Sự kiện hot
12 năm trước

Giá xăng giảm, cước vận tải lờ tịt

Chưa đầy một tháng, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm ba lần nhưng cộng lại vẫn chưa bằng tổng mức tăng của hai lần trước. Điều lạ là các DN vận chuyển cho rằng mức giảm đó vẫn chưa đủ "ngưỡng" để họ giảm cước vận tải.

Chưa đầy một tháng, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm ba lần nhưng cộng lại vẫn chưa bằng tổng mức tăng của hai lần trước. Điều lạ là các DN vận chuyển cho rằng mức giảm đó vẫn chưa đủ "ngưỡng" để họ giảm cước vận tải.

Giảm chưa thấm vào đâu!

So sánh việc ba lần giảm giá xăng dầu cũng chỉ gần bằng 2/3 mức tăng của các lần trước đó, chị Thu Hiền (ngõ 1, đường Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy) ngao ngán nói: "Tổng mức tăng của hai lần trước (vào ngày 7/3 và 20/4) là 3.000 đồng, còn ba lần điều chỉnh sau này tổng mức giảm là 1.900 đồng. Mức giảm này chẳng bõ bèn gì"!

Giá xăng giảm tiếp lần ba chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, tuy nhiên anh Phạm Đức Bình (kỹ sư công nghệ thông tin) cho rằng cũng không thấy vui. Anh Bình chia sẻ:  "Tôi thấy thông tin giá xăng dầu thế giới giảm và báo chí phải lên tiếng thì mới thấy động thái từ cơ quan quản lý điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, mức giảm một lần được vài trăm đồng mà còn phải xem xét nhiều ngày, còn tăng thì vụt một phát lên mấy nghìn. Điều này tạo cho người tiêu dùng cảm giác việc tăng giảm giá xăng khá mập mờ".

Không tiếc vì mới đổ gần 500.000 đồng tiền xăng cho ôtô của mình cách đây hai hôm, chị Nguyễn Thị Thủy, nhà ở ngõ 9, Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) còn nghi ngờ về khả năng giảm để lấy đà tăng tiếp thì mệt mỏi hơn.

Mỗi lần điều chỉnh giá xăng dầu là một lần các loại hàng hóa trên thị trường, chỉ số giá cả lại biến động theo. Chị Trần Thị Duyên làm việc công ty Hàn Quốc trên đường Đội Cấn, Ba Đình nói: "Xăng dầu giảm giá nhưng những mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, cước vận tải (đã tăng theo giá xăng dầu trước đó)... cũng đâu có giảm giá! Lý do thì quá rõ vì khi tăng nhiều họ phải tăng theo để đảm bảo chi phí vận chuyển, sản xuất không bị lỗ. Còn khi giảm thì quá ít nên họ cũng lấy lý do khó giảm theo vì vẫn chưa đủ bù vào chi phí. Với cách điều hành giá xăng dầu như này tôi cảm thấy người tiêu dùng vẫn sẽ chịu thiệt!"

Thậm chí, với mức giảm giá xăng dầu không thấm tháp vào đâu nhiều người còn cho rằng thà đừng giảm còn hơn! Anh Giang (đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy) bức xúc: "Có lẽ là không nên giảm giá. Bởi giá có xuống 800-1.000 đồng cũng không giải quyết được việc gì, vì chẳng có mấy hàng hóa, dịch vụ nào xuống giá theo nữa".

Tương tự, anh Trung (Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội) làm việc cho một hãng xe cho rằng mỗi lần giảm ít không thấm vào đâu so với tăng, chưa kể cái kiểu biến động xăng dầu cứ tăng, giảm rồi điều chỉnh liên tục khiến anh phải chạy theo làm đơn giá khoán xăng xe cho mấy anh em lái xe cũng phát mệt!

Chưa đến "ngưỡng" hạ cước vận tải

Ngay sau khi có thông báo giá xăng giảm từ 14 giờ chiều 7/6, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, cho biết giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh nhưng mức giảm chưa đủ "ngưỡng" để giá cước vận tải có thể hạ giá.

Theo ông Hùng, trong năm 2012, có hai đợt tăng giá xăng tổng cộng là 3.000 đồng/lít (đợt đầu ngày 7/3 với mức tăng 2.100 đồng/lít; đợt hai ngày 20/4 với mức tăng 900 đồng/lít), nhưng 3 đợt giảm giá chỉ có 1.900 đồng lít (ngày 9/5 giảm giảm 500 đồng/lít, ngày 23/5 giảm 600 đồng/lít, ngày 7/6 giảm 800 đồng/lít) cộng lại cũng chưa thể bằng đợt tăng giá xăng đầu nên giá cước vận tải sẽ không có sự điều chỉnh.

Ông Hùng cho rằng, việc giảm giá hai đợt như vậy chưa thể tác động nhiều đến các doanh nghiệp sản xuất, cũng như vận tải so với mức tăng giá hồi đầu năm. Sau ba lần điều chỉnh giảm giá xăng vẫn còn dương 1.100 đồng.

"Riêng vận tải hành khách và hàng hóa chạy bằng dầu diezen sau hai lần giảm vẫn chưa quay lại mức cũ nên chưa thể giảm ngay được," ông Hùng nói thêm.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng kỳ vọng việc Nhà nước hạ giá xăng dầu ba đợt liên tiếp trong thời gian ngắn cũng là tín hiệu đánh mừng đối với doanh nghiệp vận tải trong thời kỳ kinh tế khó khăn. Việc giảm giá xăng dầu giúp các đơn vị vận tải hồi sức và tái sản xuất mở rộng.

Đối với doanh nghiệp vận tải taxi, ông Hùng cho biết, sau khi xăng tăng hai lần một số hãng đã nâng giá cước. Hiện nay, với mức giảm giá xăng tổng cộng 1.900 đồng/lít có thể một số hãng sẽ điều chỉnh mức giá để tăng tính cạnh tranh, nhưng sẽ không nhiều.

Ông Hùng cũng nhận định, chi phí xăng dầu là yếu tố chính yếu trong kinh doanh vận tải (chiếm 45% chi phí đầu vào). Vì vậy, giá xăng dầu tăng giảm liên tục cần phải tính toán hợp lý, tránh tác động đến việc doanh nghiệp vận tải điều chỉnh giá cước.

"Chúng tôi kiến nghị doanh nghiệp cần phải cân nhắc giá cước bởi nếu nâng giá lên dân không chịu được sẽ kéo theo doanh thu thấp. Chỉ khi nào giá cước tăng giảm trên hoặc bằng 10% thì mới tính đến chuyện điều chỉnh giá cước," ông Hùng khẳng định.

Bên cạnh đó, ông Hùng cho rằng, việc nâng, giảm giá cước vận tải là một việc làm rất vất vả của các doanh nghiệp khi phải tính toán lại giá thành, đăng ký giá với cơ quan Nhà nước, phát hành vé, niêm yết giá cước...

Đồng tình quan điểm đó, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, cho rằng, mức xăng giảm như hiện nay sẽ chưa tác động nhiều đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp vận tải đồng thời sẽ không có hy vọng hạ giá cước.

Theo ông Liên, giá xăng dầu giảm không ảnh hưởng đến giá cước của các đơn vị vận tải bởi các doanh nghiệp vẫn chưa tăng giá cước mà vẫn cố gắng chịu đựng. Vì vậy, đợt giảm giá xăng dầu  lần này, giá cước vận tải sẽ không có sự biến động so với trước đây.

"Tuyến vận tải cố định giá vé không tăng sau hai lần tăng giá xăng nên giờ mức xăng có giảm cũng không ảnh hưởng. Duy chỉ có những doanh nghiệp đã tăng giá vé rồi sẽ phải ngó xem giá xăng có tiếp tục giảm nữa không thì mới có thể đưa ra những quyết sách," ông Liên bày tỏ quan điểm.

Ngoài ra, ông Liên cũng đồng tình với những chính sách trợ giúp doanh nghiệp vận tải để kìm và hạ giá xăng thông qua quỹ bình ổn giá xăng dầu; điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu xăng dầu về 0% rất phù hợp, kịp thời.

Theo Vietnamnet

Từ khóa: