Sự kiện hot
7 năm trước

Đũa gỗ sơn bóng có an toàn cho người sử dụng?

Đũa là vật dụng không thể thiếu trong bữa cơm của người Việt. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách dùng đũa ăn để không gây hại cho sức khỏe nhất là khi hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại đũa gỗ được phủ một lớp sơn bóng loáng. Thực tế, đây là đũa ăn phủ sơn công nghiệp và nó không hề "thân thiện" với sức khỏe.

Nhiều người tiêu dùng cho rằng đũa gỗ ít độc hại và dễ sử dụng hơn các loại  đũa nhựa vì gỗ tự nhiên tiếp xúc với thức ăn sẽ an toàn hơn. Tuy vậy, hiện nay việc để có gỗ tự nhiên làm những đôi đũa có màu đẹp và sáng ở ngoài là rất khó. Theo ý kiến của chuyên gia, gỗ tự nhiên vừa đắt lại hiếm không thể đều màu và đen bóng như nhiều sản phẩm với giá thành rẻ vẫn bán ngoài thị trường hiện nay. Vì thế, không tránh khỏi các cơ sở sản xuất đũa dùng các loại sơn công nghiệp và đánh vecni để tạo vẻ bóng đẹp, màu giả gỗ và chống mốc cho các loại đũa này. Đó cũng là nguyên nhân khiến các đôi đũa bị nhạt dần màu sau thời gian sử dụng. Tuy nhiên, việc dùng các loại sơn này như lớp bảo vệ bên ngoài để tạo độ bóng, tạo màu giả gỗ đều độc hại, mức độ tùy thuộc vào loại hóa chất và nồng độ hóa chất mà họ sử dụng.

Ngoài ra, những loại gỗ, hay tre nứa kém chất lượng hay bị mốc và xấu. Do đó, nhiều cơ sở khi sản xuất ra các loại đũa này đều phải tráng qua lớp vecni sơn bóng lên cho đẹp mã. Khi dùng các loại sơn vecni sẽ tạo cho đôi đũa có màu đồng nhất, chứ gỗ không thể đồng màu được. Thực tế có nhiều loại sơn phủ nhưng do muốn có lợi nhuận cao, nhiều nhà sản xuất chọn loại sơn phủ nhanh hay một số chất bột tạo màu với giá thành rẻ.

Về nguyên tắc, không được sơn bất cứ thứ gì lên trên bát đĩa hay đũa bởi các chất này có thể bị thôi ra trong một điều kiện hay nhiệt độ nào đó, nhất là các đồ dùng trong thực phẩm. Sơn và vecni là các hợp chất hữu cơ, vì thế có những thành phần độc cho sức khoẻ con người.Ví dụ, sơn sẽ có các oxit kim loại và màu. Khi bị phai ra và ăn vào dạ dày, các axit trong cơ thể sẽ tác động đến kim loại và ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Còn vecni được pha chế thêm từ cồn hoặc dung dịch, hóa chất khác để sơn lên đồ gỗ. Các chất này cũng rất ít khi được sử dụng trong thực phẩm. Nhưng để làm cho đũa có chất lượng cao hơn, không bị ngấm nước, nhà sản xuất đã bỏ qua những điều này.

Kể cả với những đôi đũa gỗ được phủ các lớp màu sắc cũng rất dễ nhiễm độc do lớp sơn trên đũa bị phân hủy cùng với thức ăn. Bởi lớp sơn màu sắc trên những đôi đũa dễ bị phôi ra trong một điều kiện nhất định hay nhiệt độ nào đó, nhất là khi được dùng trong thực phẩm. Những loại hóa chất tạo màu hay tạo độ bóng có hại cho sức khỏe cơ thể, đặc biệt là đối với dạ dày cũng như đối với trẻ nhỏ.

Hiện nay, chưa có quy định nào về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm đũa như sử dụng loại sơn nào hoặc chất liệu ra sao. Do đó, để đảm bảo sức khỏe của bản thân và gia đình, người tiêu dùng khi sử dụng đũa cần lưu ý.

Không nên dùng các loại đũa làm bằng gỗ được phủ sơn bóng vì trong sơn có chứa các kim loại nặng tạo màu gây đột biến nhiễm sắc thể, ung thư. Tốt nhất nên chọn đũa gỗ tự nhiên như gỗ tre già, dừa già hay gỗ mun được vót trơn láng, đầu đũa không bị tưa, không có khe lõm.

Trong quá trình sản xuất và vận chuyển, đũa dễ bị nhiễm virus, vi khuẩn hay một chất hóa học nào đó. Vậy nên, với đũa mới mua trước tiên phải rửa sạch bằng nước, luộc trong nước nóng trong nửa giờ, phơi khô rồi mới đem ra sử dụng. Khi mọi người sử dụng đũa, mỗi ngày đều phải quan sát bề mặt đũa có các vết mốc hay không. Nếu trên đũa tre hoặc đũa gỗ có xuất hiện các chấm đen, chứng tỏ đũa đã bị nhiễm khuẩn, không còn dùng được nữa. Nhiều loại nấm mốc, nhẹ thì gây ra các bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy, ói mửa. Nặng thì bị ung thư do trong đũa mốc có sinh sản ra “aflatoxin”, chất này đã được xác nhận có thể gây ung thư gan.

Đũa gỗ là môi trường sống ưa thích của nấm mốc, hơn nữa chỉ cần môi trường ướt, độ ẩm đạt mức độ nhất định và chỉ cần một thời gian là có thể sinh sôi. Dùng đũa quá lâu khiến lượng nước trong đũa quá cao. Vì đũa được tái sử dụng nhiều lần, rửa nước nhiều lần, rất dễ trở thành nơi cho vi khuẩn sinh trưởng và phát triển như vi khuẩn tụ cầu vàng, E.coli… Hãy ngửi thử đũa, nếu có vị chua rõ rệt, chứng tỏ đũa bị nhiễm bẩn, hãy bỏ ngay lập tức. Chú ý, đũa không được rửa sạch bằng xà bông và lau khô dễ bị vi khuẩn, vi nấm độc trong môi trường sẽ bám vào đồ ăn còn sót trên đũa và có nguy cơ lây vào thức ăn khi dùng đũa sau đó.  

Ngoài ra người tiêu dùng cũng không nên dùng đũa lâu ngày, quá thời gian cho phép có thể sinh sản ra nhiều loại nấm mốc, nhẹ thì gây ra các bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy, ói mửa. Nặng thì bị ung thư do trong đũa mốc có sinh sản ra “aflatoxin”, chất này đã được xác nhận có thể gây ung thư gan. Thông thường các loại đũa được làm từ đũa tre, gỗ có hạn sử dụng là 3-6 tháng/lần. Do đó, bạn nên thường xuyên thay đũa và lựa chọn những loại đũa có nguồn gốc rõ ràng để không gây nguy hại đến sức khỏe.

Hoàng Nhung

Từ khóa: