Sự kiện hot
5 năm trước

Giải tán EVN, giá điện sẽ tăng gấp rưỡi, gấp đôi ngay

Theo Phó Tổng giám đốc EVN, khi có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sẽ không còn giá bậc thang, giá điện sẽ lên, không có xuống.

Giá điện sẽ tăng ngay nếu giải tán EVN

Trong những phản ứng của khách hàng về tiền điện tăng vọt, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân tăng tiền điện không hẳn là do tăng giá và dùng nhiều như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giải thích mà còn do biểu giá điện sinh hoạt 6 bậc không còn phù hợp.

Về ý kiến này, trong cuộc trao đổi với báo Tuổi trẻ, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, đây là chính sách để khuyến khích mọi người tiết kiệm năng lượng, vì dùng càng nhiều phải trả giá càng cao. Mặt khác, nếu người nghèo trả đầy đủ giá thì họ sẽ khó khăn, mà điện là nhu cầu thiết yếu nên Chính phủ phải ra bậc thang như vậy.

Cách đây hơn một năm, Bộ Công thương đã đưa ra 4-5 phương án lấy ý kiến, rồi kết luận giữ nguyên như hiện tại để bảo đảm chính sách khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện và để người nghèo được hưởng giá thấp.

'Giai tan EVN, gia dien se tang gap ruoi, gap doi ngay'
Nhiều ý kiến cho rằng biểu giá điện sinh hoạt 6 bậc hiện này là bất hợp lý

Theo ông Đinh Quang Tri, tới đây có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thì chỉ còn một giá, không ai bù cho ai nữa. Khi đó sẽ không còn giá bậc thang.

"Theo lộ trình, đến năm 2021 bắt đầu thử nghiệm thị trường bán lẻ điện cạnh tranh và đến năm 2023 hoàn toàn là thị trường bán lẻ cạnh tranh. Lúc đấy Chính phủ không phải can thiệp về giá, mà hoàn toàn do cung cầu quyết định. Khi đó giá sẽ lên, không có xuống. Vì thế, Chính phủ yêu cầu lộ trình phải từng bước, đầu tiên là thị trường phát điện cạnh tranh, sau đến thị trường bán buôn cạnh tranh, cuối cùng mới đến thị trường bán lẻ cạnh tranh", ông Tri cho biết.

Phó Tổng Giám đốc EVN cũng nói thật về ý kiến bảo giải tán EVN: "Giải tán EVN hoặc giải tán các doanh nghiệp nhà nước đang làm điện thì giá điện tăng gấp rưỡi, gấp đôi ngay. Cho nên mình phải nhìn vào thực tế khách quan, cái gì làm được, chưa làm được và phải có những góp ý rất cụ thể. Bây giờ khách hàng thấy khả nghi thì EVN sẵn sàng thẩm tra lại".

Người dân cứ nghĩ EVN chỉ dọa

Chia sẻ về ý kiến cho rằng mỗi lần muốn tăng giá điện EVN đều dọa sẽ thiếu điện, ông Đinh Quang Tri cho biết: "Lâu ngày chúng ta có điện dùng nên cảm giác không thiếu, từ đó nghĩ EVN chỉ dọa. Nhưng chỉ người làm kế hoạch và điều hành hệ thống mới biết thiếu hay không. Mấy ngày nắng vừa rồi, hệ thống lên đến 36.000MW, tất cả các nhà máy chạy hết công suất.

Một số nhà máy phải đổ dầu vào đốt. Nếu tiếp tục dùng nhiều, đến 40.000MW trong khi công suất tất cả các nhà máy phát 35.000MW, chắc chắn phải cắt đi 5.000MW. Nếu không, toàn bộ hệ thống sẽ hỏng".

Về việc EVN quy đổi giá điện của Việt Nam sang USD và so sánh với giá điện các nước để nói giá điện Việt Nam thấp hơn, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn này giải thích, so sánh  giá điện nước này với nước kia chỉ là tương đối vì mỗi nước có hệ thống điện riêng, điều kiện kinh tế riêng. Việt Nam có thủy điện tương đối nhiều nên giá thành thấp. Than thì trước dùng trong nước là chính, nên giá điện ở Việt Nam rẻ hơn là điều dễ hiểu.

Nhưng nhu cầu điện càng tăng, than phải nhập khẩu theo giá quốc tế. Giá khí cũng theo thị trường thế giới, EVN phải mua và tính vào giá thành. Phần lớn nhà máy điện đấu thầu quốc tế và nhập khẩu thiết bị. 70% vay vốn nước ngoài bằng USD, euro, yen, đều là ngoại tệ mạnh. Nên việc so sánh theo ngoại tệ là bình thường.

Liên quan đến biểu giá điện sinh hoạt 6 bậc, trao đổi với báo chí trước đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đã chỉ ra điểm bất hợp lý của biểu giá điện này. Theo đó, chỉ có giá điện bán lẻ sinh hoạt bậc 1 (từ 0 -50kWh) và bậc 2 (từ 51-100kWh) là thấp hơn so với giá điện bán lẻ bình quân (1.864 đồng/kWh), còn lại từ bậc 3 đến bậc 6, giá điện bán lẻ lại cao hơn nhiều so với giá điện bình quân.

Trong khi đó, hầu hết các hộ gia đình đều phải sử dụng điện trong mức từ trên 100kWh trở lên, đặc biệt là trong thời tiết nắng nóng như hiện nay. Như vậy, ngành điện đã tính một mức giá có lợi cho mình. Người dân dùng càng nhiều điện thì càng phải nộp nhiều tiền.

Chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, biểu giá điện cần được chia nhỏ nhiều bậc thêm nữa, không chỉ dừng lại ở 6 bậc như hiện nay. Người dân dùng bao nhiêu điện trong khoảng nào thì sẽ trả tiền bấy nhiêu.

Mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo Bộ Công thương phối hợp với Tổng cục Thống kê theo dõi, đánh giá tác động gián tiếp của việc điều chỉnh giá điện; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, công khai, minh bạch chi phí đầu vào, thanh tra, kiểm tra và công khai kết quả sản xuất kinh doanh điện theo quy định.

Minh Thái (Tổng hợp)
Theo Báo Đất việt

Từ khóa: