Sự kiện hot
11 năm trước

Hà Nội: D.A thoát nước đang bị "tắc"

Hà Nội phải đối mặt với ngập úng trên diện rộng do hệ thống thoát nước chưa đáp ứng được yêu cầu thì một dự án (D.A) mang tính cấp thiết như D.A thi công mương T2A, phường Cống Vị (D.A thoát nước) - lại đang bị "tắc".

Hà Nội phải đối mặt với ngập úng trên diện rộng do hệ thống thoát nước chưa đáp ứng được yêu cầu thì một dự án (D.A) mang tính cấp thiết như D.A thi công mương T2A, phường Cống Vị (D.A thoát nước) - lại đang bị "tắc".


Tiến độ chậm, người dân phải đi trong con ngõ chỉ đủ cho 1 chiếc xe máy.
Ảnh: Hữu Oanh

Sự chồng chéo giữa các quyết định của UBND TP Hà Nội trong đền bù, giải phóng mặt bằng cũng như sự chậm trễ trong thi công là hệ quả của việc gần 2 năm, chỉ làm được 90m trong tổng số 459m mương.

Năm 2012, khi D.A thoát nước được khởi công, nhiều hộ dân trong con ngõ 60B Linh Lang, phường Cống Vị, quận Ba Đình phấn khởi vì hy vọng sẽ sớm chấm dứt cảnh nhiều năm sống chung với mương ô nhiễm. Không ít nhà còn sắng sắm ô tô vì nếu D.A thoát nước này hoàn thành thì hệ thống mương sẽ được ngầm hóa, phía trên là đường bê tông rộng, sạch sẽ. Thế nhưng đến nay, khi D.A đã thi công được gần 2 năm, công trình vẫn ngổn ngang như mới khởi công được vài tháng. Đường đi lối lại bị thu hẹp và nhếch nhác mỗi khi mưa xuống, chỉ vừa mỗi chiếc xe máy di chuyển...

Ban Quản lý Cấp thoát nước (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, Quyết định số 4315/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, D.A thoát nước được đầu tư khoảng 30 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước. Nhà thầu thi công là Tổng Cty Cổ phần Sông Hồng sẽ thi công 459m mương từ phố Linh Lang, phố Phan Kế Bính đến đường Bưởi. Theo kế hoạch, D.A với 16 hạng mục dự kiến thời gian hoàn thành là 756 ngày.

Năm 2012, UBND quận Ba Đình đã ra quyết định thu hồi 7.461m2 đất công (mương) do UBND phường Cống Vị quản lý và 200m2 đất do các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng cho Ban Quản lý Cấp thoát nước để cống hóa tuyến mương T2A và làm đường trên cống đồng bộ với các công trình hạ tầng kỹ thuật, thực hiện D.A thoát nước Hà Nội nhằm cải thiện môi trường Hà Nội - D.A II. 

Mương T2A chạy dọc theo ngõ 60B phố Linh Lang, có chiều dài 459m.

Mặc dù đã được bàn giao phần lớn đất công (tức đất của Nhà nước, không phải đền bù là 307/459m mương phải thi công) thế nhưng, đến nay, theo sự xác nhận của Ban Quản lý Cấp thoát nước thì D.A thoát nước mới thi công được 90m cống trên tổng số 307m mặt bằng đất công, trong đó đoạn bắt đầu từ ngõ 60B Linh Lang - Phan Kế Bính mới chỉ được 30m.

Theo lý giải của ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý Cấp thoát nước, việc chậm tiến độ là do từ khi D.A thi công thì đơn vị chỉ mới nhận được đất công  với chiều dài là 307/459m, còn lại hơn 100m chiều dài còn vướng nhà, đất của 13 hộ dân do chưa phê duyệt được các phương án giá đền bù khi thu hồi đất có D.A đi qua. Mặt bằng không đủ điều kiện để thi công, trong khi mỗi năm chỉ thi công được từ tháng 4 đến tháng 10, thời điểm mùa khô, còn mùa mưa thì phải tạm ngưng.

Cán bộ địa chính phường Cống Vị, ông Lê Huy, cho biết, hiện tại 13 hộ dân có đất bị thu hồi trong D.A chỉ có 1 hộ có đề nghị giảm bớt diện tích thu hồi và đồng ý bàn giao mặt bằng. 12 hộ còn lại đều chưa thống nhất với phương án đền bù và đồng ý bàn giao mặt bằng. Bởi, việc thỏa thuận giá cả và phương án đền bù đang vướng phải 1 lúc 2 quyết định: Một là, Quyết định số 02/2013/QĐ-UBND ngày 7/1/2013 của UBND TP Hà Nội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định ban hành kèm theo Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND ngày 29/9/2009 của UBND TP Hà Nội về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP. Hai là, 18/7/2013, UBND TP đã ban hành Quyết định số 27/2013/QĐ-UBND quy định chi tiết việc xác định giá đất ở, giá bán nhà tái định cư làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP Hà Nội. Do đó, phương án đền bù, giải phóng mặt bằng đối với 13 hộ dân trên đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Mặt khác, khi D.A thoát nước đang được giao cho Công ty 36 thi công khoảng nửa năm trước đây thì nay chủ đầu tư đã giao cho 2 đơn vị khác là đơn vị thành viên của Tổng Cty Cổ phần Sông Hồng. Điều này, theo ông Tuấn, do yêu cầu của nhà thầu, và các đơn vị thi công đều là đơn vị thành viên của Tổng Cty Cổ phần Sông Hồng. Đây cũng là một nguyên nhân khiến D.A thoát nước bị kéo dài thời gian thi công.


Cảnh ngổn ngang tại công trình. Ảnh: Hữu Oanh

Rõ ràng, tính cấp thiết của một D.A thoát nước trong bối cảnh Hà Nội luôn đối mặt với úng ngập mỗi khi mưa bão là không phải bàn cãi. Tuy nhiên, dường như chủ đầu tư cũng như đơn vị thi công không mấy quyết tâm trong triển khai thực hiện. Cộng với đó, sự chồng chéo giữa các quyết định của UBND TP Hà Nội khiến cho công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất còn lại cho D.A kéo dài. Đây là những nguyên nhân cần được UBND TP Hà Nội cùng UBND quận Ba Đình và Ban Quản lý Cấp thoát nước khẩn trương chỉ đạo, đôn đốc thực hiện để công trình thoát nước thực sự cấp bách đúng nghĩa của nó.

H.Oanh - C.Lương
theo Thanh tra

Từ khóa: