Sự kiện hot
khoảng 1 tháng trước

Hà Tĩnh: Nhiều nhà thầu quan tâm dự án LNG 60.000 tỷ đồng ở Vũng Áng

Trong số các nhà đầu tư nộp hồ sơ đề xuất đầu tư xây dựng Tổ hợp điện - khí LNG Vũng Áng III này có các doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn T&T, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn, Công ty Samsung C&T (Tập đoàn Samsung Hàn Quốc)...

Ảnh minh họa

Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã thống nhất chủ trương nghiên cứu, đầu tư xây dựng Nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và Trung tâm kho cảng LNG tại Khu Kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh theo đề nghị của Ban cán sự Đảng ủy UBND tỉnh Hà Tĩnh.

UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao các sở, ban ngành liên quan tập trung thực hiện các quy trình, thủ tục để xúc tiến đầu tư đảm bảo quy hoạch và các quy định; chỉ đạo Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh rà soát, có văn bản phản hồi các nhà đầu tư trước đây đã khảo sát đầu tư lĩnh vực này tại Khu kinh tế Vũng Áng...

Trước đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét, đồng ý cho phép Hà Tĩnh triển khai lập dự án đầu tư đối với nhà máy điện - khí LNG Vũng Áng III thay thế Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng III, với quy mô công suất trước năm 2030 là 1.500 MW và công suất sau năm 2030 là 4.500 MW; tổng vốn đầu tư dự án khoảng hơn 60.000 tỷ đồng.

Đây là dự án được nhiều nhà đầu tư nước ngoài và trong nước quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu, nộp hồ sơ đề xuất đầu tư xây dựng Tổ hợp điện - khí LNG Vũng Áng III đồng bộ với Kho khí LNG đã được phê duyệt quy hoạch. Trong các nhà đầu tư nộp hồ sơ đề xuất đầu tư xây dựng Tổ hợp điện - khí LNG Vũng Áng III này có các doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn T&T, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn, Công ty Samsung C&T (Tập đoàn Samsung Hàn Quốc)...

Đầu tháng 10/2023, Tập đoàn Vingroup đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất việc khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án nhà máy điện khí LNG Vũng Áng 3 tại Khu kinh tế Vũng Áng. Dự án nhà máy điện khí LNG Vũng Áng 3, Tập đoàn Vingroup đề xuất sẽ bao gồm xây dựng hệ thống cảng tiếp nhận LNG, kho chứa và nhà máy điện khí LNG. Hệ thống cảng tiếp nhận LNG có công suất 1,5 triệu tấn/năm, gồm nhà máy điện tubin khí chu trình hỗn hợp với tổng công suất 1.600MW...

Cùng với đó, Công ty cổ phần Tập đoàn T&T cũng đề xuất với UBND tỉnh Hà Tĩnh đầu tư tổ hợp điện khí LNG Vũng Áng 3 theo hình thức đầu tư nhà máy điện độc lập (IPP). Tổng mức đầu tư cho tổ hợp điện khí LNG này dự kiến khoảng 3,55 tỷ USD. Diện tích sử dụng cho dự án khoảng 123,8 ha, chưa bao gồm 100 ha diện tích mặt nước. Chủ đầu tư sẽ xây dựng trung tâm kho cảng LNG Vũng Áng 3 & trung tâm điện lực LNG Vũng Áng 3 có tổng công suất phát điện 3.000 MW.

Vào tháng 10/2019, Công ty Điện khí Siemens (CHLB Đức) và Công ty Samsung C&T (Tập đoàn Samsung Hàn Quốc) đề xuất được nghiên cứu, khảo sát đầu tư xây dựng dự án với công suất từ 1.200 - 1.500MW, tổng mức đầu tư khoảng 1,5 - 1,8 tỷ USD.

Kho cảng LNG tại Khu kinh tế Vũng Áng nằm trong Tổ hợp điện - khí LNG Vũng Áng III có nhà đầu tư là Tổng Công ty Khí Việt Nam đã gửi văn bản đề xuất tới lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh để đưa ra phương án triển khai. Theo đó, Tổng công ty Khí Việt Nam đề xuất được đầu tư kho cảng LNG công suất từ 1 - 3 triệu tấn/năm, có tính đến khả năng nâng công suất phù hợp với nhu cầu khách hàng; đầu tư ống dẫn khí tái hóa LNG từ kho cảng đến các hộ tiêu thụ trong khu vực.

Vệc xây dựng kho cảng tại Hà Tĩnh là phù hợp khi địa phương này được quy hoạch đầu tư kho cảng LNG. Theo quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trung tâm nhập khẩu và phân phối khí LNG được xây dựng tại Khu kinh tế Vũng Áng.

Hoài Thanh

Theo KT&ĐU

Từ khóa: