Sự kiện hot
9 năm trước

FANSIPAN hành trình chinh phục chính mình

ĐS&TD - Đỉnh Fansipan của Việt Nam cao 3.143m ở Sapa - Lào Cai nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn là ngọn núi cao nhất và còn được biết đến với tên gọi “Nóc nhà Đông Dương”, là điểm đến hấp dẫn của những chuyến du lịch mạo hiểm cho du khách trong nước và quốc tế. Sức hút của Fansipan không chỉ ở cảnh sắc hùng vĩ của núi non, của mây trời, của hệ động thực vật phong phú hay nhiều loại thảo dược quý giá. Với nhiều người, hành trình đến Fansipan không đơn thuần vì cảnh đẹp, vì muốn chạm tay lên vị trí cao nhất của ba nước Đông Dương, mà đó còn là hành trình để thử thách chính mình.

 

Hiện nay các tour leo núi Fansipan đã trở nên phổ biến, gói tour leo Fansipan 2 ngày hoặc 3 ngày là lựa chọn tối ưu cho những người leo núi không chuyên, đối với người leo núi chuyên nghiệp và có sức khỏe tốt thì chỉ mất trọn một ngày để đi lên và xuống.

Nghe thì có vẻ đơn giản vậy, nhưng những ai mới đi lần đầu sẽ thấy thấm mệt ngay chỉ sau chừng nửa giờ đi bộ, lội suối, leo núi liên tục.

Điểm xuất phát của chúng tôi cũng là điểm được hầu hết dân leo núi chọn lựa vì ít hiểm trở và dễ đi hơn, đó là Trạm Tôn, cách trung tâm thị trấn Sapa gần 10km. Chỉ qua khỏi văn phòng trạm kiểm lâm Trạm Tôn một đoạn ngắn, du khách sẽ rợp mắt bởi rừng thảo quả bạt ngàn, rồi lại đến những khu rừng đỗ quyên xanh mát với những chùm hoa trắng trên cao.

Thỉnh thoảng những cơn gió núi thổi thốc tới, làm rơi lác đác những cánh hoa trắng xuống đất để trang điểm cho con đường rừng thêm phần thi vị. Cảnh đẹp ven đường cũng giúp giảm bớt phần nào những mệt nhọc của du khách.

Tuy nhiên, đúng như ông bà ta xưa đã nói “đường xa thì cái bánh đa cũng nặng”, sau khoảng 3 giờ đi bộ, những bước chân mỏi nhừ trở nên nặng trịch, trên tay cầm có mỗi cái máy ảnh mà đôi lúc chỉ muốn quẳng đi luôn cho nhẹ bớt. Nhìn những porter người dân tộc vai đeo gùi với đủ thứ túi ngủ, thức ăn cùng balô của du khách chất cao vượt đầu, cứ thoăn thoắt bước trên những phiến đá mà ganh tị. Chính vì thế khi đến trạm nghỉ chân ở độ cao 2.200m để ăn trưa, nhiều người đã có chút phân vân về việc nên leo tiếp hay là đi trở xuống?.

Đoạn đường từ Trạm Tôn lên đỉnh Fansipan có hai trạm dừng chân ở độ cao 2.200m và 2.800m. Càng lên cao lại càng khó đi, đường núi nhỏ hẹp len qua rừng trúc lùn kéo dài như bất tận, giữa mênh mông núi rừng chỉ có tiếng xào xạc của rừng trúc cổ động cho những bước chân đang cố vượt qua thử thách.

Chúng tôi vượt hết đỉnh núi này đến đỉnh núi khác của dãy Hoàng Liên Sơn với nhiều phen thót tim, hú vía khi leo bám vào vách núi với vực thẳm dưới chân để trườn qua những đoạn đường núi vừa sạt lở do mưa bão.

Mà sau này, khi đi về chúng tôi mới biết còn nhiều con đường khác để đi ít nguy hiểm hơn, nhưng có lẽ cậu thanh niên dẫn đường của chúng tôi thiếu kinh nghiệm hoặc muốn chúng tôi có những trải nghiệm để đời nên vẫn theo cung đường cũ. Đi từ độ cao 2.200m đến trạm nghỉ ở 2.800 cũng mất hơn 4 giờ.

Những đôi chân không mấy quen với việc đi bộ đã bắt đầu chỉ bước theo quán tính và càng lên cao áp suất không khí thay đổi càng làm du khách nhanh mệt. Vì thế tần suất dừng lại nghỉ tăng liên tục, nhưng việc dừng lại nghỉ không chỉ vì mệt mà còn vì cảnh đẹp của trời mây, núi rừng hiện ra trước mặt khiến chẳng ai nỡ rời bước.

Cảnh mây núi trùng điệp, mây bồng bềnh ấp ôm núi tạo cảm giác mộng mị, huyền ảo như mơ và tưởng chừng như chỉ cần vươn tay ra là có thể chạm được vào mây. Những trận gió liên tục đưa những cụm mây trôi từ thung núi này qua thung núi kia như chơi trò đuổi bắt bất tận. No mắt với cảnh núi non, mây trời kỳ vĩ, chỉ cần du khách đưa mắt nhìn xuống là cảm quan thay đổi ngay lập tức bởi vô số loại hoa rừng đua chen khoe sắc, tỏa hương.

Dù bất cứ mùa nào trong năm, hoa dại trên núi cũng nhiều vô số kể mà tên gọi của phần lớn các loại hoa cả người dân bản địa cũng không thể biết hết. Và khi phóng mắt từ trên cao nhìn xuống, con đường đã đi qua uốn lượn trông như một con rắn khổng lồ bò trên đỉnh những ngọn núi.

Nhưng cũng không thể dừng nghỉ lâu vì chúng tôi phải tranh thủ đến trạm dừng chân nghỉ lại đêm ở độ cao 2.800m trước khi trời tối mịt. Vận chuyển vật liệu lên độ cao này để xây dựng không phải là chuyện đơn giản, nên trạm nghỉ chỉ được xây dựng sơ sài, nền xi măng lúc nào cũng đầy sình bùn.

Ngủ đêm trên sàn gỗ trong cái lạnh cắt da của núi cao không dễ chịu chút nào, tất cả những điều đó cùng với đôi chân sưng phù đầy vết phồng rộp vì vận động quá nhiều sau một ngày lội rừng, khiến trạm dừng 2.800 là điểm dừng chân cuối trong hành trình chinh phục Fansipan của nhiều người. Người bạn đồng hành cùng tôi từ Sài Gòn quyết định cùng đoàn khách Tây dừng bước, vì với bạn, đã biết leo núi là như thế nào, vậy là đủ.

Sáng hôm sau, mưa lất phất càng làm cái lạnh núi cao thêm tê tái, giữ ấm người trong mấy lớp áo len cùng bộ đồ đi mưa che kín, tôi cùng người dẫn đường tiếp tục hành trình lên độ cao 3.143m.

 

 

Đoạn đường lên đỉnh tuy chỉ còn vài trăm mét, nhưng đường dốc hơn và không khí loãng hơn làm từng bước chân nặng như đeo đá. Dù đã rất cẩn thận nhưng đá núi rất trơn bởi mưa rừng nên cả người ê ẩm bởi những cú trượt chân, té ngã. Vượt qua tất cả những điều đó, khi đặt chân và chạm tay trên đỉnh Fansipan, nghe gió hú bên tai, mắt nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn sẽ thấy sự kiên trì và nỗ lực là hoàn toàn xứng đáng.

Gần đây những thông tin về dự án xây dựng tuyến cáp treo Fansipan cũng khiến lắm kẻ buồn người vui. Vui vì nhiều người sẽ có cơ hội được đến với Nóc nhà Đông Dương. Buồn vì việc xây dựng có thể ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên, vì việc lên đến đỉnh Fansipan một cách dễ dàng như thế sẽ giảm đi ý nghĩa của hành trình. Hành trình chinh phục đỉnh Fansipan không phải là một tour nghỉ dưỡng, đó là một hành trình thử thách sức khỏe và ý chí của mỗi người.

Đi để có thể trải nghiệm cảm giác tự gây ấn tượng với bản thân, bằng việc vượt qua những ngưỡng giới hạn tưởng chừng như không thể. Và điều quan trọng nhất: phải đặt từng bước chân trên con đường rừng mới có thể chạm đến những vẻ đẹp bình dị mà thanh khiết đến nao lòng của những đóa hoa dại bên đường, hay những hồn nhiên chân chất của những đứa trẻ người dân tộc được sinh ra giữa hồn thiêng rừng núi.

PV

Từ khóa: