Sự kiện hot
5 năm trước

Eximbank “lật kèo” kháng cáo, bà Chu Thị Bình rút hết 245 tỷ đồng

Mới đây đại diện ngân hàng Eximbank cho biết đã nộp đơn kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM về vụ làm “bốc hơi” 245 tỷ đồng của bà Chu Thị Bình.

Cuối tháng 11, Tòa án Nhân dân TP.HCM tuyên án 6 cán bộ của Eximbank phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong việc làm thất thoát 245 tỷ đồng tiết kiệm của bà Chu Thị Bình.

Đồng thời tòa án cũng tuyên Eximbank phải có nghĩa vụ hoàn tiền cho bà Bình, lãnh đạo Eximbank cũng đã đồng ý với phán quyết này và đưa ra cam đoan sẽ không kháng cáo với khẩu hiệu “Eximbank luôn đảm bảo quyền lợi khách hàng trước tiên”.

  Cho rằng bị “phản kèo”, Bà Chu Thị Bình đang xem xét rút tất cả các giao dịch ra khỏi hệ thống Eximbank
Cho rằng bị “phản kèo”, Bà Chu Thị Bình đang xem xét rút tất cả các giao dịch ra khỏi hệ thống Eximbank

Tuy nhiên, chưa đầy 1 tháng, đại diện ngân hàng cho biết đã chính thức nộp đơn kháng cáo lên tòa án nhưng không công bố lí do cụ thể. Phía đại diện ngân hàng cho biết việc nộp đơn kháng cáo được thực hiện sau những “cân nhắc” của các thành viên trong Hội đồng quản trị Eximbank nhằm hài hòa quyền lợi với lợi ích của cổ đông, nhân viên.

Quyết định bất ngờ này từ phía Eximbank khiến bà Chu Thị Bình vô cùng tức giận lập tức rút toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm 245 tỷ đồng trước thời hạn và tiếp tục đòi số tiền lãi phát sinh theo tỉ lệ lãi suất các kỳ hạn theo quy định. Qua đó, xem xét lại việc đưa toàn bộ các giao dịch thương mại, xuất nhập khẩu của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú ra khỏi Eximbank.

Chia sẻ với phóng viên, bà Chu Thị Bình cho biết hành động kháng cáo của ngân hàng là đi ngược lại những thỏa thuận mà hai bên đã đạt được trong thời gian qua, không chỉ gây đổ vỡ niềm tin của khách hàng mà còn thể hiện sự bất nhất, thiếu tôn trọng đối với các cam kết đã ký.

Theo nhận định của chuyên gia rất có khả năng là Eximbank thừa biết cấp phúc thẩm sẽ tuyên y án phiên sơ thẩm đưa ra, nhưng họ vẫn quyết định nộp đơn kháng cáo. Đây có thể là “chiêu bài” đưa ra nhằm trì hoãn hạch toán số tiền thất thoát này vào kết quả kinh doanh của năm làm cho báo cáo tài chính của ngân hàng xấu đi khi thời điểm kết thúc năm tài chính đã rất gần. Việc kéo dài thời gian bản án sơ thẩm giúp Eximbank có thêm thời gian trích lập dự phòng rủi ro cho khoản thất thoát tài chính này.

Mặc dù vẫn biết việc nộp đơn kháng cáo sau phiên Sơ thẩm là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, hành động “phản kèo” của Eximbank không đẹp chút nào trong mắt khách hàng và nhà đầu tư.

Hồng Nhi
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: