu nhập của người dân chỉ trên mức 10 triệu đồng một chút đã phải chịu mức thuế tới 15%. Trong khi theo thống kê, mức thu nhập này chiếm số đông người làm công ăn lương chịu thuế.

Bà Nguyễn Thị Cúc cho biết: Nên điều chỉnh bậc tính thuế để phù hợp với mức GTGC. Nếu mức GTGC tăng 50% (từ 4 lên 6 triệu đồng và từ 1,6 lên 2,4 triệu đồng), thì bậc thuế cũng cần điều chỉnh tương ứng. Như mức từ 5-10 triệu đồng có thể chuyển thành 5-15 triệu đồng. Đồng thời dãn cách các biểu thuế suất để vừa động viên người nộp thuế tự giác chấp hành, vừa có biểu thuế rõ ràng, minh bạch. Luật gia Vũ Xuân Tiền cho rằng, để công khai, minh bạch trong việc nộp thuế, tránh thất thu thuế, cơ quan xây dựng chính sách cần xây dựng được biểu thuế hợp lý, khoa học, không nên chia nhỏ mức thuế như hiện tại, cần tăng độ dãn cách giữa các bậc thuế suất và chỉ nên giữ lại các bậc thuế 10%, 20%, 30%.

Hồng Quân
Theo Lao dong

Từ khóa: