Sự kiện hot
13 năm trước

Đừng bóp nghẹt sáng tạo của người Việt trẻ!

Từ câu chuyện cuốn sách "Sát thủ đầu mưng mủ" bị cấm xuất bản, những người trẻ tự vấn: Phải chăng, sự sáng tạo của họ đang bị bóp nghẹt bởi đám đông thủ cựu và giáo điều?

Từ câu chuyện cuốn sách "Sát thủ đầu mưng mủ" bị cấm xuất bản, những người trẻ tự vấn: Phải chăng, sự sáng tạo của họ đang bị bóp nghẹt bởi đám đông thủ cựu và giáo điều?

Những lối đi chênh vênh

Không phải ai cũng dễ dàng tìm thấy cho mình một đam mê, một ước mơ. Việc gìn giữ và vun trồng cho những đam mê, ước mơ ấy nảy nở, còn là cả một vấn đề. Vấn đề ấy càng khó khăn, gian nan hơn nữa, nếu những đam mê, mơ ước ấy có những khác biệt từ cái nhìn của cộng đồng. Với những người trẻ dám nghĩ dám làm, việc đi đến cùng với những đam mê đôi khi là lựa chọn những lối đi chênh vênh, không an toàn. Họ còn vấp phải muôn trùng sóng gió để đi đến cùng con đường mình đã chọn.

Khi mới du nhập vào Việt Nam, rock, hiphop, cosplay… đã từng bị cho là thứ văn hóa “tạp nham”, lố lăng, hay nhí nhố. Suốt một thời gian dài, những người trẻ đầu tiên mê rock, yêu thích hiphop, thích thú trong những trang phụ độc đáo phải chịu cái nhìn ghẻ lạnh của nhiều người. Không phủ nhận có những người chỉ chạy theo trào lưu, nhất thời chọn đó làm đồ trang sức để khoe mẽ, song gạt đi số ít ấy là những người thực sự đam mê. Họ hào hứng với sở thích của mình, cái gu của mình, chấp nhận bị “chụp mũ” để khẳng định cá tính. Cuối cùng thì thời gian cũng chứng minh, lần lượt những “trào lưu” tưởng chỉ là nhất thời hồ đồ ấy lại ngày càng bén rễ, trở thành những nét văn hóa lành mạnh trong đời sống.

Tâm sự về hiphop, Đoàn Thanh Tùng (Tùng Min) – thành viên nhóm nhảy Haley chia sẻ. “Rất ít người hiểu rằng hip hop là một đam mê và bọn mình dám theo đuổi đam mê ấy đến cùng. Không phải vì bọn mình thích những bộ quần áo khác người mà vì hip hop là một môn nghệ thuật. Để có được những bước nhảy đó, bọn mình đã phải tốn rất nhiều thời gian, công sức. Nhưng điều đó lại không được mọi người ghi nhận".

Không được mọi người ghi nhận, đó có lẽ là nỗi buồn lớn nhất với những người sẵn sàng đổ môi hôi, công sức, thậm chí là cả nước mắt vào những lối đi chênh vênh có tên “Đam mê”. Gần đây nhất, câu chuyện của họa sĩ trẻ Thành Phong khiến nhiều người không khỏi thất vọng. Thất vọng vì lại một lần nữa, những người trẻ không được nói hết ý kiến của mình. Dù có suy nghĩ kiểu gì, ý kiến kiểu gì thì cũng chỉ là “ý kiến”, không thể nào can thiệp hay ra quyết định cứu sống hay giết chết một đứa con tinh thần được thai nghén trong biết bao kì vọng.

Chàng họa sĩ trẻ chọn con đường sáng tác truyện tranh – một con đường ít người đi, nhiều thử thách với suy nghĩ đơn giản “Con người ta chỉ có thể làm tốt nhất với những việc mình yêu thích”. Vậy mà một tác phẩm đầy tâm huyết mủ của anh lại mau chóng bị “ngưng xuất bản”. Chưa thể nào khẳng định  nội dung cuốn sách có thực là phản cảm, không phù hợp với việc giáo dục thanh thiếu niên (?!) như một số người đưa ra để yêu cầu giải trình, ngưng xuất bản cuốn sách hay không, nhưng chắc chắn, đó là một nỗi buồn với chàng trai 25 tuổi – “người làm vườn” đang “cố gắng từng chút một để vun xới cho mảnh vườn nhỏ của mình thật tốt” như anh từng tâm sự.

Chưa tới ngày quả chín, mảnh vườn có thể bị đào xới, xâu xé, và cũng có thể bị hủy diệt bởi vì nó trồng những loài cây lạ. Những hành động bảo vệ mảnh vườn dường như còn quá yếu ớt.

Giới trẻ cần được tôn trọng


“Cá nhân tôi cho rằng, nội dung tác phẩm vậy là ổn, đây là chuyện giải trí bình thường, không có lý do gì để phải bận tâm về chuyện người thích người chê. Thiên hạ ai nấy cũng nói miệng là giỏi chứ ít ai làm đc như vậy.  Giới trẻ nếu nói là gian hồ, côn đồ thì phải coi lại sự giáo dục mà gia đình và xã hội đã mang lại, không thể đổ lỗi cho một vài cuốn sách. Số lượng truyện tranh với những cảnh bạo lực và nhạy cảm vẫn được các nhà xuất bán bán ra đều đều. Sao không ai ý kiến. Truyện tranh Việt Nam nét vẽ xấu, ăn cắp ý tưởng từ nhiều nguồn, lại được ủng hộ. Trong khi lâu lắm mới có một tác giả có nét vẽ khá lí thú như vậy. Nếu có ai đó nói rằng nó phá hỏng văn hóa ca dao tục ngữ của Việt Nam thì hãy coi lại… Muốn đạt được thành tựu, phải biết phá vỡ nguyên tắc” – độc giả Tyranosa

Một lần nữa, chuyện “phá vỡ những nguyên tắc” để đạt được thành tựu được nhắc đến. Tiếc rằng, mỗi lần “phá vỡ nguyên tắc”, rất có thể có những người trẻ đã gục ngã hoặc bị thương nặng vì bị va đập.

Cách đây hai năm, trong một lần tham dự một cuộc thi vũ đạo lớn dành cho giới trẻ, PV đã từng rất xúc động khi chứng kiến hai bậc cha mẹ lặn lội đưa con gái mình từ Hải Phòng lên Hà Nội tham gia sự kiện. Cô tâm sự, thấy con gái còn nhỏ nhưng thích nhảy nhót, lại là loại âm nhạc mà lúc đầu cô không “ưa” lắm nên cô cũng có lo lắng. Thế nhưng, càng trò chuyện và chứng kiến con tập, con vui, cô đã quyết định ủng hộ hết lòng. Không chỉ tạo điều kiện cho con tập nhảy, cô còn ủng hộ con về tài chính, theo sát con trong những lần dự thi. Kết quả, nhóm nhảy của con gái cô không đoạt giải cao, nhưng nhìn nụ cười của cô bé trong vòng tay của bố mẹ thì đủ biết, cô bé không buồn. Trái lại, cô bé ấy còn hạnh phúc, hạnh phúc vì được cha mẹ dõi theo và ủng hộ. Giá như, nhiều bậc phụ huynh, nhiều người lớn cũng có cái nhìn cảm thông, chia sẻ như thế với giới trẻ, với con em mình.

Tiến sỹ tâm lý giáo dục Nguyễn Lệ Hằng – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam: "Người lớn nên tôn trọng giới trẻ"

“Tôi cho rằng cuốn sách Sát thủ đầu mưng mủ thực ra không đáng lên án đến mức phải bị ngưng xuất bản vì nó không có gì ảnh hưởng tới văn hóa, đạo đức của người Việt Nam.
Giới trẻ hiện nay sử dụng lối nói có vần điệu như vậy (những thành ngữ trong cuốn sách)có thể không được đẹp nhưng liệu đã có ai dạy “thế nào là đẹp” đâu? Những câu chữ ấy là sự tồn tại có thật ngoài xã hội và chúng ta phải chấp nhận. 
Người lớn muốn uốn nắn thì phải đưa ra được một chuẩn mực nhất định thay vì “cấm”. Đó là một cư xử không hợp lý, nhất là với những người trẻ đầy nhạy cảm và cá tính. Chúng ta hãy biết lắng nghe thấu hiểu trước khi phê phán và nếu phê phán thì phải phê phán trên một chuẩn mực nào đó. 
Hành xử với giới trẻ cần phải có sự tôn trọng, Từ lắng nghe, thấu hiểu và tranh luận rồi mới đi đến quyết định cấm hay không. Nếu không, việc cấm ấy sẽ như một cái roi quất thẳng vào sự sáng tạo của người trẻ, ngăn trở sự phát triển những điều tốt đẹp. Ở đây, việc tranh luận phải dựa trên một chuẩn mực nào đó chứ không được dựa vào cảm tính và cũng không nên quá câu nệ vào những chuẩn mực ngày xưa. 
Người lớn nên tôn trọng giới trẻ và phải luôn là người bắt đầu bằng sự cở mở, tạo ra một cái nôi tinh thần đón đỡ cho sự trưởng thành và sáng tạo của người trẻ. Những cái mới vẫn thường bị phê bình, nhưng không phải cái nào mới cũng xấu. Việc cấm đoán sẽ bịt hết sự sáng tạo của người trẻ. Không quản được thì cấm chính là không tôn trọng giới trẻ. Kiểu giáo dục này có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Trước hết điều này sẽ khiến giới trẻ bị tổn thương và đối khi, khiến cho họ đang đi giữa ranh giới tốt  và xấu có thể sẽ nghiêng hẳn vể cái xấu. Ngược lại, nếu được tôn trọng, họ sẽ chọn hướng đi tốt hơn. 
Việc cấm đoán những thứ không quá ảnh hưởng đến đạo đức thì nên tạo ra diễn đàn, nên có sự trao đổi với người trẻ để có một định hướng sao cho hài hòa. Nhưng dẫu sao người lớn cũng không nên quá khắt khe nếu không sẽ khiến người trẻ chùn bước, thậm chí là thấy sợ và phản ứng”.

Quỳnh Anh
Theo Vietnamnet


Từ khóa: