Sự kiện hot
12 năm trước

Hà Nội: Giá rau xanh, thịt, cá bắt đầu giảm mạnh

Trái với xu hướng đi lên của những tháng trước do tác động của đợt tăng giá xăng mới, vào những ngày đầu tháng 4, giá mặt tươi sống tại các chợ bán lẻ trên địa bàn Hà Nội đều có xu hướng giảm mạnh, đặc biệt các mặt hàng rau xanh giảm đến 50%.

Trái với xu hướng đi lên của những tháng trước do tác động của đợt tăng giá xăng mới, vào những ngày đầu tháng 4, giá mặt tươi sống tại các chợ bán lẻ trên địa bàn Hà Nội đều có xu hướng giảm mạnh, đặc biệt các mặt hàng rau xanh giảm đến 50%.

Rau xanh giảm 50%

Dạo qua một số chợ bán lẻ trên địa bàn Hà Nội như chợ Thành Công (quận Ba Đình), chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), chợ Nhà Xanh (Quận Cầu Giấy),…  giá cả những mặt hàng tươi sống như rau, củ, quả và hàng thực phẩm đang có chiều hướng giảm mạnh sau đợt tăng giá kéo dài.

Nhiều tiểu thương ở chợ Nghĩa Tân cho biết, một tuần trở lại đây, giá bán lẻ các loại rau củ tại chợ giảm 30% đến 50% so với những tháng trước đó. Cụ thể: rau muống, rau cải xong có giá 2.000 đồng/mớ đến 2.500 đồng/mớ, giảm  2.000 – 3.000 đồng/mớ, cà chua giảm còn 8.000 đồng/kg, cải thảo ở mức 6.000/kg, dưa chuột 7.000/kg.

Nguồn cung dồi dào hơn 

Theo ghi nhận của PV, rớt giá mạnh nhất trong đợt này là su hào. Vào thời điểm trước, giá su hào tại các chợ đầu mối dao động từ 2.500/củ đến 3.000 đồng/củ, chợ bán lẻ là 3.500/củ đến 5.000/củ, nhưng bây giờ giá “rẻ như cho không”, nếu mua khéo chỉ 1.500/2 củ.

Chị Hoa, một người đi mua hàng ở chợ Bưởi hớn hở cho chúng tôi biết: “Chị vừa mua 5 củ su hào vừa to vừa non chỉ với 4.000 đồng, trước đó để mua 5 củ su hào này phải mất ít nhất là 15.000.”. Chị cho biết thêm, cả nhà chị ai cũng thích ăn su hào nên từ hôm giá rẻ bất ngờ, ngày nào chị cũng mua su hào về chế biến đủ các món ngon.

Theo giải thích của chị Nga, một tiểu thương ở chợ Thành Công cho biết, giá các loại rau giảm mạnh do thời tiết ấm áp, rất thuận lợi cho rau củ phát triển khiến nguồn cung cấp rau, củ trên thị trường khá nhiều và dồi dào. Chị cho biết thêm: “Bên cạnh đó, có một số loại rau củ như bí xanh, bí đỏ, chanh, … giá vẫn giữ nguyên, thậm chí còn cao hơn vì không đúng mùa vụ”.

Giá các loại thực phẩm như thịt lợn, thịt bò, cá, hải sản cũng dịu hơn. Đặc biệt, thịt lợn với thông tin lợn bị nhiễm độc đã khiến giá thịt giảm 15% đến 20% và người tiêu dùng cũng thận trọng hơn đối với loại thực phẩm này. Thịt thăn chỉ còn 110.000/kg, giảm 20.000 đến 30.000/kg, thịt ba chỉ còn 95.000/kg, thịt mông cũng giảm còn 100.000/kg.

Một số tiểu thương cho biết, giá thịt gà, cá, hải sản cũng có giảm nhưng chỉ rất ít so với trước đó vì đây vẫn là những mặt hàng được các bà nội trợ lựa chọn mua nhiều nhất.

Tuy nhiên, một số người tiêu dùng vẫn tỏ ra lo ngại có thể  trong tháng 5 tới, các mặt hàng sẽ tiếp tục biến động do lương cơ bản được điều chỉnh tăng.

Chợ vẫn ế ẩm

Nhu cầu thị trường đang chững lại sau đợt tăng giá đột biến gần đây nên dù giá cả các mặt hàng đã giảm mạnh thì các chợ lẻ vẫn ế ẩm.

 11h trưa, sạp rau chị Hằng (tiểu thương chợ Thái Hà) vẫn còn gần một nửa

Chị Hằng, bán rau tại chợ Thái Hà chia sẻ rằng, giá cả tăng cao chợ ế ẩm đã đành, nhưng mấy hôm nay, giá cả giảm hơn, hàng bán vẫn chậm. Chị nhăn nhó nói với chúng tôi: “Trưa nay, ngồi đến gần 11h, sạp rau của chị vẫn còn tới một nửa chưa bán được dù đã lấy hàng ít hơn so với mức bình thường.”

Tại một số chợ khác như Nghĩa Tân, chợ Bưởi, chợ Nhà Xanh, Láng Hạ …, cảnh nhiều sạp rau, bàn thịt vẫn ê hề đến trưa khá phổ biến. Anh Hiếu, bán thịt tại chợ Nhà Xanh cho biết, từ đợt có thông tin thịt lợn nhiễm độc tràn lan các chợ nội thành, lượng khách của anh giảm đi một nửa, ngồi đến tận tối mà thịt của anh vẫn còn hơn một phần 3.

Anh rầu rĩ cho biết thêm: “Bình thường một ngày anh phải bán hết 7 yến đến 8 yến thịt. Bây giờ anh lấy hàng ít hơn nhưng ngày nào cũng ế dài, số tiền lãi cả ngày chỉ đủ bù vào số thịt ế mang về.”

"Thật ra bình thường nếu đông khách, ngay cả hàng hơi ế vẫn phải cố co kéo, được thêm đồng nào thì thêm. Nhưng hiện tại hàng bán chậm hơn, nên tùy cơ ứng biến", chị Hiền, vợ anh Hiếu chia sẻ.

Vào thời buổi đồng tiền mất giá, xăng dầu, gas, điện nước liên tục tăng khiến người tiêu dùng thắt chặt hầu bao để điều hòa chi tiêu trong gia đình. Chị Linh, nhân viên một ty điện ở Hà Nội cho biết, gia đình chị hạn chế mua những thực phẩm đắt tiền như ngao, tôm…, chuyển sang ăn các mặt hàng có giá thành vừa phải.

Hoàng Thủy
Theo VTCNews

Từ khóa: