Sự kiện hot
11 năm trước

Giám sát tài chính: Vẫn bỏ quên những yếu tố rủi ro

Cho rằng hệ thống giám sát tài chính trong nước hiện mới thiên về "soi" việc tuân thủ các quy định của các định chế tài chính, ông Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia khẳng định, những yếu tố rủi ro có thể ảnh hưởng tới tài chính trong nước hầu như vẫn chưa được xem xét.

Cho rằng hệ thống giám sát tài chính trong nước hiện mới thiên về "soi" việc tuân thủ các quy định của các định chế tài chính, ông Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia khẳng định, những yếu tố rủi ro có thể ảnh hưởng tới tài chính trong nước hầu như vẫn chưa được xem xét.


(Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Ý kiến này được đại diện Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cảnh báo trong Hội thảo-Triển lãm Vietnam Finance 2013 với chủ đề: "Tăng cường giám sát tài chính quốc gia: Giải pháp chính sách và công nghệ" vừa diễn ra sáng nay (27/8).

Giải thích rõ hơn, ông Tuấn cho rằng, việc thanh tra, giám sát thị trường tài chính đang thực hiện theo phương thức, các cơ quan quản lý đưa ra quy định gì thì yêu cầu các định chế thực hiện đúng như vậy.  Điều này, theo ông Hà Huy Tuấn, có thể gây ra rủi ro từ nhiều khía cạnh. Trong số đó, ông Tuấn không loại trừ khả năng bản thân chính sách mà các định chế tài chính phải tuân theo chưa chắc đã tạo ảnh hưởng tích cực.

"Quy định của chúng ta có khi quá ngặt nghèo hoặc quá lỏng lẻo, việc chấp hành có thể khiến tình hình tài chính xấu hơn," ông Tuấn đưa ra ví dụ.

Thậm chí, theo đại diện Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, những rủi ro khác có thể xuất phát ngay từ nội tại các tổ chức, định chế tài chính hay từ nền kinh tế. Những điều này hiện vẫn chưa được xem xét trong cách quản lý, giám sát tài chính.

Đây cũng là vấn đề được ông Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhắc tới khi nhận định, các mô hình phân tích, định lượng, cảnh báo rủi ro cho cả hệ thống tài chính và từng định chế tài chính hiện "còn ít được phát triển và ứng dụng."

Thậm chí, theo ông Chung, việc giám sát những rủi ro chéo còn yếu kém do thiếu phối hợp, liên thông của các cơ quan giám sát. Điều này xuất phát từ việc các cơ quan giám sát hiện đang hoạt động độc lập, chỉ giám sát theo chuyên ngành hoặc định chế.

"Đặc biệt hiện vẫn chưa có cơ quan giám sát tài chính vĩ mô đủ thẩm quyền và năng lực để có thể cảnh báo, ngăn ngừa và xử lý hữu hiệu các loại rủi ro của hệ thống tài chính," Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đưa ra ý kiến.

Việc thiếu những đánh giá rủi ro cũng được ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính nói thêm khi nhìn lại công tác giám sát nợ công thời gian qua.

Theo đó, ông Hải thẳng thắn cho rằng, việc phát hiện các sai phạm, đánh giá rủi ro của người vay hay người được bảo lãnh vẫn chưa kịp thời trong quá trình giám sát từ phía cơ quan quản lý.

Điều này, theo Phó Cục trưởng Cục quản lý nợ, một phần do việc giám sát hiện mang nhiều tính thủ công. Phía cơ quan quản lý tới hiện tại vẫn chưa có hệ thống, phần mềm chuyên biệt để xử lý công việc và từ đó đánh giá những rủi ro trong công tác quản lý nợ công và nợ nước ngoài.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề trung tâm của hội thảo, ông Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, nên xây dựng mô hình giám sát tài chính hợp nhất cho Việt Nam thay vì việc giám sát phân tán như hiện tại.

Việc chuyển đổi này được chính ông Chung nhận định sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức như  vấn đề luật pháp, nhân sự, kỹ thuật, tài chính nhưng hoàn toàn có thể thực hiện dần dần nếu có lộ trình phù hợp.

Do đó, ông Chung kiến nghị giữa các cơ quan giám sát cần ký kết các biên bản ghi nhớ song phương về chia sẻ và phối hợp hành động nhằm giảm thiểu những "khe hở giám sát."

Đưa ra ý kiến khác, ông Hà Huy Tuấn nhận định, việc tăng cường phối hợp để tăng cường giám sát tài chính có thể mở rộng với cả các cơ quan, tổ chức nước ngoài để có thêm thông tin trong quản lý.

Ông Tuấn đưa ra ví dụ về việc Việt Nam đã ký kết thỏa thuận với cơ quan phi lợi nhuận của Hàn Quốc để giúp giám sát thị trường tài chính trong nước.

"Họ sử dụng công cụ thị trường để giám sát theo các tiêu chí riêng. Đây là mô hình cần suy nghĩ," ông Tuấn nói.

Bên cạnh đó, những ý  kiến tại hội thảo cũng thống nhất rằng cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giám sát tài chính. Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý phải xây dựng cơ sở dữ liệu, phần mềm giúp lưu giữ, xử lý và khai thác thông tin nhằm đảm bảo sự an toàn, ổn định của hệ thống tài chính.

Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/Home/Giam-sat-tai-chinh-Van-bo-quen-nhung-yeu-to-rui-ro/20138/213225.vnplus

Xuân Dũng
theo Vietnam+

Từ khóa: