Sự kiện hot
11 năm trước

Gây dựng thương hiệu chè vằng

Chè vằng vốn là một loại dây leo rừng ở tỉnh Quảng Trị, người dân thường hái về nấu nước uống hàng ngày. Mới đây, sản phẩm này được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) công nhận thương hiệu.

Chè vằng vốn là một loại dây leo rừng ở tỉnh Quảng Trị, người dân thường hái về nấu nước uống hàng ngày. Mới đây, sản phẩm này được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) công nhận thương hiệu.

Làm thuê học nghề

Về thôn Định Sơn, xã Cam Nghĩa, chúng ta sẽ cảm nhận được hương vị đặc trưng bởi mùi thơm từ cao lá vằng (cây chè vằng được nấu thành cao làm nước uống). Nghề nấu cao lá vằng xuất hiện khoảng 10 năm lại đây, còn trước kia người dân chỉ hái lá về nấu uống thay cho nước chè. Người dân Cam Nghĩa có được nghề nấu cao chè vằng này là nhờ đi làm thuê ở các xã Tân Long, Tân Lâm, huyện miền núi Hướng Hóa. Tại đây, bà con thấy đồng bào lấy lá chè vằng về nấu cao uống, nước có hương vị thơm ngon. Nhận thấy ở quê mình loại cây vằng này rất nhiều, bà con bèn xin học nghề này.


Cây chè vằng được trồng thử nghiệm tại xã Cam Nghĩa.

“Gia đình tui nấu cao lá vằng gần 10 năm rồi. Để nấu được cao vằng không khó nhưng muốn nấu cao được thơm ngon, cất giữ lâu ngày thì không dễ. Chính vì vậy ngoài việc học nấu cao từ người khác, sau mỗi lần nấu mình phải rút ra được một ít kinh nghiệm để lần nấu sau cao vằng đạt chất lượng hơn” - bà Võ Thị Hãn (80 tuổi) một người có thâm niên trong nghề nấu cao lá vằng tại xã Cam Nghĩa, chia sẻ.

Ông Võ Văn Trọng (53 tuổi), một người nấu cao lá vằng chuyên nghiệp, cho biết: “Bình quân mỗi ngày gia đình tui nấu được 8 nồi cao vằng, thu được từ 5-9kg cao thành phẩm. Với giá bán tại lò khoảng 130.000 đồng/kg, sau khi trừ mọi chi phí, lãi 300-400 đồng. Nghề này xem vậy mà cho thu nhập cao”.

Thương hiệu cho chè vằng

Toàn xã Cam Nghĩa trên 50 hộ (cơ sở) nấu cao lá vằng. HTX Hồ tiêu Cùa là đơn vị đứng ra quản lý và trực tiếp bao tiêu sản phẩm của người dân. Mới đây, cao lá vằng tại xã Cam Nghĩa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp giấy chứng nhận.

Theo dân gian, uống lá vằng sẽ giúp thanh nhiệt, bổ huyết, kích thích tiêu hóa, tạo giấc ngủ sâu và tốt cho phụ nữ sau khi sinh. Đặc biệt sau khi cây chè vằng được nấu thành cao sẽ tiện lợi trong bảo quản.

“Cao lá vằng được công nhận là một niềm vui lớn cho người dân bởi từ nay nó có thể cạnh tranh lành mạnh với sản phẩm của các vùng khác. Đặc biệt hiện nay do thị hiếu của khách hàng rất cao, khi sản phẩm cao lá vằng của xã Cam Nghĩa có nhãn mác, thương hiệu sẽ thu hút khách hàng trên thi trường nhiều hơn” - ông Trần Hà - Chủ nhiệm HTX Hồ tiêu Cùa cho biết.

Hiện nay, sản phẩm cao lá vằng của xã Cam Nghĩa được tiêu thụ trong cả nước. Nhiều Việt kiều sau khi về nước thăm người thân, cũng chuẩn bị cho mình một gói quà cao lá vằng mang ra nước ngoài.

Ông Trần Hà cho biết: “Cao lá vằng của xã Cam Nghĩa hiện giờ đã có chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, cây lá vằng ngày càng khan hiếm. Hiện nay chúng tôi đang triển khai đề án trồng thử nghiệm 2ha cây lá vằng tại địa phương để chủ động nguyên liệu phục vụ nghề nấu cao lá vằng cho người dân tại địa phương”.

Vĩnh Định
theo Dân việt

Từ khóa: