Sự kiện hot
11 năm trước

“Giải cứu” doanh nghiệp bất động sản, nên hay không?

Tuần qua, dư luận "nổi" lên tranh luận nên hay không nên "giải cứu" thị trường bất động sản (BĐS). Cả "hai phía" đều đưa ra những phân tích, lập luận chặt chẽ để bảo vệ quan điểm của mình...

Tuần qua, dư luận "nổi" lên tranh luận nên hay không nên "giải cứu" thị trường bất động sản (BĐS). Cả "hai phía" đều đưa ra những phân tích, lập luận chặt chẽ để bảo vệ quan điểm của mình...

Phía phản đối cho rằng, giải cứu thị trường BĐS là giải cứu "nhà giàu". Lâu nay, thị trường phát triển "nóng" do đầu cơ, mang lại lợi nhuận khổng lồ cho giới đầu cơ… thì bây giờ là lúc hãy để thị trường "rơi tự do", về đúng giá trị của nó. Ngay cả chuyên gia kinh tế trong nước cũng không đồng tình với việc "giải cứu" BĐS khi cho rằng việc doanh nghiệp lớn lên hay chết đi là chuyện bình thường, đặc biệt trong bối cảnh đang cần phải cơ cấu lại. Và dường như những lúc khó khăn chúng ta đang quay lại tư duy trông cậy vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Ở phía ngược lại, các ý kiến nêu BĐS là lĩnh vực có tác động lớn đến nền kinh tế. BĐS đổ vỡ kéo theo nợ xấu cho ngân hàng. BĐS "đóng băng", doanh nghiệp xây lắp, sản xuất vật liệu, sắt thép, xi măng… đình đốn sản xuất theo; hàng triệu lao động không có việc làm, không có thu nhập…


Thị trường bất động sản khó khăn, gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế nói chung. Ảnh: Tuấn Anh

Trong khi nên hay không nên "giải cứu" BĐS là chủ đề bàn cãi thì dường như người ta lại quên đi một vấn đề, có lẽ là chính tiền đề dẫn đến cuộc tranh luận là có hay không cuộc "giải cứu" BĐS này? Câu trả lời là không có một cuộc "giải cứu" nào cả. Đơn giản, đó chỉ là cách hiểu chưa đúng về những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nói chung, tạo thanh khoản cho BĐS, khôi phục lại tăng trưởng cho nền kinh tế. Đây không phải là sự "đánh tráo" về mặt câu chữ mà hoàn toàn đúng về bản chất. Chính phủ, khi làm việc với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh - hai trung tâm của thị trường BĐS - hay Bộ Xây dựng báo cáo Thường vụ Quốc hội, đều khẳng định điều này. Thực tế, những chính sách về BĐS thời gian qua như chuyển từ nhà thương mại sang nhà xã hội, nhà tái định cư đều nhằm điều chỉnh lại thị trường, để hướng tới nhu cầu thực của xã hội, đáp ứng đối tượng là người lao động, người thu nhập thấp. Nhà nước đưa ra cơ chế ưu đãi cũng như điều kiện ràng buộc đối với nhà ở xã hội; doanh nghiệp căn cứ vào đó tự quyết định, điều chỉnh dự án của mình. Về chính sách tín dụng, những gói tín dụng được ngân hàng thương mại và Bộ Xây dựng thỏa thuận vừa qua cũng cơ bản hướng đến đối tượng là chủ đầu tư dự án và người mua nhà thu nhập thấp, nhà xã hội hay nhà thương mại có diện tích nhỏ, giá thành thấp (dưới 15 triệu đồng/m2); dành cho chính quyền địa phương mua nhà thương mại làm quỹ nhà tái định cư… Chưa có chương trình hỗ trợ tín dụng lớn, lãi suất ưu đãi nào hướng tới phân khúc nhà biệt thự, liền kề, chung cư cao cấp diện tích lớn dành cho "giới nhà giàu". Và cũng không có khoản tín dụng nào dành trực tiếp cho doanh nghiệp BĐS. Về chính sách tài khóa, thuế, các kiến nghị miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng… cũng hướng tới hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp, nhà diện tích nhỏ. Các địa phương có tồn kho BĐS lớn, thay vì đầu tư xây dựng nhà tái định cư, sẽ dùng ngân sách đó để mua lại nhà thương mại có diện tích phù hợp làm nhà tái định cư, nhà cho thuê.

Việc thị trường BĐS phát triển lệch lạc vừa qua có một nguyên nhân là thiếu quy hoạch, kế hoạch, phát triển theo phong trào, tự phát mà không có sự định hướng, can thiệp kịp thời của Nhà nước. Vì vậy, giờ đây để tháo gỡ khó khăn, Nhà nước buộc phải có sự can thiệp, mà trước mắt là để lấy lại niềm tin của xã hội. Khi chuyển hướng sang nhà ở xã hội, cơ quan quản lý mong muốn giải quyết sự mất cân đối cung cầu, đáp ứng nhu cầu đa số người dân, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời tạo cú hích làm ấm thị trường, từ đó giải quyết việc ổn định kinh tế vĩ mô. Bộ Xây dựng thời gian qua cũng đã hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm về BĐS, đưa thị trường phát triển theo hướng minh bạch, công khai, phát triển theo quy hoạch, kế hoạch, đặc biệt là thể chế hóa "Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia". Doanh nghiệp, nếu muốn gián tiếp thụ hưởng những chính sách hỗ trợ trên cũng phải chủ động cơ cấu lại theo hướng điều chỉnh hoạt động kinh doanh, giảm giá bán, điều chỉnh cơ cấu diện tích phù hợp với khả năng chi trả của thị trường; áp dụng phương thức bán hàng linh hoạt, chuyển sang hình thức cho thuê, thuê mua; bảo đảm đúng tiến độ cam kết, tạo niềm tin với khách hàng.

Vấn đề hiện nay không phải là nên hay không nên "giải cứu", mà cần xác định đúng đối tượng thu nhập thấp và đưa chính sách tín dụng đến đúng đối tượng này. Đây cũng là câu chuyện không đơn giản, bởi người thu nhập thấp từ trước đến nay khó đáp ứng đủ các điều kiện để được vay. Cuối cùng, cần lấy lại niềm tin cho thị trường bằng những cam kết tạo sự ổn định về chính sách.

Khánh Khoa
theo HNM

Từ khóa: