Sự kiện hot
4 năm trước

Hà Nội: Nhà hàng vắng khách, mua hàng online lên ngôi

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp và Nghị định 100, nhiều quán ăn, nhà hàng tại Hà Nội rơi vào cảnh đìu hiu, thiếu khách, có nơi phải đóng cửa sớm… Người tiêu dùng dần chuyển sang xu hướng mua sắm online.

Theo ghi nhận của phóng viên, thời gian qua, tại nhiều nhà hàng, quán ăn bị rơi vào tình trạng vắng khách do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Chia sẻ với phóng viên, bà Vũ Thị Thúy – Giám đốc hệ thống Nhà hàng bia Lan Chín, Hải Xồm trên đường Tăng Bạt Hổ cho biết: “Trước đây vào buổi trưa quán đông khách, nhân viên chạy còn không hết việc. Nhưng giờ lại thiếu khách, cửa hàng cũng phải tạm thời giảm bớt nhân viên để có thể duy trì hoạt động”.

Quán ăn vắng khách vì dịch Covid-19
Quán ăn vắng khách vì dịch Covid-19

Ông Nguyễn Văn Long (60 tuổi) là bảo vệ quán bia Hải Xồm số 45 đường Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy (thành phố Hà Nội) chia sẻ:.“Quán mới chính thức mở được 2 ngày nay. Trước đó do không có một bóng khách nào, một mình tôi lủi thủi trông coi từ trước Tết đến nay thôi”.

Nguyên nhân đóng cửa là do lượng khách giảm mạnh. Từ trước Tết, khách giảm do Nghị định 100, tăng mức xử phạt về quá nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Sau Tết, khách giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch virus corona.

Hiện tại, nhiều quán nhậu chọn cách đóng cửa chờ hết dịch, cho nhân viên nghỉ ở nhà. Nhân thời gian này, nhiều quán nâng cấp, sửa chữa. Một số quán nhậu khác tìm cách hoạt động cầm chừng "giữ mối" khách chờ hết mùa dịch bệnh.

Tại các cửa hàng bán đồ ăn nhanh như: Pizza, mì Ý, gà KFC… khách đến ăn cũng không nhiều như trước, phần lớn khách hàng đến mua và mang về ăn.

Tình trạng đìu hiu, vắng khách không chỉ diễn ra tại các quán ăn nhỏ mà tại các nhà hàng lớn, quán bia cũng vậy, không còn cảnh tấp nập, nhộn nhịp khách đến ăn, nhậu vào những buổi trưa, chiều hay ngày cuối tuần.

Mua sắm online lên ngôi

Lo ngại trong việc đi lại, ăn uống, mua sắm trong mùa dịch Covid-19, người tiêu dùng đã lựa chọn mua sắm trực tuyến bởi sự nhanh chóng, tiện lợi. Bởi hình thức mua sắm này không phải ra tận cửa hàng, không phải chen chúc xếp hàng thanh toán như khi shopping ở các siêu thị, trung tâm mua sắm… mà chỉ cần ngồi nhà, truy cập ứng dụng, lựa mặt hàng mình thích, thanh toán qua mạng và sẽ được giao hàng tận nơi.

Khách hàng chủ yếu đặt đồ ăn giao hàng qua ứng dụng Grab...
Khách hàng chủ yếu đặt đồ ăn giao hàng qua ứng dụng Grab...

Thực tế, để tiêu thụ hàng hóa, những ngày vừa qua các siêu thị, cửa hàng kinh doanh ăn uống, cà phê… đã đẩy mạnh bán hàng online thông qua mạng xã hội facebook, zalo, website, thậm chí điện thoại tư vấn cho khách hàng để họ không phải đến cửa hàng, rồi sau đó nhân viên hoặc đơn vị vận chuyển sẽ giao hàng đến tận nhà cho khách.

Những ngày gần đây mặc dù lượng khách đến những chuỗi cửa hàng kinh doanh thức ăn nhanh và "take away" như KFC, Lotteria, Phúc Long, The Alley, HighLand... có suy giảm nhưng lượng đơn hàng online lại tăng mạnh. Theo thống kê nhanh từ GoViet từ ngày 17/1 đến nay, lượng đơn hàng ẩm thực đặt qua GoFood, tăng 120% so với cùng kỳ năm trước

Tại hệ thống siêu thị Co.opmart cũng đang triển khai hoạt động mua sắm online. Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, trước khi diễn ra dịch, tỷ lệ bán qua kênh online tại Co.opmart đạt khoảng 5 - 10%, nhưng hiện tại lượng khách hàng mua online đang tăng mạnh.

Theo số liệu thống kê, khi Việt Nam công bố dịch, kênh bán hàng online của siêu thị đã nhận số đơn đặt hàng tăng lên mỗi ngày. Trong khi đó, để kích thích người tiêu dùng tăng mua qua kênh trực tuyến, các sàn thương mại điện tử Shopee, Tiki, Lazada… lại chọn hình thức hợp tác cùng siêu thị với nhiều khuyến mại lớn đến 30% đơn hàng trong suốt tháng 2/2020.

Phi Long
Theo Báo Đời sống và Tiêu dùng

Từ khóa: