Sự kiện hot
12 năm trước

Hạ lãi suất 12%: Quá sớm, gây 'sốc'?

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã thông báo chủ trương mỗi quý hạ thêm 1% lãi suất nếu lạm phát và vĩ mô ổn định. Tuy nhiên, quyết định đưa lãi suất về 12% ngay từ đầu tháng 4 được cho là sớm hơn dự kiến và được giới quan sát cho là bất ngờ.

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã thông báo chủ trương mỗi quý hạ thêm 1% lãi suất nếu lạm phát và vĩ mô ổn định. Tuy nhiên, quyết định đưa lãi suất về 12% ngay từ đầu tháng 4 được cho là sớm hơn dự kiến và được giới quan sát cho là bất ngờ.

Bí đầu ra

Lần thứ hai trong vòng chưa đầy 1 tháng, Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất, thông tin này chiều ngày hôm qua đến với các tổ chức quốc tế được tiếp nhận với thái độ khá bất ngờ. Tuy nhiên, tất cả đều cho rằng, đây là bước đi cần thiết đối với nền kinh tế.

Tuy nhiên, đối với giới quan sát trong nước thì điều này là việc phải đến khi đã hội đủ các điều kiện và nhất là dưới sức ép từ thực tế DN phá sản và tốc độ tăng trưởng GDP quý 1 chỉ ở mức 4%.

Hơn thế, theo một chuyên gia từ Học viện Tài chính, điều quan trọng nhất của hạ lãi suất lần này là từ chính các ngân hàng. Thứ nhất, thanh khoản các ngân hàng nhỏ khó khăn đã đỡ hơn và khu biệt thành một vùng nhỏ. Các ngân hàng lớn đã có dấu hiệu ứ vốn, bí đầu ra.

Thực tế, ngay từ cuối tháng 3, rất nhiều ngân hàng lớn đã phản ánh về tình trạng khó cho vay vốn. Đại diện ACB tuyên bố tại giao ban Bộ Kế hoạch - Đầu tư nhấn mạnh: họ đang dư khoảng 3 tỷ USD không thể cho vay vì DN khó tiếp nhận vốn.

Đặc biệt, số liệu được Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (Ủy ban GSTCQG) mới công bố cho thấy, tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm (tính đến ngày 20/3) ước giảm tới 2,13% so với cuối năm 2011. Theo các đánh giá, đây được coi là mức tăng trưởng tín dụng ngân hàng âm trong vòng 5 năm trở lại đây. Diễn biến này hoàn toàn trái ngược với tốc độ tăng trưởng nguồn vốn đầu vào khi huy động vốn đến cùng thời điểm tăng tới 1,56% so với cuối năm 2011.

Báo cáo của Ủy ban GSTCQG chỉ ra rằng, kinh tế khó khăn, tình hình tài chính của nhiều DN xấu đi nghiêm trọng không đáp ứng đủ điều kiện để vay vốn, trong khi các ngân hàng (NH) thận trọng hơn trong chủ trương cấp tín dụng là những nguyên nhân cơ bản. Gốc rễ hơn, nhiều DN đang phải đối mặt với gánh nặng chi phí lãi vay và chi phí tài chính do lãi suất quá cao. Cũng theo tính toán của Ủy ban GSTCQG, tỉ lệ chi phí lãi vay/giá thành của các DN niêm yết trên sàn chứng khoán đã tăng từ 2,93% năm 2010 lên 3,61% năm 2011. Tương ứng, tỉ lệ chi phí tài chính/giá thành tăng 4,72% lên 5,56%.

Nguồn tiền lớn của các ngân hàng bí đầu ra và cách giải quyết duy nhất là họ đổ tiền vào huy động trái phiếu. Trong hai tháng sau Tết, các ngân hàng đã đổ ra hàng ngàn tỷ đồng để mua trái phiếu với lãi suất không phải là quá hấp dẫn so với mặt bằng thị trường cho vay.

Thị trường đi trước

Chỉ ít ngày trước thời điểm NHNN chính thức công bố giảm, Vụ phó Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) - bà Đỗ Thị Nhung - cuối tuần trước cho rằng, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, đà lạm phát được kiểm soát ở mức thấp trong suốt 8 tháng vừa qua cũng như tình hình thanh khoản tại các ngân hàng được cải thiện và vốn cho tín dụng dồi dào là những cơ sở cho việc hạ trần lãi suất huy động.

Thực tế những tín hiệu tích cực từ thanh khoản ngân hàng và lãi suất ngay từ rất sớm đã củng cố khả năng trần lãi suất huy động tiền đồng sẽ được điều chỉnh về 12% trong nay mai.

Các số liệu từ NHNN cho thấy, lãi suất qua đêm liên ngân hàng cũng như các kỳ hạn 2 tuần ngày 30.3 lần lượt giảm xuống còn 7,65%/năm, 5,75% và là mức thấp nhất tính từ ngày 22.10.2010 đến nay. Trong các ngày đầu tiên của tháng 4.2012, các mức lãi suất liên ngân hàng có dấu hiệu tăng trở lại song đến cuối tuần, kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần quay trở lại mức dưới 7%.

Trong khi các kỳ hạn dài 3 tháng và 6 tháng cũng giảm thấp dưới mức 12%. Một diễn biến đáng chú ý theo ghi nhận của các tổ chức đầu tư là dù lãi suất giảm thấp, doanh số giao dịch liên ngân hàng cũng ở mức thấp, thống kê vào khoảng 1.300 - 1.500 tỉ đồng/phiên.

Đặc biệt, liên tiếp từ các ngân hàng thương mại đã tiếp tục hạ lãi suất cho vay một cách chủ động mà không còn phải chờ thúc giục từ ngân hàng Nhà nước. Theo đó, mức lãi suất ưu đãi giảm xuống còn 14-16%/năm.

Cụ thể, đầu tháng 4, Vietinbank đã hạ lãi suất cho vay. Riêng đối với lĩnh vực xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa... lãi suất cho vay ở mức từ 14 - 15%/năm; MHB sẽ dành hạn mức 3.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất giảm từ 1% - 2%/năm so với lãi suất cho vay tối thiểu mà MHB ban hành trong từng thời kỳ. HSBC cũng công bố hạ lãi suất 1% đối với cho vay thế chấp, tiêu dùng.

Chiều 10/4, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) có thông báo về chương trình tín dụng mới. Cụ thể, Eximbank sẽ dành 6.000 tỷ đồng với lãi suất 16,5%/năm để cho vay các đối tượng là các doanh nghiệp xuất khẩu; các doanh nghiệp vừa và nhỏ; các cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; hỗ trợ vốn mua nhà đối với người có thu nhập thấp.

Phước Hà
Theo VEF


Từ khóa: