Sự kiện hot
10 năm trước

Hà Nội: Gần 8.500 doanh nghiệp nợ bảo hiểm

Theo số liệu thống kê của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP Hà Nội, đến nay, trên địa bàn có gần 8.500 doanh nghiệp (DN) đang nợ bảo hiểm với số tiền trên 1.500 tỷ đồng và số lao động lên tới trên 76.000 người.


Hà Nội, có gần 8.500 DN nợ bảo hiểm. Ảnh: TQ

Đáng chú ý, trong số gần 8.500 DN nợ bảo hiểm (BH) thì có tới 3.000 DN thuộc loại nợ xấu và số nợ này chiếm khoảng 1.200 - 1.300 tỷ đồng. Hiện có hơn 1.500 DN chưa thấy làm thủ tục phá sản nhưng không còn giao dịch với Cơ quan BHXH. 

Theo số liệu Phòng Nghiệp vụ thu - BHXH Hà Nội cung cấp, trong số các DN nợ BH, có DN nợ “triền miên” với số nợ “khủng”. Điển hình Cty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment  nợ 61 tháng, với số nợ 18 tỷ đồng, Cty Điện thoại di động CDMA nợ 53 tháng, số nợ hơn 9 tỷ đồng, Cty CP Lilama 3 nợ 14 tỷ đồng đã 33 tháng... Hà Nội cũng có tới 27 DN đang nợ BH nhưng chủ DN đã “cao chạy, xa bay”, như Cty TNHH TK Toàn Cầu, Cty TNHH Duomo Vina...

Nguyên nhân dẫn đến nợ BH gia tăng được đánh giá, một phần do DN làm ăn khó khăn không còn khả năng nộp nhưng cũng có một số DN lợi dụng cố tình không đóng BH. Không ít DN đã trừ tiền đóng BH từ người lao động nhưng không nộp lên cơ quan BHXH. Và cuối cùng thiệt hại rơi vào người lao động.

“Chúng tôi đã dùng mọi biện pháp từ đôn đốc, khuyến khích DN nộp BH, thậm chí đã phải kiện ra tòa với hơn 300 đơn vị. Mặc dù vậy, hiệu quả thu nợ vẫn còn thấp” - ông Đặng Đình Thuận, Phó Giám đốc BHXH Hà Nội cho biết. 

BHXH Hà Nội đã triển khai 3 đợt thanh tra liên ngành tại 81 đơn vị có số nợ BH từ 500 triệu đồng trở lên và nợ quá 6 tháng. Kết quả cho thấy, các đơn vị này nợ tới 206 tỷ đồng nhưng sau thanh tra mới thu được 70 tỷ đồng.  

“Đây là vấn đề đã được nói nhiều, nhưng chưa có hướng giải quyết triệt để. Chế tài xử phạt quá nhẹ, chỉ phạt hành chính với mức phạt cao nhất là 75 triệu đồng không đủ sức răn đe. Mức phạt lãi suất chậm đóng BHXH thấp hơn mức lãi suất vay ngân hàng. Vì vậy nhiều DN thà không đóng, trốn đóng, nợ lâu lấy vốn còn hơn vay vốn ngân hàng” -  ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết. 

Cả ngành BHXH toàn quốc cũng trong cảnh nợ đọng BHXH ngày một tăng, nợ xấu cao và đã ở ngưỡng ở mức báo động đỏ làm tăng thêm nguy cơ vỡ quỹ và đe dọa quyền lợi của người lao động. Theo ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, muốn nghiêm phải hình sự hóa. Rất nhiều ý kiến cho rằng cần bổ sung tội danh về BH vào Bộ Luật Hình sự (sửa đổi). Đây sẽ là biện pháp mạnh, mang tính răn đe nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của đối tượng và chắc chắn sẽ từng bước hạn chế tình trạng nợ đọng BH.

Trần Quý
theo Thanh tra

Từ khóa: