Sự kiện hot
10 năm trước

Hải Dương đầu tư nâng cấp khu du lịch sinh thái Đảo Cò

Đảo Cò - khu sinh thái độc nhất vô nhị của Hải Dương nằm ở xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện đã và đang được địa phương quan tâm đầu tư nâng cấp cải tạo để thu hút du khách, chuẩn bị đón Bằng công nhận di tích danh thắng quốc gia.


Khách du lịch thăm đảo Cò. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)

Đảo Cò nằm giữa lòng hồ An Dương rộng trên 20ha. Cò, vạc sinh sống tại hai đảo nhỏ có tổng diện tích trên 7.000 m2. Theo số liệu thống kê của huyện Thanh Miện cuối năm 2013, ước có khoảng 15.000 con cò và 5.000 con vạc cùng nhiều loài chim khác về cư ngụ.

Theo thông tin mới nhất từ Ủy ban Nhân dân xã Chi Lăng Nam, vừa qua, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch đã có quyết định công nhận Đảo Cò là Di tích thắng cảnh Quốc gia. Lễ đón Bằng công nhận di tích quốc gia dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 10/2014.

Hiện nay, địa phương đã và đang triển khai đầu tư kinh phí để nâng cấp một số hạng mục cho khu du lịch sinh thái này. “Ngân sách huyện chi 1 tỷ đồng, cộng với 400 triệu đồng từ ngân sách xã sẽ được đầu tư để xây đoạn đường bê tông từ Trung tâm giáo dục môi trường, xây dựng hệ thống bãi để xe, tu bổ nâng cấp cơ sở vật chất cho trung tâm giáo dục môi trường”- ông Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Chi Lăng Nam cho biết.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo xã này, vấn đề cấp bách hơn đang đặt ra đối với khu sinh thái Đảo Cò là cần sớm kè đảo để chống xói lở thì vẫn chưa có kinh phí để triển khai. Diện tích đảo Cò đang ngày càng bị thu hẹp.

Đi thuyền trong lòng hồ An Dương mới thấy rõ hiện tượng này. Ở những chỗ đất sụt xuống, trơ ra những gốc cây to đã chết khô. Có những nơi, đất bị nước hồ “nuốt” chửng rồi, những cây lớn trên đảo trơ mất nửa phần bộ rễ. Vào mùa mưa bão, nước lòng hồ An Dương dâng cao, tình trạng này càng trở nên đáng lo ngại.

Trước tình trạng nêu trên, người dân xã Chi Lăng Nam đang rất mong mỏi nhanh chóng triển khai việc chống xói lở cho đảo. Đồng thời nghiên cứu trồng thêm cây để tăng diện tích trú ngụ cho đảo cò.

Ông Nguyễn Văn Trạm, cán bộ văn hóa xã Chi Lăng Nam đề xuất: “Phải có sự hỗ trợ của các nhà khoa học trong vấn đề lựa chọn các loại cây thích hợp với thổ nhưỡng ở đây. Thực tế là xã đã trồng bổ sung nhưng các cây trồng lên đây chỉ được một thời gian ngắn rồi bị chết đi vì lượng phân cò quá lớn, cây không thích nghi lâu dài được”.

Năm 2009, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng khu du lịch và bảo tồn sinh thái đảo Cò. Trong đó có đề cập đến việc kè đảo và trồng thêm tre để mở rộng diện tích sinh sống cho cò và vạc. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Chi Lăng Nam Nguyễn Đức Minh, việc kè đảo đòi hỏi một nguồn kinh phí lớn lên đến hàng chục tỷ đồng, nên hiện đây vẫn là bài toán nan giải với khu sinh thái này.

Theo các tài liệu để lại, Đảo Cò đã có hàng trăm năm. Địa danh độc đáo này đã được đưa vào khai thác du lịch từ những năm 1990. Số lượng các loài cò, vạc, một số loài chim về trú ngụ trên đảo ngày càng nhiều. Trong khi đó, diện tích trú ngụ cho chúng lại đang bị thu hẹp.

Người dân trong xã đang hy vọng sau khi được đón nhận danh hiệu Di tích danh thắng Quốc gia, vấn đề bảo tồn và phát triển Đảo Cò, một khu sinh thái độc nhất vô nhị của Hải Dương sẽ được quan tâm hơn, trước mắt là việc nhanh chóng triển khai kè đảo chống mất đất và trồng bổ sung thêm cây trên đảo.

Mạnh Minh
theo Vietnam+

Từ khóa: