Sự kiện hot
4 tháng trước

Gói hỗ trợ lãi suất 2% sẽ được sử dụng như thế nào?

Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% với nguồn lực là 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM). Một năm qua hệ thống ngân hàng thương mại giải ngân được 3,05%, tương đương 1.218 tỷ đồng. Số vốn chưa giải ngân còn khoảng 38.800 tỷ đồng.

Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn tỷ lệ giải ngân quá thấp, trong khi doanh nghiệp khó khăn về vốn sau dịch Covid-19. Ông Trần Quốc Tuấn, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Trà Vinh cho rằng thủ tục, điều kiện vay là trở ngại lớn nhất khi doanh nghiệp tiếp cận chính sách hỗ trợ này. Chưa kể, theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ 29,5% doanh nghiệp biết tới chính sách và khoảng 2,5% đơn vị nhận được khoản vay.

Ngân hàng Nhà nước xây dựng nghị định về gói hỗ trợ lãi suất 2%
Gói hỗ trợ lãi suất 2% sẽ được sử dụng như thế nào?

Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, khi thiết kế chương trình này theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền, Ngân hàng Nhà nước xác định đây là chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp có khả năng phục hồi và trả được nợ. Tức là, gói hỗ trợ lãi suất 2% không giải quyết cho tất cả doanh nghiệp khó khăn trong nền kinh tế, kể cả đơn vị không đủ điều kiện vay vốn, theo Thống đốc.

Bà phân tích, vốn vay của chương trình lấy từ nguồn huy động dân cư của các ngân hàng thương mại, không phải ngân sách Nhà nước. Vì thế, các ngân hàng phải cho vay với điều kiện, thủ tục theo quy định, để đảm bảo khả năng thu hồi nợ.

"Việc giải ngân nhiều hay ít của chương trình này phụ thuộc vào quyết định của doanh nghiệp, ngân hàng", Thống đốc nói.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói thêm, thực tế doanh nghiệp quyết định vay vốn không phải vì họ được hỗ trợ lãi suất. Bởi, lãi suất chỉ là một trong số chi phí đầu vào, nên họ có thể cân nhắc chọn các giải pháp hỗ trợ khác như miễn, giảm, giãn thuế. Chưa kể, doanh nghiệp sẽ xem xét họ vay để làm gì, có khả năng trả nợ hay không... mới quyết định vay vốn.

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay, kinh tế khó khăn nên DN đủ điều kiện thì không muốn vay, đơn vị muốn vay lại không đáp ứng tiêu chí. Điểm nghẽn khác là quy định "dự án có khả năng phục hồi" mới được vay vốn, khiến cả bên cho vay và người đi vay đều ngại, không biết nên hiểu thế nào cho đúng.

Theo quy định, DN muốn được giảm lãi 2% phải chứng minh được khả năng phục hồi, khả năng trả nợ, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều DN nhỏ khó có thể đáp ứng được yêu cầu này. Ví dụ như Công ty Xuất nhập khẩu thuỷ sản Thanh Hoá thuộc nhóm được hỗ trợ lãi suất 2%, đã được ngân hàng giảm lãi một phần gói vay. Tuy nhiên, do hoạt động xuất khẩu suy giảm, DN đã bị dừng hỗ trợ.

Lãnh đạo một số ngân hàng phản ánh, trong quá trình rà soát hồ sơ, số lượng khách hàng thuộc đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ tương đối lớn nhưng kết quả hỗ trợ lãi suất lại rất thấp. Thậm chí, có ngân hàng ghi nhận số tiền hỗ trợ lãi suất bằng 0.

Việc khó xác định đối tượng khiến ngân hàng dù muốn cũng không thể giải ngân, khiến gói hỗ trợ đáng lẽ rất cấp bách đã bị lỡ tính thời điểm. Chính phủ cũng báo cáo rõ các nguyên nhân khiến chính sách này có kết quả triển khai thấp.

Báo cáo nêu: có khách hàng được hỗ trợ lãi suất nhưng tình hình sản xuất kinh doanh suy giảm, ảnh hưởng đến các tiêu chí đánh giá về phục hồi, làm NHTM và khách hàng e ngại bị các cơ quan thanh tra, kiểm tra cho rằng trục lợi chính sách. Trong khi, một số DN có doanh thu, lợi nhuận ở giai đoạn dịch bệnh cao hơn hiện tại nên khó đánh giá đáp ứng tiêu chí phục hồi.

Gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng chỉ có hiệu lực đến hết 31/12/2023. Để giúp chính sách phát huy hiệu quả, nhiều ý kiến đã đề xuất cần có những thay đổi từ gói này, nhằm giúp nguồn tiền ngân sách được sử dụng kịp thời, hỗ trợ cho người dân, DN phục hồi kinh tế.

Nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội cũng đề xuất không tiếp tục sửa các tiêu chí, điều kiện để hưởng hỗ trợ lãi suất 2%. Thay vào đó, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu, chuyển nguồn ngân sách sang cho các chính sách khác có khả năng triển khai, còn dư địa thực hiện.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: